Chiều 14/12, tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Toạ đàm bàn tròn với các Tập đoàn lớn của Hàn Quốc do Công ty Kim&Chang tổ chức.

Tham dự Toạ đàm có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, cựu Thủ tướng Hàn Quốc Han Deok Soo, cố vấn cao cấp của Công ty Luật Kim&Chang, các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam và lãnh đạo Công ty Posco, Tập đoàn LG, Ngân hàng Hana, Công ty Seoul Semiconductor, Tập đoàn Tài chính KB, Công ty Korea Shipping & Offshore Engineering, Công ty Huyndai Motor, Công ty Viv A Republica, Tập đoàn CJ, Tập đoàn Tài chính Nonghyup. 

Phát biểu tại Toạ đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất và đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 2022 là năm sẽ mở ra giai đoạn 30 năm phát triển mới với nhiều thành tựu to lớn hơn.

Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đã chứng kiến việc ký và trao 27 giấy chứng nhận, các thỏa thuận đầu tư giữa các doanh nghiệp, địa phương hai nước với giá trị gần 10 tỷ USD, hứa hẹn sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho hoạt động đầu tư, giao thương giữa hai nước trong bối cảnh mới.

"Chúng tôi hy vọng trong chuyến thăm này, quan hệ đối tác chiến lược của Hàn Quốc sẽ ngày càng đi vào thực chất. Chính phủ Việt Nam luôn luôn coi Hàn Quốc là một đối tác quan trọng hàng đầu, thuộc ưu tiên trong chính sách đối ngoại, cũng như phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng cùng với quý vị chia sẻ quan điểm, những định hướng về những giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Thông tin tới các doanh nghiệp Hàn Quốc về những kết quả tích cực của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép về phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế, đặc biệt là giữ vững sự ổn định về kinh tế vĩ mô, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đầu năm 2022, Việt Nam sẽ thí điểm nối lại các đường bay quốc tế, trong đó có đường bay đến Seoul, hai nước cũng đang thúc đẩy công nhận hộ chiếu vaccine để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người dân hai nước đi lại.

Trong phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ Hàn Quốc và các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Việt Nam cũng đã tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc về chuỗi cung ứng, lao động. Trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn tạo điều kiện thuận lợi nhất về nhập cảnh, các biện pháp phòng dịch đối với doanh nghiệp Hàn Quốc và đã có hơn 60.000 lượt doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư Hàn Quốc nhập cảnh Việt Nam giai đoạn này.

Tại toạ đàm, đại diện các doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đề xuất đẩy mạnh xuất khẩu gạo giúp Việt Nam; muốn tìm hiểu về Chiến lược của Việt Nam đối với phát triển ôtô điện; đề xuất Việt Nam triển khai và được tham gia vào lĩnh vực mobile money, ngân hàng số; xem xét giảm thuế trước bạ; có chính sách tín dụng thu hút vào địa bàn nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, hợp tác xã…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ đã trực tiếp trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp Hàn Quốc về các định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới, các ưu tiên của Quốc hội Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung các luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới và hoàn thiện thể chế cho các lĩnh vực mới của nền kinh tế số.

Về lĩnh vực dự án năng lượng tái tạo, mặt trời, điện gió, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Quốc hội Việt Nam cũng đang sửa luật cho phép các nhà đầu tư nhân đầu tư cả vào hệ thống truyền tải điện. Hiện nay, chúng tôi mở rộng quy mô, các nhà đầu tư tư nhân vừa có thể làm nhà máy vừa có thể đầu tư các hệ thống truyền tải điện. Về dự án luật này cũng sẽ được thông qua vào kỳ họp tới. Chúng tôi sẽ tổ chức kỳ họp bất thường để giải quyết 1 luật sửa đổi 10 luật khác, để đáp ứng những yêu cầu tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh".

Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ cũng khẳng định, Xanh hóa và Số hóa đang là những trào lưu lớn trên thế giới và Việt Nam cũng đang bắt đầu xu thế này. Việt Nam đã có những Doanh nghiệp đầu tiên đầu tư cho xe điện và rất hoan nghênh những Tập đoàn lớn như Huyndai đầu tư cho lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các Ngân hàng và Tập đoàn tài chính Hàn quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam để phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam. Về việc tạo điều kiện cho các Ngân hàng Hàn Quốc tham gia thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đang nghiên cứu sửa đổi Luật chứng khoán để hình thành loại cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Khi còn ở cương vị Phó Thủ tướng, ông đã kết nối Keb Hana với BIDV và rất vui vì hiện nay Keb Hana đã đầu tư 1 tỉ USD vào BIDV. Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi Keb Hana tiếp tục tham gia vào các lĩnh vực khác của thị trường tài chính Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo Chính phủ khẳng định, với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, dư địa phát triển tiềm năng, Việt Nam quyết tâm vượt qua những khó khăn trước mắt để phục hồi dựa trên các động lực phát triển kinh tế mới. Dịch bệnh, yêu cầu tái cấu trúc nội tại và các cam kết quốc tế cũng là sức ép để Việt Nam phải có những đột phá chiến lược mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình cải cách thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư. Việt Nam cam kết xây dựng môi trường đầu tư theo các chuẩn mực quốc tế cũng như mang đến cơ hội kinh doanh mới cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung, nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng./.