Có thể khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, công tác phòng chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo đã thu được những kết quả khá ấn tượng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, quốc tế đánh giá cao.
Và mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Chỉ thị số 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm”.
Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Chỉ thị của Ban Bí thư như một tuyên ngôn mạnh mẽ, cảnh tỉnh những người có mưu đồ xấu.
Thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt
PV: Thưa ông, việc Ban Bí thư ban hành một Chỉ thị về việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt có ý nghĩa thế nào đối với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay?
TS Đinh Văn Minh: Trên thực tế, việc thu hồi tài sản thất thoát, bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế luôn được chú trọng, được coi là một trong những tiêu chí để đánh giá hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng. Thời gian qua, chúng ta đã có rất nhiều cố gắng, tỷ lệ thu hồi tài sản đã tăng lên, tuy nhiên, so với yêu cầu, vẫn chưa đạt, tỷ lệ thu hồi số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt vẫn còn khá thấp.
Chỉ thị 04 của Ban Bí thư là văn bản rất quan trọng, đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác thu hồi tài sản bị tham nhũng, chiếm đoạt, đặc biệt có chỉ ra các biện pháp, giải pháp sắp tới cần làm tốt hơn nữa để hiệu quả việc thu hồi tài sản đạt cao nhất, bao gồm các biện pháp về tổ chức thực hiện, vấn đề cơ chế chính sách, hoàn thiện pháp luật, phát huy sự tham gia của người dân để làm sao phát hiện và thu hồi nhanh chóng tài sản bị thất thoát.
PV:Ông chú ý tới những chỉ đạo nào của Ban Bí thư trong Chỉ thị này?
TS Đinh Văn Minh: Thực tế, Ban Bí thư lưu ý trong quá trình tổ chức thực hiện: tổ chức thực hiện trên cơ sở luật định, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, coi việc thu hồi tài sản là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng chống tham nhũng.
Ngoài ra, Chỉ thị cũng nói rằng, chúng ta phải rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, có nghĩa là có những điều mà hiện nay pháp luật chưa quy định. Cho đến hiện nay, chúng ta chỉ thu hồi tài sản thông qua bản án hình sự, tuy nhiên, cần phải tiếp tục nghiên cứu. Hiện Bộ Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan Nhà nước nghiên cứu các hình thức thu hồi khác, không thông qua bản án.
Đặc biệt, liên quan đến câu chuyện kiểm soát tài sản, thu nhập, có những tài sản bất minh, nguồn gốc không rõ ràng, chúng ta mới chỉ xử lý sự không trung thực ở góc độ kỷ luật cán bộ, nhưng số tài sản đó xử lý thế nào, thì về mặt luật pháp vẫn còn nhiều vướng mắc.
Chỉ thị 04 của Ban Bí thư giao cho các cơ quan rà soát, sửa đổi, bổ sung chính là để khắc phục những hạn chế, vướng mắc này, điều mà nhiều nước trên thế giới đã làm được, để làm sao chúng ta có thể thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát mà không cần qua bản án hình sự hoặc các hình thức khác. Đây là điều rất mới, rất khó nhưng không thể không làm.
Chỉ thị cũng nói phải tăng quyền hạn mạnh mẽ hơn nữa cho những người tham gia trực tiếp, ví như thanh tra viên, kiểm toán viên có quyền hạn áp dụng những biện pháp cần thiết để kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại hoặc chuyển dịch tài sản. Đây là yêu cầu mới, hiện Thanh tra Chính phủ cũng đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra cho phù hợp. Ngành Thanh tra cần quán triệt, nghiên cứu, làm sao một mặt vừa nâng cao trình độ của người làm công tác thanh tra để kịp thời phát hiện, nhưng đồng thời cũng sửa đổi, bổ sung pháp luật cho phép đoàn thanh tra, thậm chí thanh tra viên, có thể có những biện pháp hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước để phát hiện ra những dấu hiệu, vụ việc, thậm chí có thể có biện pháp ngăn chặn, tẩu tán tài sản, hoặc nếu đã rõ rồi thì yêu cầu thu hồi tài sản đó. Theo tôi đó là những giải pháp rất mạnh mẽ và mới của Chỉ thị.
Đề cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu
PV: Ông có nghĩ, theo tinh thần của Chỉ thị 04, quyền hạn của các cơ quan chức năng trực tiếp tham gia phòng chống tham nhũng, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ, sẽ được mở rộng hơn, tăng tính hiệu quả hơn không?
TS Đinh Văn Minh: Để công tác phòng chống tham nhũng, đặc biệt là công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt được hiệu quả hơn là tổng hợp của nhiều yếu tố.
Thứ nhất là ý thức trách nhiệm của các cơ quan thực hiện, nhất là người đứng đầu cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra và những người trực tiếp đi làm thanh tra. Chỉ thị cũng có nói trách nhiệm của người đứng đầu rất lớn, phải luôn luôn coi trọng việc thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng trong suốt quá trình thanh tra, điều tra. Khi đã có nhận thức như vậy, đương nhiên hoạt động thanh tra sẽ được tạo điều kiện, kiến nghị của thanh tra sẽ được lắng nghe kịp thời.
