Chiều 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chủ trì phiên họp.

 
Theo báo cáo của Chính phủ, ước tính có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với khoảng 30 ngành nghề khác nhau, từ lao động giản đơn đến lao động kỹ thuật cao và chuyên gia. Tuy nhiên, tại 10 tỉnh, thành phố được giám sát, tỷ lệ lao động có tay nghề chỉ chiếm từ 20%-30%. Tính đến giữa năm nay, có 167 doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhưng chỉ 30% doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, 50% hoạt động trung bình.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về chất lượng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp kinh doanh đa ngành hoặc trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty…

Hiện tượng lừa đảo xuất khẩu lao động liên tục gia tăng. Trong 3 năm qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, xử lý gần 1.190 vụ khiếu nại của người lao động, cho thấy các đối tượng lừa đảo vẫn tìm thấy kẽ hở trong quản lý nhà nước về hoạt động này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: “Hiện nay, chi phí cho việc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài chưa đảm bảo công khai, minh bạch. Người đi lao động phải chịu nhiều khoản chi phí rất lớn, ngoài quy định. Trước khi người lao động đi là ký sang làm ngành nghề này, được hưởng lương theo ngành nghề đăng ký nhưng sang nước ngoài lại phải làm ngành nghề khác, điều kiện chế độ khác. Vấn đề này thì trách nhiệm thuộc về ai và xử lý để đảm bảo quyền lợi người lao động như thế nào”.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận về tình trạng một số tổ chức, cá nhân lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người lao động. Ở một số thị trường còn xảy ra tình trạng lao động vô kỷ luật, đình công trái luật, lao động tự ý bỏ hợp đồng… gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Lao động bị cò mồi, môi giới và bị doanh nghiệp lừa đảo là có thật và như Đoàn giám sát nêu ra là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa thật sâu rộng, chưa thật là tốt để cho các tầng lớp nhân dân biết. Doanh nghiệp lừa đảo chủ yếu là những doanh nghiệp không đủ điều kiện được cấp phép. Còn trong số những doanh nghiệp được cấp phép thì vẫn có tình trạng năng lực kém, tình trạng đem con bỏ chợ, hợp đồng không giống như thực tế… Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xử lý bằng cách yêu cầu doanh nghiệp phải thanh lý, giải quyết hợp đồng cho người lao động”.

Một trong những hạn chế, yếu kém trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được các đại biểu nêu ra là thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa nghiêm, thiếu kịp thời; sự phối hợp quản lý của cơ quan nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Theo đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị cần thực hiện công tác quản lý nhà nước một cách đồng bộ đối với tất cả các hình thức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; phân  cấp và phối hợp giữa các cơ quan.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’so Phước nêu ý kiến: “Tôi đề nghị, cần có quy chế và tăng cường hơn nữa việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, là các cơ quan quản lý Nhà nước. Không thể để Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lo tất cả những việc này mà phải có sự phối hợp giữa các Bộ. Tôi đồng ý là cần có quỹ hỗ trợ cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, mà trụ cột đóng góp phải là các doanh nghiệp về lĩnh vực này”.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về việc chuẩn bị Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31 (AIPA 31). Theo báo cáo, đến nay, công tác chuẩn bị cho Đại hội đồng AIPA-31 đã cơ bản hoàn thành đúng tiến độ./.