Chiều 12/10, tại TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết 30/2021 của Quốc hội; các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới. Cho rằng tỷ lệ nợ công/GDP nước ta đang ở mức 54-55%, thấp hơn mức trần 65%, nên Đoàn ĐBQH TPHCM cần kiến nghị Quốc hội có chính sách phù hợp để thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Sau khi nghiên cứu báo cáo của Thành phố, các đại biểu cho rằng, trước mắt, TPHCM cần tổng kết sâu sắc, rút ra bài học, quan điểm phòng, chống COVID-19; đẩy nhanh tiêm vaccine để áp dụng điều kiện bình thường mới an toàn hơn; thực hiện tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì đề nghị Đảng, Nhà nước cần chỉ đạo xây dựng, ban hành một chiến lược bình thường mới, bao gồm các chiến lược thành phần cho từng lĩnh vực, từng ngành, từng vùng kinh tế trọng điểm với những chính sách mang tính chất vĩ mô. Đại dịch COVID-19 buộc toàn thế giới, trong đó có Việt Nam phải chuyển sang một phương thức sống và làm việc theo cung cách và điều kiện mới, có đặc điểm khác trước. Cuộc sống bình thường mới mang đặc tính toàn cầu với các yêu cầu, tiêu chí bắt buộc và mang tính dài hạn.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân thì đề nghị từ nay đến cuối tháng 10, Thành phố lập danh sách các doanh nghiệp cần hỗ trợ cụ thể để có chính sách phù hợp, đồng thời đề nghị chi phí phục vụ chống dịch thì Chính phủ chịu, gồm vaccine, xét nghiệm. Chi phí xét nghiệm với doanh nghiệp rất nặng, 3 ngày, 5 ngày xét nghiệm 1 lần. Với doanh nghiệp hàng vạn công nhân thì rất nặng nề.
"Chúng tôi đề nghị từ nay đến tháng 12, chi phí xét nghiệm thì nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp"- ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Từ thực tế đợt dịch thứ 4, đại biểu Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia, TPHCM thì lo ngại về việc thiếu nhân lực chăm sóc sức khỏe nhân dân.
"Hiện chỉ có các cơ sở công lập như Đại học Y dược TPHCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, miền Tây có Đại học Cần Thơ, Tây nguyên thì có Đại học Tây Nguyên là đào tạo về bác sĩ và các nhân lực về sức khỏe nói chung. Nhưng chỉ tiêu lại bị khống chế theo quy định giảng viên cơ hữu nên khó có thể mở rộng đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho Thành phố và các tỉnh Nam Bộ. Do đó, tôi đề nghị Thành phố và các trường đại học cần bàn cơ chế đột phá phối hợp giữa đại học và bệnh viện để cùng đào tạo"- Đại biểu Vũ Hải Quân đề nghị.
Sau khi các đại biểu Quốc hội phát biểu, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ sâu sắc tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM về những mất mát, đau thương do dịch bệnh gây ra. Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao triển khai nhiều biện pháp, huy động nhiều nguồn lực, Thành phố đã vượt qua đỉnh dịch, qua thời điểm khó khăn thử thách nhất. Đó là nhờ những những nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo, nhân dân Thành phố, của lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự hỗ trợ của đồng bào trong và ngoài nước. Trong đó, TPHCM đã có những biện pháp sáng tạo trong chống dịch:
"Gần đây Thành phố có chương trình "Dân hỏi Thành phố trả lời", qua đó đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Hay vấn đề vaccine, dù khó khăn lớn, nhưng Thành phố quan tâm và rất quyết liệt nên đã có lượng vaccine đủ để tiêm chủng cho nhân dân Thành phố, kể cả mũi 1 và sắp tới là mũi 2"- Chủ tịch nước biểu dương.
Trong bối cảnh mới, khi TPHCM đã bước đầu kiểm soát được dịch bệnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với việc điều chỉnh chiến lược từ Zero COVID-19 sang thích ứng an toàn với COVID-19, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nhưng cần hiểu một cách rõ ràng, nhất quán về chiến lược mới, kể cả người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Không phải là sống chung với COVID-19 mà sống chung với tình trạng lây nhiễm với phương thức và cách làm phù hợp để không dịch lây lan. Do đó thứ nhất là vaccine, thứ 2 là thực hiện 5K. Tình trạng bình thường mới hàm ý là Sars-Cov-2 tồn tại lâu dài, nên các chủ thể trong xã hội, từ người dân, doanh nghiệp, chính quyền đều phải thích ứng an toàn trong điều kiện như vậy. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế và đời sống xã hội. Chủ tịch nước đề nghị Chính quyền Thành phố cần tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý rủi ro để có thể xác định, đánh giá, giám sát và giảm thiểu các tác động rủi ro dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Theo đó, để khôi phục kinh tế Thành phố, Chủ tịch nước đề nghị Thành phố tiếp tục đảm bảo các huyết mạch kinh tế được thông suốt, gồm lưu thông hàng hóa; dịch chuyển con người; các dịch vụ tài chính, tín dụng, thanh khoản cho doanh nghiệp; nối lại chuỗi cung ứng cả hàng hóa và lao động. Cùng với đó là khôi phục phát triển doanh nghiệp, đối thoại để nắm rõ khó khăn của từng dự án.
Theo Chủ tịch nước, Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh thực tiễn chính sách tài khóa. Ở nước ta, tỷ lệ nợ công/GDP còn thấp, chỉ 54-55%, thấp hơn mức trần 65%, nên Đoàn ĐBQH TPHCM cần kiến nghị Quốc hội có chính sách phù hợp để thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Nhấn mạnh đến chính sách an sinh hết sức quan trọng trong lúc khó khăn, Chủ tịch nước cho rằng, Thành phố cần có “lưới an sinh” đủ rộng, không chỉ hỗ trợ người dân Thành phố mà còn hỗ trợ lao động còn khó khăn đang làm việc ở Thành phố. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong giữ chân người lao động. Chủ tịch nước nêu kinh nghiệm của Hà Nội là ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội hơn 300 tỷ đồng để cho vay không tính lãi, nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho các đối tượng.
Về dài hạn, điểm mới mà Chủ tịch nước lưu ý TPHCM, đó là cần phân bố lại cơ sở sản xuất theo hướng phân công hợp tác vùng. Với tư cách là “Anh Hai Nam bộ”, Chủ tịch nước đề nghị Thành phố nên chủ động đề xuất cơ chế, chính sách hợp tác phân công với các địa phương để chuyển dịch cơ sở sản xuất đến với nguồn lao động dồi dào đang sẵn có của ác địa phương.
Thành phố Hồ Chí Minh không còn nhiều dư địa phát triển theo chiều rộng nên Chủ tịch nước đề nghị Thành phố tham khảo chỉ tiêu mật độ kinh tế trong hoạch định mục tiêu phát triển. Theo đó cần chú ý đến giá trị gia tăng trên 1 đơn vị diện tích đất, ví dụ GDP/km2. Mật độ kinh tế của Thành phố hiện trên 650 tỷ đồng/km2, tương đương 28 triệu USD/km2, lớn hơn gấp đôi so với các địa phương đứng thứ hai và cao gấp hàng chục lần so với nhiều địa phương khác. Thế nhưng so với Singapore đã đạt 465 triệu USD/km2 thì Thành phố còn quá khiêm tốn. Đây là dư địa mà Thành phố cần nghiên cứu thực hiện, nhất là thúc đẩy đổi mới sáng tạo làm động lực, mới có thể tiếp tục duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước./.