Trong cuốnSửa đổi lối làm việcviết tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít mà những tính tốt sẽ nhiều thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có 5 điều: Nhân, Nghĩa, Trí,  Dũng, Liêm… Đó là đạo đức Cách mạng”.

chuyen_gia_tr_fwvr.jpg
Hai vị chuyên gia: Nhà báo Hà Đăng và GS.TS Hoàng Chí Bảo cùng kíp PV, BTV VOV thực hiện chương trình phát thanh đặc biệt: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Di chúc về con người, vì con người
Phân tích rõ hơn về ý nghĩa của 5 chữ Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm… mà Bác Hồ căn dặn, GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng: Bác Hồ không chỉ là nhà tư tưởng kiệt xuất của Đảng, của dân tộc ta và của thế giới trong thế kỷ 20, mà Bác còn thể hiện nổi bật tư tưởng của một nhà đạo đức cách mạng, một nhà Hiền triết Á Đông. Cốt lõi đạo đức của Bác quy tụ vào 4 chuẩn mực và 2 nguyên tắc ứng xử: Bác gọi 4 chuẩn mực đó là 4 đức tính để làm người: cần, kiệm, liêm, chính; 2 chuẩn mực ứng xử đó chính là chí công và vô tư. Chí công là toàn tâm toàn ý vì dân vì nước; Vô tư là quên cá nhân mình.

Có thể nói, Bác là một điển hình độc đáo của một người cộng sản hiện đại nhưng thực hành xuất sắc triết lý nhân bản của Phật giáo: Vô ngã vị tha, quên mình đi vì người khác. Còn các phẩm chất nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm chính là cách cụ thể hóa của 4 chuẩn mực cần - kiệm - liêm - chính. Khi nói về đạo làm tướng, Bác thêm cả chữ trung: Nhân, Trí, Dũng, Liêm, Trung: Nhân là đạo làm người; nhân còn là nhân cách; Nghĩa là đạo lý, đạo nghĩa. Bác vẫn nói, chính sách của Đảng, Nhà nước là vì dân, đó chính là đạo lý, đạo nghĩa lớn nhất, không có gì lớn hơn là làm việc lợi cho dân, tránh điều… cho dân; Còn nghĩa ở đây là tình nghĩa, thủy chung, son sắt, ăn ở với nhau như bát nước đầy, có lý có tình. Bác có lần còn nói: Đọc hàng trăm, hàng nghìn quyển sách Mác Lê nin mà ăn ở với nhau không có tình có nghĩa thì làm sao gọi là Mác Lê nin được. Chữ Liêm, Chính lại càng nổi bật: chính trực, khách quan; Dũng là dũng cảm hy sinh không ngại khó khăn, gian khổ.  Đặc biệt chữ Liêm, nó kết tinh tất cả những phẩm chất đạo đức cao cả.

Còn theo nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa TW, chữ Liêm Bác ngụ ý muốn nói tới việc không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không tham tâng bốc mà chỉ có một thứ ham đó là ham học, ham làm và ham tiến bộ. Đến năm 1949, khi viết về Cần-Kiệm-Liêm-Chính, khi phân tích chữ Liêm, Bác có nói thêm: “Tham tiền của, tham địa vị, danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm. Người cán bộ cậy quyền thế mà đục khoét của dân, ăn của đút, hay chọn của công làm của tư là bất liêm; Dìm người giỏi để giữ địa vị danh tiếng của mình là đạo vị (đạo ở đây là ăn trộm). Còn gặp việc phải mà sợ khó nhọc, không dám làm là tham vật, úy lạo; Gặp giặc mà không dám đánh là tham sinh, úy tử… Tất cả những điều đó đều là làm trái với chữ Liêm.

Có thể nói, 5 chữ Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm chính là lời nhắc nhở của Bác đối với mỗi đảng viên và theo lời Bác, mỗi đảng viên phải là một cán bộ có đạo đức, gương mẫu. Muốn xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, là người đầy tớ trung thành của nhân dân phải bắt đầu từ xây dựng con người./.