Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022, sáng nay (18/9) đã diễn ra Hội thảo chuyên đề với chủ đề “đẩy mạnh cải cách thể chế - hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, với sự tham dự của nhiều bộ trưởng, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Phải “tiền trao, cháo múc”
Nêu ý kiến tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh Nghị quyết 18 của Trung ương là kim chỉ nam trong định hướng xây dựng luật và ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai.
Về tài chính đất đai, người đứng đầu ngành tài chính nêu 3 vấn đề trọng tâm. Thứ nhất là chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiện nay đang có lỗ hổng lớn mà luật hiện hành chưa bịt được, gây thất thoát, sai phạm vì “chỉ một quyết định hành chính thì hàng nghìn tỷ đồng mất đi, do đó cần cơ chế “bịt” lại”.
Ông Hồ Đức Phớc lấy ví dụ DN nhà nước sau khi cổ phần hoá thì các DN ngoài nhà nước thường nhìn vào các khu đất vàng nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng sang thương mại, đất ở nhằm tạo địa tô chênh lệch rất lớn. Do đó, luật sửa đổi phải quản lý chặt chẽ vấn đề này.
Thứ hai là về giá đất. Luật hiện hành quy định 5 biẹn pháp xác định giá đất nhưng chưa nhất quán, chưa chính xác, thậm chí gây rủi ro pháp lý cho cả DN và cán bộ làm trong cơ quan nhà nước vì mang tính thặng dư, chi phí giả định, "tính mỗi mét vuông 30 triệu đồng với nhà cao tầng nhưng hôm sau đoàn kiểm tra nói 35 triệu đồng”.
Do đó, cần rà soát phương pháp xác định giá đất như phương pháp so sánh, phương pháp hệ số (bỏ khung giá đất, tiệm cận giá thị trường, khi biến động điều chỉnh bằng hệ số), từ đó tạo sự nhất quán, chính xác hơn.
Thứ ba, theo ông Hồ Đức Phớc là vấn đề giao đất. Lâu nay thời điểm xác định giá đất là thời điểm giao đất, nhưng khoảng thời gian giữa hai thời điểm lại không rõ. Do đó, cần xác định giá đất trước thời điểm giao đất và không quá 6 tháng thì mới tạo được độ chính xác.
“Khi nộp tiền mới giao đất như ông bà hay nói “tiền trao cháo múc”. Còn cứ bán ra mà cho nợ rồi họ bán tiếp cho bên thứ 3 thì liên quan hàng vạn người dân không được giải quyết quyền lợi. Hiện nay phổ biến sai phạm này, lừa đảo dự án đô thị mà ta chưa khắc phục được” – Bộ trưởng Bộ Tài chính nói, đồng thời cho rằng cần nghiên cứu kỹ giao đất qua đấu giá và chỉ định.
Quan trọng vẫn phải công khai, bình đẳng, minh bạch
Trước đề nghị nêu 3 điểm cải cách đột phá trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, điểm đầu tiên chính là liên quan quy hoạch, thể hiện được vai trò của Nhà nước trong phân bổ nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia một cách công bằng, dân chủ.
Điểm thứ hai là định giá đất đai công khai, minh bạch, bình đẳng để giải quyết các mối quan hệ từ Nhà nước đến DN và người dân. Kinh tế và tài chính đất đai khi định giá đúng sẽ thực hiện được các chính sách xã hội, chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang từng bước sử dụng công cụ thị trường, kinh tế, hành chính thì mới giải quyết được vấn đề đầu cơ, thổi giá, lãng phí hay sử dụng không hiệu quả.
Điểm thứ ba là nắm bắt được số lượng, chất lượng và kinh tế đất đai thông qua dữ liệu thông tin về đất đai. “Qua chuyển đổi số càng sớm càng tốt thì thực hiện được quyền của Nhà nước thay mặt nhân dân giám sát nguồn lực quan trọng này ngày càng tốt, giúp người dân tiếp cận thông tin công bằng, công khai, bình đẳng, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân thay vì gây khó khăn từ “rừng” thủ tục hành chính" – ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo 2 dự án Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh các chính sách về đất đai tác động rất lớn đến các dự án luật này.
Xuất phát từ thực tế, dự thảo đề xuất theo hướng đảm bảo việc dành quỹ đất xây dựng nhà ở đô thị phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng và quy hoạch đô thị.
Cùng với đó là dành quy đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Quy định 20% và thực hiện ở các đô thị từ loại 3 trở lên như hiện hành hạn chế nguồn quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhất là ở khu công nghiệp có nhiều lực ượng công nhân lao động. Dự thảo mạnh dạn đề xuất giao UBND các tỉnh quá trình lập quy hoạch, kế hoạch, xây dựng phải dành tỷ lệ phù hợp đầu tư phát triển các dự án nhà trên./.