Ngày 25/12 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật. Chính phủ khẳng định quyết tâm tạo chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng pháp luật, không để tình trạng nợ đọng văn bản kéo dài gắn với nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Tổng số các luật, pháp lệnh các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ phối hợp chỉnh lý và Chính phủ sẽ trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong năm 2014 là 34 dự án luật và 02 pháp lệnh, chưa tính đến những dự án luật có thể phải trình theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đề cao tinh thần trách nhiệm, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng pháp luật, không để tình trạng nợ đọng các văn bản hướng dẫn luật kéo dài gắn với nâng cao chất lượng công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng nêu rõ: các Bộ tăng cường phối hợp chặt chẽ, góp ý hoàn thiện các dự thảo luật bằng văn bản. Các vấn đề còn có ý kiến khác nhau mà chưa thống nhất được, thì các bộ trưởng trực tiếp gặp gỡ, trao đổi và thống nhất, cần thiết thì Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì xử lý dứt điểm…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tính toán kỹ lưỡng Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2015 sát với thực tế theo phương châm: đã đề xuất thì phải thực hiện được, không để tình trạng báo cáo rồi lại không thực hiện được hoặc phải điều chỉnh. Đồng thời tập trung kiện toàn bộ máy làm công tác xây dựng pháp luật, nhất là tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên ngành xây dựng pháp luật.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đóng góp ý kiến về một số biện pháp triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi năm 2013 thuộc trách nhiệm của Chính phủ liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến; đề xuất danh mục Luật, Pháp lệnh cần sửa đổi để thi hành Hiến pháp gắn với tổ chức xây dựng; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ để thực thi cũng như kế hoạch của Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp.
Các thành viên Chính phủ cũng đóng góp ý kiến về dự án Luật Nhà ở sửa đổi tăng thêm 4 chương và 27 điều so với Luật hiện hành. Trong 5 quan điểm nhất quán để xây dựng luật thì quan điểm đầu tiên là tạo môi trường thuận lợi để phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân thu nhập thấp và có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường, đồng thời quan tâm phát triển nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước để phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp khó khăn về nhà ở nhưng không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và người dân.
Một quan điểm mới đáng chú ý nữa trong sửa đổi Luật Nhà ở lần này là mở rộng đối tượng và điều kiện người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam nhằm huy động các nguồn lực về vốn, công nghệ, kinh nghiệm phục vụ tiến trình phát triển của đất nước…
Dự án Luật Nhà ở sửa đổi tập trung vào 10 nhóm nội dung, trong đó phải bảo đảm công tác phát triển nhà ở phải đúng đúng quy hoạch và kế hoạch đã được phê duyệt nhằm khắc phục tình trạng đầu tư phát triển nhà ở tràn lan theo kiểu phong trào, gây mất cân đối, lệnh pha cung cầu… Các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến thời điểm chuyển quyền và thời hạn sở hữu nhà ở cũng như nhất trí về sự cần thiết nghiên cứu định hướng thành lập đề án thí điểm định chế tài chính chuyên biệt cho phát triển nhà ở, đồng thời khuyến khích mở rộng cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.
Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ tập trung đóng góp vào các vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự án Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề; dự án Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi và dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam./.