Trao đổi với báo chí bên lề Tọa đàm "Làng nghề Việt Nam: Truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập" do MTTQ Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức sáng nay (20/4), tại Hà Nội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, vừa qua MTTQ Việt Nam cùng Hiệp hội làng nghề Việt Nam đi khảo sát tại 3 tỉnh, thành phố về thực trạng phát triển làng nghề. “Qua cuộc khảo sát, chúng tôi thấy càng trân trọng hơn giá trị của làng nghề Việt Nam. Chính từ đó cần suy nghĩ để phát huy, phát triển làng nghề trong thế kỷ 21”.
Quan trọng là sản xuất như thế nào?
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trăn trở “làng nghề có từ hàng nghìn năm qua, nhưng làng nghề trong thế kỷ 21 khác như thế nào so với làng nghề ở thế kỷ 10? Các-Mác nói, các xã hội khác nhau không phải ở chỗ sản xuất ra sản phẩm gì mà sản xuất như thế nào. Đây là câu hỏi rất hay. Bởi sản phẩm làng nghề đã có từ hàng nghìn năm và hiện nay sản phẩm cơ bản vẫn như vậy. Nhưng khác là sản xuất như thế nào, điều này thể hiện môi trường xã hội đã thay đổi sau 1.000 năm”.
Giá trị làng nghề là làm cho cuộc sống được vật chất hóa về yếu tố văn hóa vật chất. Xã hội càng phát triển, yếu tố văn hóa Việt càng quan trọng và đi lên. “Qua 1.000 năm phát triển, sản phẩm làng nghề chưa thay đổi nhiều nhưng nhu cầu đưa văn hóa Việt vào từng hộ gia đình, nhà trường, đền đình là hết sức quan trọng”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thuận lợi là sau 1.000 năm, nhu cầu sản phẩm văn hóa trong xã hội Việt Nam vẫn tăng. Đó là động lực cho làng nghề. Nhưng có một thay đổi quan trọng là chúng ta không sống ở nền kinh tế làng xã nữa, mà là kinh tế thị trường, đặc biệt là gắn với hội nhập quốc tế. Nhiều sản phẩm của Việt Nam lại được cung cấp bởi người nước ngoài. Làng nghề muốn sống được thì phải đáp ứng những yêu cầu căn bản là chất lượng ngày càng nâng cao, chi phí giảm, mẫu mã phong phú và đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng không chỉ cả số đông mà cả số ít.
Cần thiết phải có HTX kiểu mới trong phát triển làng nghề?
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, yếu tố cần thiết là phải tạo sức mạnh cạnh tranh để giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tiếp cận thị trường số đông nhưng sản phẩm vẫn đảm bảo cá thể hóa. Điều đó từng hộ không làm được. Như làng nghề Phù Lãng, mỗi hộ khi sản xuất phải sắm một máy đùn đất trị giá 10 triệu đồng. Máy này chỉ trộn và đùn đất tương đối mềm, chưa làm mịn và loại trừ hết tạp chất nên chất lượng sản phẩm chưa cao. Còn nếu mua một máy đùn đất kiểu mới đảm bảo chất lượng cao thì giá 300 triệu đồng. Một hộ không thể sắm máy 300 triệu nhưng nếu 30 hộ cùng gom tiền vào mua 1 máy thì tất cả các hộ đều có sản phẩm tốt.
Từ đó có thể thấy, nếu các hộ liên kết lại qua HTX cùng ra một sản phẩm đồ gốm thì từng gia đình vẫn làm đồ gốm, nhưng khâu nguyên liệu cung cấp chung, chẳng hạn bằng cách 1 người đi mua đất cho 10 người sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển và họ dùng máy 300 triệu cho 10 người thì chất lượng cao hơn và chi phí rẻ hơn. “Như vậy, làng nghề cũng cần đầu vào. Nếu có HTX lo đầu vào chung thì sẽ rẻ hơn và chất lượng cao hơn”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.
Hiện tại ở các làng nghề, nhiều nơi sử dụng lò nung truyền thống, khả năng rút ngắn thời gian đốt khó. Cùng với đó là làm lô nhỏ không được, phải đầy lò mới nổi lửa được. Lò đốt bằng dầu tiết kiệm được thời gian hơn, đốt được cả những lô hàng nhỏ. Nhưng nếu mỗi hộ có một lò bằng đất, một lò bằng dầu thì lại lãng phí.
“Nếu có HTX, thì các hộ vẫn có lò nung đất nhưng vẫn có lò nung dầu để dùng chung theo nhu cầu của các hộ sản xuất. Như vậy, HTX có thể có một số tài sản chung, trong khi tài sản chính vẫn nằm ở hộ, nhưng sản xuất hiệu quả hơn”-Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhận định.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng trăn trở về vấn đề mẫu mã sản phẩm của làng nghề. "Mỗi hộ nếu có 1 người con theo nghề bố học đại học để thiết kế sản phẩm, nhưng cũng chỉ thiết kế được cho nhà mình. Nếu có HTX, có một tổ về nghiên cứu thị trường và mẫu mã, chỉ cần 3- 4 người cùng nghiên cứu về thị trường và phổ biến những thông tin đó cho tất cả các hộ để từ đó có thể quyết định sẽ làm mảng gì, có thể thiết kế mặt hàng có nhu cầu mới. Thí dụ đồ gốm vào căn hộ chung cư như thế nào? Đồ gốm vào khách sạn như thế nào? Đồ gốm vào khu du lịch, quà lưu niệm như thế nào?".
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, những nhu cầu đặc thù đó một hộ không thể nghiên cứu được. Và có nghiên cứu rồi cũng không thí nghiệm được. Nếu có HTX có một tổ chuyên lo nguyên liêu, tổ lo thị trường làm mẫu mã sản xuất thử nghiệm, khi ổn rồi sẽ chuyển giao toàn bộ thiết kế và kỹ thuật cho từng hộ để sản xuất.
Về vấn đề tiêu thụ sản phẩm làng nghề, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lấy ví dụ như ở làng nghề Phù Lãng đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí để chở đồ gốm đi triển lãm ở Đồng Nai, nhưng việc này khó khả thi. Còn người dân lý giải một chuyến chở đồ mất 20 triệu đồng, họ không làm được. Và nếu cả 30 hộ đều đi triển lãm thì chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhưng nếu có HTX thì cần 2-3 người đi, có thể quảng bá cho cả làng. Nếu thực hiện mô hình HTX thì vừa tạo động lực của từng hộ chăm chút sản phẩm của mình thật tốt, thật đẹp có nhãn hiệu riêng; đồng thời những nhu cầu chung được giải quyết qua HTX thì hiệu quả sẽ cao hơn.
"Sau khi đi khảo sát làng nghề, chính Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng cho rằng việc hướng tới HTX kiểu mới là rất phù hợp nhưng hiện nay chưa có ví dụ trong thực tiễn. Nên có thí điểm. Các Bộ, ngành, MTTQ và Hiệp hội làng nghề, Liên minh Hợp tác xã chọn một số địa phương hỗ trợ xây dựng HTX đầu tiên của làng nghề theo mô hình HTX kiểu mới. Qua qua thời gian hoạt động nếu có sức thuyết phục sẽ là ví dụ để phát triển thêm"- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói./.