Ông Trần Văn Dũng – Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ II – Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết điều này trong cuộc trả lời phỏng vấn của VOV.VN về việc nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Ông Trần Văn Dũng:Chúng ta đã rất cố gắng nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn, trong đó đáng lưu ý nhất là kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp so với tổng số tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát phải thu hồi.
Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng chủ yếu là do số lượng tài sản kê biên có giá trị nhỏ hơn rất nhiều lần giá trị phải thu hồi. Ví dụ, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, số tiền phải thi hành lên đến gần 15.000 tỷ đồng nhưng tài sản kê biên (sau khi xử lý hết) cũng chỉ đạt rất khiêm tốn.
Mặc dù tài sản đã được các cơ quan tố tụng kê biên, nhưng tính pháp lý của tài sản rất phức tạp, dẫn đến việc chậm trễ trong xử lý. Muốn xử lý được thì phải có nhiều cơ quan, ban ngành tham gia, một mình cơ quan Thi hành án dân sự không thể xử lý được.
Ví dụ, dự án Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng, TP Đà Nẵng là tài sản được kê biên để đảm bảo thi hành nghĩa vụ của Phạm Công Danh, Tập đoàn Thiên Thanh cho Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Nông nghiệp Chi nhánh Láng Hạ. Dự án Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng là dự án tổng thể, nhưng khi tuyên, Tòa án lại giao cho các Ngân hàng khác nhau xử lý các diện tích đất khác nhau trong cùng dự án. Nếu thi hành theo phán quyết của tòa án, sẽ có nguy cơ phá vỡ quy hoạch chung của dự án. Hiện nay, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và UBND TP Đà Nẵng đã vào cuộc chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng việc thực hiện hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa một số cơ quan trong một số vụ việc chưa được tốt. Ví dụ như việc chuyển giao bản án, chuyển giao hồ sơ, tài liệu từ các cơ quan tiến hành tố tụng cho cơ quan thi hành án dân sự trong một số trường hợp còn chậm. Theo quy định, để xử lý tài sản, Cơ quan Thi hành án dân sự phải có biên bản kê biên, lệnh kê biên từ trước đó, từ cơ quan tố tụng, nhất là cơ quan điều tra, nhưng một số trường hợp bên tòa án chưa chuyển hết do hồ sơ chuyển đi chuyển lại lòng vòng trong quá trình xem xét phúc thẩm, Giám đốc thẩm…Do chậm chuyển giao bản án, chậm chuyển giao quyết định kê biên, chuyển giao các lệnh kê biên dẫn đến chậm tiến độ xử lý thi hành án.
Bên cạnh đó, cũng không loại trừ nguyên nhân đó là giá trị tài sản lúc kê biên còn lớn, nhưng đến lúc bán thì nó bị giảm giá trị rất nhiều.
Một nguyên nhân khác là ở một số cơ quan, sự quan tâm của cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, người đứng đầu cũng chưa thực sự sâu sát trong chỉ đạo các cơ quan hữu quan tập trung xử lý tài sản nên dẫn đến việc chậm trễ trong xử lý tài sản và làm giảm hiệu quả của việc xử lý tài sản.
Cuối cùng, chính sách pháp luật mặc dù đã được quan tâm đầu tư hoàn thiện, nhưng vẫn còn một số bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cũng là một rào cản cho cơ quan chức năng thực hiện thu hồi tài sản.
Ông Trần Văn Dũng:Vướng mắc thì nhiều, nhưng nổi bật việc xử lý hơn 50 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp hết thời hạn sử dụng trong vụ Hứa Thị Phấn. Hiện đang vướng vì Luật đất đai quy định người có tên trong Giấy chứng nhận mới được đề nghị gia hạn; trong khi đó, bản thân họ là người phải thi hành án hoặc liên quan đến việc thi hành án nên khó thuyết phục.
Bộ Tư pháp đang đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung tháo gỡ theo hướng cho phép người mua trúng đấu giá các tài sản này được quyền đề nghị cơ quan quản lý đất đai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ.
