Tại Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) ngày 5/8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục xác định rõ khái niệm tiêu cực để mở rộng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo.
Đối tượng của công tác phòng, chống tiêu cực là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trọng tâm chỉ đạo phòng, chống tiêu cực là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Mục tiêu đặt ra là sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, hành vi tiêu cực ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Nhận diện đúng thì phòng, chống tiêu cực mới hiệu quả
GS.TS Lê Hữu Nghĩa – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là những biểu hiện rõ nét nhất của tiêu cực trong cán bộ, đảng viên. Do đó, trọng tâm của đấu tranh phòng chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên hiện nay chính là đấu tranh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
“Tiêu cực và tham nhũng có mối quan hệ chuyển hóa lẫn nhau. Cán bộ tiêu cực thì mới tham nhũng và ngược lại. Khi cán bộ suy thoái, bất chấp quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nên mới dẫn đến các hành vi tham nhũng” – ông Lê Hữu Nghĩa cho biết.
Theo ông Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nên bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương tiếp tục là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
Sắp tới đây, khi sửa chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cần xác định những tiêu cực nào cần phải chống và phạm vi đối tượng chịu giám sát. Bởi có nhận diện đúng thì việc phòng chống tiêu cực mới thực sự có hiệu quả.
“Theo tôi, phạm vi đối tượng nên tập trung vào lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên, là những người có phụ cấp lãnh đạo, vì nếu mở rộng ra thì e rằng khó làm nổi. Vì cán bộ, đảng viên bình thường không có gì để tham nhũng cả” – ông Vũ Văn Phúc cho biết.
Thực tiễn đã chỉ ra rằng, tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau. Do đó, công tác phòng chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực.
Có cán bộ ngụy trang hành vi tiêu cực trong vỏ bọc “dám nghĩ, dám làm”
Theo ông Đặng Bá Cường – Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng cho rằng, tham nhũng là một hình thái đặc biệt của tiêu cực. Giữa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tham nhũng có mối liên hệ với nhau; tiêu cực là gốc của tham nhũng và trong tất cả các vụ việc, vụ án tham nhũng đều có yếu tố tiêu cực.
Kết quả phát hiện và xử lý tiêu cực hiện nay chưa tương xứng. Trong khi, kiểm điểm của tập thể cấp ủy cũng như các cá nhân vào cuối năm đều đối chiếu với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhưng rất ít trường hợp có các biểu hiện này.
“Có nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, được đánh giá là dám nghĩ, dám làm, thậm chí có những trường hợp viết sách về đạo đức cách mạng, nhưng sau đó trở thành những “điển hình” cho sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tham nhũng. Điều đó cho thấy việc phát hiện chưa tương xứng với thực trạng” – ông Đặng Bá Cường cho biết.
Đề cập một số biểu hiện nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Đặng Bá Cường cho biết, Hướng dẫn số 16 của Ban Tổ chức Trung ương đã nêu rất rõ các biểu hiện này. Đó là biểu hiện lấy danh nghĩa hành động quyết liệt, tinh thần tiến công, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung để độc đoán gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; Áp đặt đoàn kết, xuôi chiều, dân chủ hình thức để phục vụ ý đồ cá nhân và lợi ích nhóm; thao túng tổ chức, coi những người có ý kiến khác là cản trở sự phát triển của địa phương để từ đó thực hiện hành vi tham nhũng.
Bên cạnh đó, các biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh dẫn đến bao vây, cô lập người tốt, loại người tích cực ra khỏi hệ thống bộ máy để dễ thực hiện tham nhũng và lợi ích nhóm.
“Đây là biểu hiện vô cùng nguy hiểm, không chỉ phá vỡ tính chiến đấu của tổ chức đảng mà còn từng bước tạo ra sự tha hóa trong nội bộ cũng như trong toàn xã hội. Điều này dẫn đến tư tưởng chấp nhận sống chung với tiêu cực, tham nhũng và điều này cũng lý giải tại sao kết quả phát hiện tiêu cực, tham nhũng chưa tương xứng với thực trạng ” – Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh.
Một biểu hiện nguy hiểm không thể không nhắc đến đó là lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng danh nghĩa quyết liệt trong thực hiện hành động để cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, đất đai, tài chính để thực hiện hành vi tham nhũng gây thiệt hại hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.
Biểu hiện khác là độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành để thao túng công tác cán bộ, bố trí, sắp xếp bè cánh, loại bỏ những người dám đấu tranh chống tiêu cực để tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng và phục vụ lợi ích nhóm; Có tư duy nhiệm kỳ, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt có lợi cho mình, sử dụng thông tin và truyền thông để đánh bóng hình ảnh cá nhân.
Nguyên nhân khiến những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chậm được phát hiện, xử lý, là do những biểu hiện tiêu cực hết sức tinh vi, trong khi hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật còn nhiều bất cập. Trong nhiều trường hợp, những hành vi tiêu cực, suy thoái trên dễ dàng được ngụy trang trong vỏ bọc là “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” vì lợi ích chung.
Khi công tác cán bộ đã bị thao túng, dân chủ là hình thức, thì hiếm có cán bộ, đảng viên nào dám đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, hoặc nếu có thì dễ bị nhìn nhận là phần tử gây rối, gây mất đoàn kết nội bộ, tranh giành địa vị và có thể bị trù dập.
Tại Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trùng giọng xuống khi nhắc đến một số cán bộ, đảng viên sau bao nhiêu năm công tác, “từng là thế nọ thế kia”, giờ về hưu lập ra tổ chức này, tổ chức kia, chống lại Đảng. Thực trạng đó còn tệ hại hơn là tham nhũng. Đó chính là biểu hiện của “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Bởi vậy, theo Tổng Bí thư, chống suy thoái còn quan trọng hơn cả chống tham nhũng bởi tiền bạc tham nhũng có thể thu hồi được chứ con người mà mất đi phẩm chất chính trị, phản bội Tổ quốc thì rất khó làm lại./.