Chiều 13/4 tại An Giang, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khảo sát tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật tại phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên và khảo sát hợp tác xã nông nghiệp Long Bình, huyện Long Điền A. Tại các nơi khảo sát, ông Nguyễn Thiện Nhân tìm hiểu kỹ về mô hình hợp tác xã, tổ sản xuất trong nông nghiệp từ nguyên tắc, cơ chế thành lập, thuận lợi, khó khăn, tổ chức thu mua và lợi ích mang lại cho xã viên.
Báo cáo với Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân, ông Lê Văn Hồng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình cho biết, trước đây tình hình sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Khi nhận thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với sự vận động tuyên truyền của UBND xã, nhân dân đã thấy được lợi ích của hợp tác xã.
Đến đầu năm 2015, hợp tác xã đã hoạt động thuận lợi, hiệu quả, là nơi hỗ trợ các hộ dân. Cụ thể, người dân tham gia được tạm ứng tiền lúa giống, chi phí đầu tưới tiêu giảm 400.000 đồng/ha so với hộ dân không tham gia hợp tác xã; Hợp tác xã hỗ trợ dạy nghề cho các xã viên. Ngoài ra, hàng năm còn xuất quỹ phúc lợi và quỹ dự phòng để hỗ trợ cho xã viên gặp rủi ro trong lúc khó khăn với số tiền bình quân khoảng 15 triệu đồng/năm…
Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao mô hình hợp tác xã Long Bình, các xã viên trong hợp tác xã hỗ trợ qua lại với nhau về nhiều khâu như: vốn, kỹ thuật, thủy lợi…; đề nghị chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ Hợp tác xã về mọi mặt để cho mô hình này ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Đối với hợp tác xã cần có nhiều sáng kiến để nâng cao thu nhập cho các xã viên, thu hút được bà con vào hợp tác xã.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nói: “Phải làm năng suất của hộ xã viên cao hơn người chưa vào Hợp tác xã. Phần được nhất của hợp tác xã không phải lợii tức cổ phần mà là phần tăng thêm của hộ xã viên. Ở nhiều nơi, quốc tế xã viên đóng cổ phần làm dịch vụ chung chứ họ không mục đích kiếm lời là chính. Cái chính của dịch vụ là mua đầu vào và bán được đầu ra. Làm thế nào tăng loại dịch vụ thêm là thước đo thu nhập của xã viên”.
Thăm mô hình hợp tác sản xuất lúa Nhật tại Phường Mỹ Hòa, bà Nguyễn Quý Trinh –Tổ trưởng tổ Hợp tác xã cho biết, tổ hợp tác xã hiện có 24 hộ, với diện tích thí điểm vào vụ Đông Xuân gần 100 ha. Các hộ chuyên sản xuất giống lúa của Nhật Bản. Sau nhiều năm triển khai, Tổ hợp tác xã đã thu được nhiều hiệu quả.
Cụ thể, mỗi kg lúa tươi do hợp tác xã sản xuất có giá trung bình trên 6.000 đồng, cao hơn với lúa thường truyền thống khoảng 2.000 đồng/kg, trong khi đó, về thời gian, chi phí sản xuất tương đương với sản xuất lúa thường. Điểm nổi bật của giống lúa Nhật là chất lượng tốt, có khả năng xuất khẩu sang thị trường Nhật và nhiều nước khác, có khả năng kháng sâu bệnh rất tốt nên hạn chế được việc dùng hóa chất…
Bà Nguyễn Quý Trinh cho biết, hiện hợp tác xã đang thuê khoảng 100 ha đất tại Kiên Giang để triển khai mô hình này. Đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cho bà con nông dân để nhân rộng ra nhiều nơi. Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao mô hình này của Tổ hợp tác xã, đồng thời hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng ra khắp cả nước./.