Ngoài ra, vụ Phạm Công Danh liên quan đến cấn trừ nghĩa vụ thi hành án đối với Ngân hàng Xây dựng và tổ chức thi hành khu phức hợp Sân Vận động Chi Lăng; vụ Trần Văn Minh, Phan Văn Anh Vũ liên quan đến xử lý 28 bất động sản tại TP Đà Nẵng hiện đang có tranh chấp của những người có liên quan. Điều này làm kéo dài thời gian thu hồi tài sản.
Một số vụ việc có sai sót về kỹ thuật như: bản án tuyên kê biên nhà đất nhưng có sự sai lệch giữa lệnh kê biên với hiện trạng thực tế nên mất nhiều thời gian làm rõ, xác minh về nguyên nhân, tính pháp lý: đo đạc, xác định lại ranh giới, quy hoạch trước khi thẩm định giá, bán đấu giá.
Những tháng gần đây, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt là 3 địa bàn có số việc, tiền phải thu hồi chủ yếu là TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội dẫn đến nhiều thủ tục thi hành án như xác minh, đo vẽ hiện trạng, thẩm định giá, bán đấu giá, giao tài sản đấu giá thành, bàn giao tài sản sung công... bị chậm tiến độ so với dự kiến do phải thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh, giãn cách xã hội ở địa phương.
Ông Trần Văn Dũng:Đây là vấn đề tương đối nhạy cảm vì liên quan đến quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức là quyền cơ bản được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Thực tiễn chỉ đạo, hướng dẫn công tác thu hồi tài sản tham nhũng cho thấy, để khắc phục tình trạng này, cần phải bổ sung thêm quyền hạn, gắn liền với trách nhiệm cho các cơ quan như thanh tra, kiểm toán, kiểm tra để họ có thẩm quyền áp dụng những biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản trong giai đoạn sớm nhất.
Đối với cơ quan điều tra, từ khi nhận được tin báo tố giác tội phạm, nếu có đủ căn cứ để xác định các hành vi của người bị tố giác có dấu hiệu tội phạm thì trao cho họ quyền được áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản mà không phải đợi đến khi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo như quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay.
Khi nghiên cứu vấn đề này, nhiều ý kiến băn khoăn việc “ngăn chặn quá sớm” sẽ vi phạm đến quyền sở hữu của đương sự, nhất là sau đó họ không phạm tội. Tôi cho rằng, ý kiến băn khoăn nêu trên là có hạt nhân hợp lý, nhưng ở đây tôi nhấn mạnh thêm, đó là khi có đủ căn cứ xác định tội phạm thì thanh tra viên, kiểm toán viên, kiểm tra viên, điều tra viên bằng trình độ của mình có đủ căn cứ để khẳng định đối tượng phạm tội, thì trong trường hợp đó pháp luật cần mạnh dạn trao quyền cho họ để họ thực hiện ngay. Vừa trao quyền nhưng đồng thời phải kiểm soát để tránh có sự “du di” đối với người vi phạm, nhằm tạo điều kiện cho họ tẩu tán tài sản.
Ông Trần Văn Dũng:Theo Chỉ thị của Ban Bí thư, cần có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, trong đó việc nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; Xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong toả tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử là giải pháp quan trọng.
Còn việc hoàn thiện theo hướng nào thì đây là vấn đề cần phải có sự tính toán phù hợp. Chúng ta cần phải xác định những vấn đề ưu tiên trước mắt, đồng thời phải tính toán đến những vấn đề mang tính chiến lược lâu dài.
Trước mắt, việc quan trọng đầu tiên đó là Tỉnh ủy, Thành ủy, ban đảng, Ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức phổ biến, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư. Với việc xây dựng chương trình, kế hoạch của từng cấp, từng ngành sẽ là cơ hội để tính toán đến việc rà soát các cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan đến từng cấp, từng ngành.
Cùng với đó, theo tôi, ưu tiên lớn nhất đó là các quy định (từ cấp vi mô đến vĩ mô) cần hướng tới nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.