Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại ngày nay. Ngay sau khi Chiến tranh Thế giới lần thư hai kết thúc, Liên Hợp Quốc được thành lập và tiến hành họp khoá đầu tiên ngày 10 tháng 1 năm 1946 tại London. Ngày 14 tháng 1 năm 1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nộp đơn xin gia nhập Liên Hợp Quốc. Nhưng do tương quan lực lượng tại Liên Hợp Quốc và trên thực tế khi đó, Việt Nam chưa được nước nào trên thế giới công nhận nên việc gia nhập Liên Hợp Quốc chưa thực hiện được. Ngày 25 tháng 5 năm 1959, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã họp và quyết định việc gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới. Nhưng lúc bấy giờ, tổ chức này bị các thế lực thù địch thao túng nên đã trì hoãn xem xét việc gia nhập Liên minh của Quốc hội nước ta.

Sau khi miền Nam được giải phóng, nước nhà thống nhất, Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc (20-9-1977) và Liên minh Nghị viện Thế giới (21-4-1979), điều mà Bác Hồ từ rất sớm đã mong muốn “đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu”.

ipu_1_hltg.jpg 

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba những người đứng đầu Cơ quan Lập pháp các nước trên thế giới. Geneva, tháng 10-2010. Ảnh tư liệu IPU.

1- Cơ sở pháp lý để Nghị viện quốc gia trở thành thành viên IPU

Theo quy định của Liên minh Nghị viện Thế giới - IPU, để có thể trở thành thành viên Liên minh, Nghị viện quốc gia có nguyện vọng gia nhập IPU phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Thứ nhất là phải tán thành tôn chỉ, mục đích và tuân thủ các nguyên tắc quy định trong Quy chế của Liên minh. Theo đó, Điều 1 quy định: Liên minh Nghị viện Thế giới là tổ chức quốc tế của các Nghị viện Quốc gia có chủ quyền.  Là trung tâm đối thoại nghị viện toàn cầu, từ năm 1889, Liên minh Nghị viện Thế giới hoạt động vì hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc và thiết lập các thể chế dân chủ đại diện bền vững. Mục đích cuối cùng của Liên minh Nghị viện thế giới là: (a) Đẩy mạnh các cuộc tiếp xúc, phối hợp và trao đổi kinh nghiệm giữa các nghị viện và giữa các nghị sĩ của tất cả các nước; (b) Xem xét các vấn đề quốc tế cần quan tâm và bày tỏ quan điểm của IPU về các vấn đề liên quan đó nhằm hỗ trợ hành động của các Nghị viện và các nghị sĩ; (c) Góp phần bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền toàn cầu, trên cơ sở tôn trọng và coi quyền con người là nhân tố cơ bản của nền dân chủ nghị viện và phát triển; (d) Góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường hiệu quả hoạt động của các thể chế đại diện.

Cùng chung mục tiêu với Liên Hợp Quốc, Liên minh Nghị viện Thế giới hỗ trợ các nỗ lực và phối hợp chặt chẽ với tổ chức này. Liên minh cũng hợp tác với các tổ chức liên Nghị viện khu vực, các tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ vì lý tưởng chung.

- Thứ hai là Nghị viện quốc gia phải là cơ quan lập pháp hợp hiến và đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 3: Mỗi Nghị viện được thành lập phù hợp với luật pháp của quốc gia có chủ quyền, đại diện cho nhân dân và hoạt động trên lãnh thổ quốc gia đó đều có thể gia nhập Liên minh. Mỗi thành viên Liên minh phải tuân thủ những nguyên tắc và Quy chế của Liên minh. Bất kỳ Nghị viện nào được thành lập phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật về toàn vẹn lãnh thổ và có nguyện vọng cũng như quyền thành lập quốc gia được Liên Hợp Quốc công nhận và có tư cách Quan sát viên thường trực ở Liên Hợp Quốc với những quyền cơ bản và đặc quyền cũng có thể trở thành thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới.

Thứ ba là, để đảm bảo việc tham gia các hoạt động của Liên minh một cách có hiệu quả,Điều 6quy định: Tất cả các Nghị viện thành viên hoặc thành viên liên kết của Liên minh có Điều lệ riêng quy định việc tham gia Liên minh của Nghị viện mình. Các Nghị viện thành viên cần có các quy định về cơ cấu tổ chức, thủ tục và điều kiện tài chính cần thiết để đảm bảo việc tham gia các hoạt động của Liên minh một cách có hiệu quả; thực hiện các quyết định và duy trì liên lạc thường xuyên với Ban thư ký Liên minh. Trước cuối tháng Một hàng năm, Nghị viện thành viên phải gửi Ban thư ký báo cáo về tình hình hoạt động của Nghị viện mình, trong đó bao gồm họ tên các quan chức và danh sách hoặc tổng số các nghị sĩ.

