Chiều 25/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và nói chuyện với thày và trò Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhân dịp Trường chuẩn bị kỷ niệm 20 năm Ngày Thành lập.

Đây là một trong những trường ngoài công lập đầu tiên của nước ta, hoạt động hiệu quả theo chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, góp phần thu hút nguồn lực vào đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

chu_tich_nuoc_kmdk.jpg
Ảnh: TTXVN
Được thành lập năm 1996, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là nơi hội tụ những nhà trí thức có kinh nghiệm, có uy tín trên nhiều lĩnh vực với mục tiêu đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Trải qua 20 năm xây dựng, Trường đã có sự phát triển vượt bậc, đạt được những kết quả to lớn, trở thành một cơ sở đào tạo đại học mạnh, cung cấp cho đất nước một lượng lớn lực lượng lao động có chất lượng cao.

Từ 3 ngành học ban đầu, Trường đã có 20 chuyên ngành ở 4 khối đào tạo đại học, 5 ngành đào tạo thạc sỹ, 1 ngành đào tạo tiến sỹ, đã cho ra trường hơn 52.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, gần 2.000 thạc sỹ ở nhiều chuyên ngành, đóng góp vào sự phát triển đất nước. Trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng dạy, quản lý, hệ thống chương trình, giáo trình, bài giảng, đề thi, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng hoàn thiện đáp ứng yêu cầu đào tạo và tạo tiền đề cho sự phát triển vững chắc của Trường trong tương lai.

Thăm một số lớp học, phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất và nói chuyện với thày và trò nhà trường, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương và chúc mừng những nỗ lực phấn đấu và kết quả đạt được của Trường trong 20 năm qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước ta xác định giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá để phát triển đất nước nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đồng thời yêu cầu phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược này.

Ảnh: TTXVN

Theo tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị phát huy những kết quả đã đạt được 20 năm qua, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; áp dụng công nghệ, thiết bị dạy và học tiên tiến, hiện đại để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ; phấn đấu để trở thành trường có uy tín cao trong hệ thống các trường đại học của đất nước và trong khu vực Đông Nam Á.

Chủ tịch nước nêu rõ, xã hội hóa giáo dục đào tạo nói riêng, các dịch vụ công nói chung, là một chủ trương lớn, một nội dung của đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Xã hội hóa để khai thác, phát huy các tiềm năng, nguồn lực to lớn trong xã hội, tạo sự phát triển năng động, sáng tạo, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng các dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước.

Thành công của Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và nhiều trường đại học, trường phổ thông, dạy nghề, các tổ chức dịch vụ ngoài công lập khác trong những năm qua đã khẳng định sự đúng đắn của chủ trương xã hội hóa.

Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương lớn này của Đảng, Nhà nước còn chậm và có phần lúng túng. Trong những năm qua, đã xuất hiện nhiều trường đại học ngoài công lập có mô hình tổ chức và hoạt động khác nhau, có mô hình thành công, nhưng cũng có mô hình chưa thành công.

Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội với mô hình tổ chức không vì mục tiêu lợi nhuận, người góp vốn không được chia lợi nhuận, hàng năm chỉ được chia lãi bằng tỉ lệ lãi suất tiền gửi ngân hàng; mỗi cổ đông chỉ có một phiếu biểu quyết, không phân biệt vốn góp nhiều hay ít; lợi nhuận hình thành trong quá trình hoạt động được dùng để lập quỹ tích lũy tập trung thuộc sở hữu tập thể các cổ đông, tạo cơ sở cho sự phát triển lâu dài của Nhà trường. Mô hình tổ chức, hoạt động này đã tạo được cơ sở cho sự ổn định, phát triển của Trường 20 năm qua.

Chủ tịch nước đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan có liên quan của Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu, tổng kết mô hình tổ chức, kết quả hoạt động của Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cùng những mô hình thành công khác, rút ra những kinh nghiệm để đẩy nhanh và thực hiện có kết quả chủ trương xã hội hóa giáo dục đào tạo của Đảng, Nhà nước./.