Sáng nay (10/9), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội nghe các tờ trình của Chính phủ về dự án Luật An toàn thực phẩm, Luật Người khuyết tật, đồng thời nghe báo cáo thẩm tra về 2 dự án Luật này của Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Dự án Luật An toàn thực phẩm gồm 11 chương, 62 điều, quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn về thực phẩm; thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; kiểm nghiệm thực phẩm; kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm.
Đọc tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ban hành Luật An toàn thực phẩm, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, sức cạnh tranh của hàng hoá nông sản thực phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thực phẩm.
ATTP có ý nghĩa lớn về sức khỏe cộng đồng |
Báo cáo thẩm tra dự án luật này của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng nêu rõ: An toàn thực phẩm là vấn đề liên quan đến nhiều điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập. Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến an toàn thực phẩm và coi đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế xã hội, sức khoẻ cộng đồng, về bảo vệ môi trường và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam.
Việc ban hành Dự án Luật An toàn thực phẩm là phù hợp trong bối cảnh Việt Nam ngày càng gia nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và nhằm tạo cơ chế pháp lý để nước ta và các nước trên thế giới thừa nhận hệ thống tiêu chuẩn của nhau, trong đó có những tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, theo Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Dự án luật an toàn thực phẩm cần được sửa một số quy định cho phù hợp với luật pháp hiện hành, nhất là việc ban hành quy chuẩn về an toàn thực phẩm, quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý những thông tin quảng cáo liên quan đến thực phẩm. Luật An toàn thực phẩm nên điều chỉnh cả nguồn thực phẩm mà con người sản xuất ra và nguồn sản phẩm khai thác ngoài tự nhiên. Cần làm rõ về nội dung kiểm tra an toàn thực phẩm, tổ chức kiểm tra để tránh trùng lặp, chồng chéo…
Cũng trong buổi sáng nay, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình Dự án Luật người khuyết tật.
Dự thảo Luật có 9 chương, 43 điều, quy định về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật.
Thay mặt Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra, đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án luật nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật; tiếp tục bổ sung hoàn thiện pháp luật, tạo điều kiện để người khuyết tật có cơ hội hoà nhập cuộc sống cộng đồng, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần cho người khuyết tật.
Vấn đề người khuyết tật liên quan đến nhiều chính sách đã được ban hành trước đó, như Bộ Luật lao động, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật giáo dục, Luật dạy nghề, Luật bình đẳng giới… Do đó, theo Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, những chính sách đưa ra trong dự thảo luật phải rà soát, đối chiếu, đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, sự cân đối, đồng bộ đối với các đối tượng khác. Đặc biệt, cần quy định rõ một số chính sách như dạy nghề, giải quyết việc làm, các dịch vụ hỗ trợ… nhằm tạo cơ hội để người tàn tật hướng đến cuộc sống độc lập.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi)./.