Nghị viện thành viên có quyền quyết định cách thức tham gia Liên minh Nghị viện Thế giới của Nghị viện mình.

Như vậy, về thủ tục, các nghị viện quốc gia muốn trở thành thành viên Liên minh phải tán thành tôn chỉ mục đích và cam kết tuân thủ các nguyên tắc quy định trong Quy chế và Điều lệ của Liên minh.

2- Quyền và nghĩa vụ của Nghị viện thành viên Liên minh

Sau khi Hội đồng Điều hành xem xét và chấp nhận Nghị viện quốc gia là thành thành viên Liên minh theo đề nghị của Ban chấp hành (quy định tại Điều 4 và Điều 21 Quy chế Liên minh), Nghị viện thành viên có một số quyền và nghĩa vụ sau đây:

a- Quyền:

- Tham gia Đại hội đồng theo quy định tại Điều 10 Quy chế Liên minh: Đại hội đồng gồm các nghị sĩ được các Nghị viện thành viên chỉ định là đại biểu. Các đại biểu gồm các nam và nữ nghị sĩ trong đoàn đại biểu và cố gắng đảm bảo sự đại diện bình đẳng giữa nam và nữ. Đoàn đại biểu nào chỉ gồm các nghị sĩ cùng giới đương nhiên phải giảm bớt một đại biểu.

Số lượng đại biểu của mỗi nghị viện thành viên tham dự kỳ họp thường niên lần thứ nhất trong mọi trường hợp không được vượt quá tám đại biểu đối với Nghị viện của các nước có số dân dưới 100 triệu người, hoặc quá mười đại biểu đối với Nghị viện của các nước có số dân từ 100 triệu người trở lên. Số lượng đại biểu tham dự kỳ họp thường niên lần thứ hai không quá năm hoặc bảy người đối với Nghị viện của các nước có số dân từ 100 triệu người trở lên.

- Biểu quyết, Điều 15, 16 Quy chế quy định: Chỉ có các đại biểu thực tế có mặt tại hội nghị mới có quyền biểu quyết. Mỗi Nghị viện thành viên có tối thiểu 10 phiếu bầu và số phiếu bổ sung phụ thuộc vào số dân của quốc gia đó. Đoàn đại biểu nào chỉ gồm các nghị sĩ cùng giới chỉ được tối thiểu tám phiếu bầu (thay vì mười phiếu cho các đoàn đại biểu hỗn hợp).

- Đăng cai tổ chức Đại hội đồng: Nghị viện thành viên đăng cai tổ chức Đại hội đồng phải cung cấp tất cả các điều kiện cần thiết phục vụ kỳ họp trên cơ sở thỏa thuận với Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới thay mặt cho Liên minh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu xét thấy cần thiết, Hội đồng Điều hành có thể yêu cầu Liên minh và các Nghị viện thành viên Liên minh chịu một phần chi phí tổ chức Đại hội đồng (Điều 5 Điều lệ Đại hội đồng).

- Cử đại diện tham gia Hội đồng Điều hành(Điều 18):Hội đồng Điều hành gồm đại diện của tất cả các Nghị viện thành viên Liên mnh, mỗi nghị viện ba nghị sĩ. Nhiệm kỳ của Ủy viên Hội đồng Điều hành bắt đầu từ kỳ họp Đại hội đồng lần này đến kỳ họp Đại hội đồng kế tiếp. Tất cả các Ủy viên Hội đồng Điều hành đều phải là nghị sĩ đương nhiệm.

- Ứng cử, đề cử vào Ban chấp hành:các Nghị viện thành viên có quyền tham gia ứng cử và đề cử làm thành vien Ban chấp hành (Khoản 1, Điều 19, Điều 23 Quy chế Liên minh).

- Tham gia các Ủy ban:Các nghị viện thành viên Liên minh cử một đại biểu chính thức và một đại biểu thay thế tham gia vào mỗi Ủy ban thường trực (Điều 2, Điều lệ các Ủy ban Thường trực). Hiện nay Liên minh có 4 Ủy ban thường trực và 4 Ủy ban chuyên môn.

- Đề nghị bổ sung một số vấn đề vào chương trình nghị sự (Điều 20.2 Quy chế Liên minh, Điều 13 Điều lệ Hội đồng Điều hành). Đồng thời có thể đề nghị hoặc trình dự thảo nghị quyết về một vấn đề trong chương trình nghị sự. (Điều 14 Điều lệ HĐĐH), hoặc có thể trình đề nghị sửa đổi về một số kiến nghị hoặc dự thảo nghị quyết (Điều 16 Điều lệ HĐĐH).

