Trong chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc, chiều 25/9 (theo giờ New York, tức rạng sáng 26/9, theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến dự và đối thoại Doanh nghiệp Việt-Mỹ về tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với Việt Nam và quan hệ thương mại Việt Mỹ.

Chủ tịch nước cho rằng quan hệ 2 nước đã đạt được những kết quả tích cực trong 20 năm qua, tuy nhiên hợp tác kinh tế thương mại còn chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ đối tác toàn diện, Chính phủ và doanh nghiệp hai nước cần đẩy mạnh hợp tác cả song phương và trong khuôn khổ TPP để đưa quan hệ Đối tác toàn diện đi vào chiều sâu và thực chất.        

vov_ctn3_kvwp.jpg
Ông Alexander Feldman phát biểu

Dự tọa đàm Doanh nghiệp Việt-Mỹ về tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với Việt Nam và quan hệ thương mại Việt Mỹ, có hơn 60 doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ. Đây là diễn đàn quan trọng được Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam và Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức.

Ông Alexander Feldman, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cùng đại diện các doanh nghiệp Mỹ cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong tăng trưởng và phát triển ở khu vực Châu Á. Đánh giá cao, cơ hội và tiềm năng hợp tác, ông Alexander Feldman khẳng định sự hiện diện của Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao tại buổi tọa đàm và đối thoại với doanh nghiệp hai nước đã minh chứng cho mong muốn tăng cường hợp tác giữa hai nước.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch nước đánh giá cao sáng kiến của các đơn vị tổ chức và khẳng định đây là hoạt động thiết thực nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và các cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước; góp phần đưa quan hệ đối tác toàn diện giữa 2 nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ đang tích cực tham gia vào giai đoạn kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ghi nhận ý kiến và giải đáp một số câu hỏi của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Chủ tịch nước cho rằng, nhìn lại 20 năm hợp tác hai nước đã có những bước tiến dài cả chiều rộng lẫn bề sâu, trên từ chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh, đến khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục và giao lưu nhân dân. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế thương mại chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của hai nước.

"Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đang là một trọng tâm, là nền tảng và là động lực phát triển của những bước tiến vượt bậc của quan hệ song phương. Hiện nay, Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong 20 năm qua, thương mại song phương đã tăng gần 90 lần từ hơn 400 triệu USD năm 1995 lên 36,3 tỷ USD năm 2014. Có được những thành tựu đó chính là nhờ sự đóng góp và vai trò tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, hợp tác thương mại, đầu tư còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của hai nước. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ. Trong khi là nhà đầu tư lớn nhất tại nhiều nước ASEAN, Hoa Kỳ mới chỉ là nhà đầu tư lớn thứ 7 tại Việt Nam", Chủ tịch nước nêu rõ.

Để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường của nhau, Chủ tịch nước khẳng định, với quyết tâm đổi mới sâu sắc và hội nhập quốc tế toàn diện, Việt Nam sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để bảo đảm Việt Nam tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hiệu quả.

Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, các khuôn khổ pháp lý, chính sách, chống tham nhũng…để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch. Lãnh đạo Việt Nam tiếp tục duy trì đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ và mong muốn có thêm tiếng nói ủng hộ việc Chính phủ Hoa Kỳ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam và không áp dụng các rào cản thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh đàm phán sớm kết thúc TPP.

Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự tọa đàm

"Việt Nam hết sức coi trọng tiến trình đàm phán TPP, một trong những liên kết kinh tế tiềm năng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, với nội dung hợp tác sâu rộng và tiêu chí cao. Việt Nam quyết tâm cùng Hoa Kỳ và các nước thành viên hoàn tất đàm phán theo lộ trình dựa trên sự cân bằng lợi ích của các nước thành viên và tính đến sự đa dạng trong trình độ phát triển của mỗi nước.

Là thành viên của hầu hết các cơ chế hợp tác, liên kết then chốt trong khu vực, với thị trường đang nổi 90 triệu dân và là thành viên của Cộng đồng ASEAN với hơn 600 triệu dân, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tôi tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam trong tương lại không xa, góp phần thúc đẩy liên kết khu vực, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam lên tầm cao mới”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, chuẩn bị tốt là một nửa của thành công, do đó, những cuộc tọa đàm là dịp tốt để các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam vừa là những người tiên phong vừa là đối tượng chịu tác động chính của TPP sẽ có những trao đổi thực chất, cụ thể về cơ hội và thách thức mà TPP sẽ mang lại cho cả hai bên. 

Thông qua tọa đàm sẽ giúp các doanh nghiệp hai nước trang bị thêm những kiến thức hữu ích về TPP, đồng thời giúp các nhà hoạch định chính sách hai nước hiểu rõ hơn về những yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của các doanh nghiệp, để thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ giữa hai bên.

Chủ tịch nước tin tưởng, với những nền tảng đã được thiết lập trong 20 năm qua, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang đứng trước những cơ hội hợp tác to lớn, đưa quan hệ Đối tác toàn diện, đặc biệt là hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư phát triển lên tầm cao mới mang lại lợi ích không chỉ cho nhân dân mà cả cộng đồng doanh nghiệp hai nước./.