Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng trong thời gian vừa qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, một số chuyên gia và các đảng viên cho rằng, hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật vẫn chưa đổi mới toàn diện.
Ông Hoàng Văn Đức - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình chỉ rõ, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa cao, vẫn còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm của tổ chức Đảng, đảng viên chậm được phát hiện, xử lý hoặc xử lý kéo dài.
Đã từng có nhiều vụ việc cán bộ đảng viên, nhất là ở cơ sở vì thiếu gương mẫu, buông lỏng quản lý, thậm chí vi phạm pháp luật được các cơ quan thanh tra kết luận chỉ rõ và đề nghị cấp ủy Đảng xử lý kỷ luật, nhưng tổ chức Đảng chỉ họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm qua loa.
Theo ông Hoàng Văn Đức, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, cần tháo gỡ những bất cập về quy định xử lý, quy định kỷ luật của Đảng với quy định xử lý kỷ luật của chính quyền, đặc biệt người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần nghiêm túc hơn trong việc thực hiện yêu cầu, kết luận của cơ quan kiểm tra Đảng.
“Trong quá trình kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý sai phạm, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đều có chủ trương là nghiêm minh, chính xác, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc bất cập”-ông Hoàng Văn Đức nêu ý kiến.
Nhiều ý kiến cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng vừa qua là rất tốt, nhưng chúng ta vẫn chạy theo kiểm tra những vụ việc vi phạm và tập trung xử lý cán bộ sai phạm chứ chưa quan tâm nhiều đến kiểm tra thường xuyên để ngăn ngừa vi phạm.
Việc xác định nội dung kiểm tra, giám sát còn dàn trải, chưa đi vào những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực; vẫn còn tình trạng người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát, chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo.
Theo ông Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, để hoạt động kiểm tra, giám sát hiệu quả hơn, phải đề cao vai trò của người đứng đầu trong kiểm tra, giám sát.
“Muốn công tác kiểm tra, giám sát phát huy đầy đủ vai trò, tác dụng thì lãnh đạo cấp ủy và người đứng đầu phải thường xuyên chăm lo, theo dõi và chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên” – ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Thu Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang cho rằng, lâu nay công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng ở Trung ương được tiến hành rất mạnh mẽ, hiệu quả, nhưng ở cơ sở thì vẫn chậm đổi mới. Thực tế vẫn chú trọng đến kiểm tra nhưng chưa chú trọng đến hoạt động giám sát. Vì vậy, để kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng ngày càng hiệu quả thì phải được thực hiện tốt từ cấp ủy cơ sở.
“Nếu công tác kiểm tra, giám sát làm tốt ở cơ sở thì xã, huyện sẽ tốt, mà huyện tốt thì tỉnh sẽ tốt. Nếu công tác giám sát được làm thường xuyên thì sẽ phát hiện sớm những tiêu cực của cán bộ, đảng viên. Đây cũng là một bài học của đội ngũ làm công tác kiểm tra”- bà Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh.
Công tác kiểm tra, giám sát nếu được thực hiện thường xuyên sẽ góp phần thiết thực cho Cương lĩnh chính trị, đường lối, chiến lược, các Nghị quyết để tổ chức thực hiện tốt, qua đó khắc phục được tình trạng mất đoàn kết, tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều tổ chức Đảng, góp phần giáo dục, bảo vệ đội ngũ đảng viên, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh./.