- Đề nghị bổ sung chủ đề khẩn cấp: Tất cả các Nghị viện thành viên Liên minh đều có thể đề nghị bổ sung chủ đề khẩn cấp vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng. Tuy nhiên, để được Đại hội đồng xem xét đề nghị bổ sung vào chương trình nghị sự, chủ đề khẩn cấp phải có liên quan đến sự kiện quan trọng được quốc tế quan tâm và Liên minh xét thấy cần thiết phải bày tỏ quan điểm của mình. Để đề nghị này được thông qua, phải có hai phần ba đa số phiếu tán thành (quy định tại Điều 11, Điều lệ Đại hội đồng).

- Đề nghị sửa đổi hoặc bổ sung dự thảo nghị quyết:Theo quy định của Liên minh, tất cả các đại biểu đều có quyền đưa ra đề nghị sửa đổi hoặc bổ sung có liên quan đến các dự thảo nghị quyết do các báo cáo viên chuẩn bị về chủ đề có trong chương trình nghị sự được Đại hội đồng thông qua. Những sửa đổi này phải được gửi tới Ban Thư ký trước khi khai mạc Đại hội đồng (Điều 17, Điều lệ Đại hội đồng).

- Phát biểu (Điều 21, 22 Điều lệ HĐĐH). Ủy viên Hội đồng Điều hành phát biểu theo thứ tự đăng ký và không được phát biểu khi chưa được Chủ tịch cho phép.

- Tham gia Hội nghị nữ nghị sĩ:(Điều 3 Điều lệ Hội nghị nữ nghị sĩ) các nữ nghị sĩ của các Nghị viện quốc gia được xhir định tham dự các kỳ họp thường kỳ của Liên minh Nghị viện Thế giới sẽ tham gia Hội nghị nữ nghị sĩ theo quy định tại Điều 10 Quy chế Liên minh.

Bên cạnh các quyền nêu trên, các Nghị viện thành viên Liên minh có trách nhiệm thực hiện một số nghĩa vụ theo quy định của Quy chế và Điều lệ của Liên minh.

b- Nghĩa vụ:

- Nghị viện thành viên có nghĩa vụ đóng niên liễm theo quy định tại Điều 5 của Điều lệ Tài chính: Hàng năm, Nghị viện thành viên và thành viên liên kết phải nộp niên liễm cho Liên minh theo mức độ do Hội đồng Điều hành quy định.

Điều lệ cũng quy định: Nghị viện thành viên còn nợ niên liễm không có quyền biểu quyết tại các cơ quan thuộc Liên minh Nghị viện Thế giới nếu tổng số nợ bằng hoặc vượt quá mức niên liễm đến hạn phải nộp của toàn bộ hai năm trước đó. Tuy nhiên, có thể cho phép Nghị viện thành viên này tham gia biểu quyết nếu Hội đồng Điều hành thấy rằng việc không nộp niên liễm là do các điều kiện vượt quá khả năng kiểm soát của Nghị viện thành viên đó.

Trước khi xem xét vấn đề này, Hội đồng Điều hành có thể xem xét giải trình bằng văn bản của Nghị viện thành viên liên quan. Theo quy định tại Điều 10.2 của Quy chế này, Nghị viện thành viên nói trên không được cử quá hai đại biểu tham dự các cuộc họp của Liên minh.

- Thực hiện các nghị quyết của Liên minhquy địnhtại Điều 7: Nghị viện thành viên có nghĩa vụ trình Nghị viện mình các nghị quyết của Liên minh dưới hình thức thích hợp và truyền đạt các nghị quyết này cho Chính phủ; thúc đẩy việc thi hành các nghị quyết và thông báo thường xuyên, đầy đủ với Ban thư ký Liên minh về cách thức triển khai nghị quyết và các kết quả đạt được, nhất là việc thông qua các báo cáo hàng năm (Điều 39.2 của Điều lệ Đại hội đồng).

3- Quốc hội Việt Nam gia nhập IPU

Là cơ quan lập pháp của quốc gia độc lập có chủ quyền, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có đầy đủ điều kiện để gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới, phù hợp với Điều 1 và Điều 3 của Quy chế IPU.

 Sau khi nghiên cứu Quy chế và Điều lệ, Quốc hội Việt Nam nhận thấy rằng tôn chỉ mục đích của Liên minh có lợi cho việc tăng cường hợp tác hòa bình giữa các dân tộc, củng cố và phát triển các thể chế dân chủ, điều đó phù hợp với đường lối chính trị của Quốc hội Việt Nam. Quốc hội cũng nhận thấy sự tham gia của mình vào Liên minh có thể góp phần vào việc thực hiện mục đích, tôn chỉ của Liên minh nên đã quyết định gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới.

 

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu dự Đại hội đồng IPU-130. Geneva, tháng 3-2014. Ảnh tư liệu IPU.

Ngày 25 tháng 05 năm 1959, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia Đoàn Chủ tịch chủ trì phiên họp riêng để bàn việc gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới của Quốc hội nước ta. Cuối phiên họp, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn gồm 231 đại biểu Quốc hội nước ta để gia nhập Liên minh. Quốc hội cũng đã thông qua Nội quy và cử Ban chấp hành (gồm 16 người). Sau đó Ban chấp hành đã tiến hành các thủ tục cần thiết để gia nhập Liên minh. Nhưng lúc bấy giờ, tổ chức này bị các thế lực thù địch thao túng nên đã trì hoãn xem xét việc gia nhập Liên minh của Quốc hội nước ta. Trong khi đó, tại Hội nghị mùa Thu lần thứ 46 họp ở London tháng 09 năm 1957, Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới đã chấp nhận Quốc hội Việt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam) là thành viên Liên minh.

Nhằm tranh thủ tham gia các tổ chức quốc tế để đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa VI, ngày 23 tháng 12 năm 1978, trong phiên họp toàn thể tại Hội trường Ba Đình, sau khi  nghe báo cáo của Ủy ban Đối ngoại, Quốc hội đã thảo luận và tán thành việc gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới. Trên tinh thần đó, căn cứ vào Điều 53 của Hiến pháp năm 1959, ngày 3 tháng 2 năm 1979, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ quốc hội Trường Chinh đã ký Nghị quyết số 436 NQ/QHK6 về tán thành việc thành lập Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam để gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới.

Thực hiện Nghị quyết này, Đoàn Quốc hội Việt Nam gồm 267 đại biểu được thành lập để tham gia Liên minh. Đoàn đã họp để thông qua Nội quy và bầu Ban chấp hành gồm 17 thành viên do ông Xuân Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Chủ tịch. Sau đó, tháng 02 năm 1979, Ban chấp hành đã hoàn tất hồ sơ gửi Tổng Thư ký IPU Pio Carlo Terenzio, bày tỏ nguyện vọng gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới của Quốc hội Việt Nam. 

Tại Hội nghị mùa Xuân của Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (kỳ họp lần thứ 124) tại thủ đô Praha, Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc sau này) từ ngày 16 đến 21 tháng 04 năm 1979. Hội nghị Ban chấp hành IPU lần thứ 180 (ngày 16-4-1979), đã nhất trí thông qua Nghị quyếtchấp nhận Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới1. Tiếp đó, trong phiên họp ngày 21-4 -1979, Hội đồng IPU đã xem xét báo cáo của Ban chấp hành và nhất trí thông qua Nghị quyết2, chấp nhận Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới.

Sau hơn 35 năm gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới, với tư cách một thành viên có trách nhiệm, bên cạnh việc tham gia đầy đủ và đóng góp tích cực tại các kỳ họp Đại hội đồng thường niên và nhiều hội nghị chuyên đề của Liên minh, Quốc hội Việt Nam đã chủ động đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng IPU-132 tại Hà Nội từ ngày 28 tháng 3 đến 1 tháng 4 năm 2015 với chủ đề: “Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015: Biến lời nói thành hành động”. Đây là sự kiện ngoại giao nghị viện đa phương lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

Tại kỳ họp Đại hội đồng IPU-132 lần này các đại biểu sẽ thảo luận và thông qua nhiều văn kiện và nghị quyết quan trọng, đặc biệt là Tuyên bố Hà Nội, một văn kiện chính trị - ngoại giao có ý nghĩa rất to lớn. Tuyên bố Hà Nội là thông điệp hòa bình của Quốc hội và nhân dân Việt Nam gửi Quốc hội và nhân dân các nước trên thế giới. Thành công của Đại hội đồng IPU-132 sẽ góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện vị thế và tầm vóc của Việt Nam và là đỉnh cao của quá trình hội nhập quốc tế của Quốc hội nước ta./.

---------------

Chú thích:

1- Biên bản Hội nghị mùa Xuân Praha, CL/124/79/2, ngày 18 tháng 4 năm 1979, mục 2, Tr. 1. Đề nghị gia nhập và tái gia nhập Liên minh. Báo cáo của Ban chấp hành IPU. Chủ đề III, Chương trình nghị sự. (Dịch từ bản tiếng Anh).

2- Biên bản CL/124/79/SR,  ngày 20 tháng 4 năm 1979. Kỳ họp lần thứ 124 Hội đồng Liên minh Nghị viện. Ngày 21-4-1979. Praha, Nghị viện Liên bang. Tr. 10, Nghị quyết của Hội đồng Liên minh Nghị viện. (Dịch từ bản tiếng Anh).