Trong quá tình tiến hành thanh tra có thể phát hiện vi phạm, tham nhũng ở những mức độ khác nhau. Trong trường hợp đó, cơ quan thanh tra phối hợp kịp thời với cơ quan điều tra hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý. Điều này đòi hỏi sự phối hợp tốt giữa các cơ quan và sự lắng nghe của cơ quan cấp trên đối với những đề nghị, kiến nghị của thanh tra để có biện pháp xử lý kịp thời đặc biệt đối với những vấn đề liên quan đến thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát
Thứ hai cần có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong công tác phòng chống tham nhũng, quyền hạn của mỗi cơ quan là khác nhau cho nên phải cần có sự phối hợp. Tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, rất đa dạng có thể là nhà đất, có khi trong tài khoản ngân hàng, có thể là cổ phiếu... Khi một vụ việc bị phát hiện và có yêu cầu phong tỏa tài sản thì lập tức cơ quan chịu trách nhiệm phải hiểu được ý nghĩa của yêu cầu đó, hiểu được trách nhiệm của mình đối với yêu cầu đó. Hay một mảnh đất có nghi vấn về nguồn gốc, có dấu hiệu liên quan tham nhũng, sắp tới có thể phải thu hồi, vậy thì phải ngăn chặn ngay việc chuyển dịch mảnh đất đó, không cho bán, sang nhượng. Hoặc trong quá trình thi hành án, nhiều khi đã có bản án hình sự, nhưng các cơ quan không thống nhất với nhau về cách làm, trình tự thủ tục. Ví như để ra được số tiền phải thu hồi, phải qua các cơ quan làm nhiệm vụ kê biên tài sản, thẩm định tài sản, định giá tài sản… mới ra được.
Mặc dù các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán có trách nhiệm cố gắng làm tốt nhiệm vụ nhưng rất cần có sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy. Trong Chỉ thị có nói rất rõ điều này, đặc biệt là người đứng đầu, tạo điều kiện để các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình; thứ nữa là lắng nghe và chỉ đạo kịp thời các cơ quan, tổ chức khác trong việc phối hợp cùng với cơ quan chức năng, mới có thể tạo ra một sự đồng bộ khi thu hồi tài sản.
PV: Ông có đề cập đến sự phối hợp giữa các cơ quan. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến cho sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng thời gian qua còn nhiều bất cập, khiến cho công tác thu hồi tài sản chưa được như mong muốn?
TS Đinh Văn Minh: Có 2 nguyên nhân, một là nguyên nhân từ bản thân pháp luật, chúng ta xây dựng cơ chế có nhiều cơ quan chức năng tham gia vào đấu tranh chống tham nhũng hay cụ thể hơn là thu hồi tài sản. Việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các bên cần phải được xem lại chỗ nào chưa phù hợp để kịp thời điều chỉnh.
Thứ hai, trên thực tế hoạt động, có đôi lúc đùn đẩy, né tránh hoặc ngược lại có lúc chồng chéo. Cái khó hiện nay là, chúng ta một mặt phải cố gắng nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả nhưng nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật cho nên cũng phải thận trọng, không thể vì mối lo, trách nhiệm của mình mà xâm phạm đến các quyền của người dân, doanh nghiệp. Một mặt phải làm tốt chức năng, quyền hạn của mình nhưng cũng phải tránh chồng chéo. Thực tế hiện nay, hoạt động của các cơ quan nhiều khi có sự trùng lặp, làm đi làm lại, điều đó đòi hỏi ngoài việc sửa đổi về mặt cơ chế, pháp luật thì cần có sự phối hợp, bàn bạc giữa các cơ quan từ xây dựng kế hoạch đến quá trình tổ chức thực hiện sao cho nhịp nhàng, hiệu quả.
Không phải tự nhiên có sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng bởi có những vấn đề vướng mắc giữa các cơ quan về mặt thẩm quyền, thậm chí các cơ quan có ý kiến khác nhau về một vấn đề, cần có một sự chỉ đạo chung. thống nhất. Chỉ thị 04 đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhưng luôn luôn phải theo sự chỉ đạo chung, làm sao để hoạt động nhịp nhàng nhất, và cuối cùng là đạt hiệu quả cao nhất.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo
PV: Vụ án AVG được coi là điển hình về thu hồi tài sản thất thoát. Theo ông, đâu là vấn đề mấu chốt cần rút ra?
TS Đinh Văn Minh: Một trong những bài học quan trọng nhất ở vụ án này đó là có sự chỉ đạo của Trung ương với tinh thần “rõ đến đâu xử đến đấy”, “làm đến đâu thu đến đấy”.
Trước kia, chúng ta theo thông lệ chỉ thu hồi thông qua bản án hình sự, có nghĩa là phải kết án một người nào đó, sau đó mới quay sang thu hồi tài sản. Trong vụ án AVG, chúng ta đã thu hồi ngay trước khi xét xử, có nghĩa trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã thấy rõ ràng vi phạm, thậm chí những người vi phạm cũng đã thừa nhận và tự nguyện nộp lại tài sản, nên đã tịch thu ngay, chứ không nhất thiết phải đợi đến lúc xét xử. Đây là chi tiết rất quan trọng.
Chỉ đạo của Trung ương hiện nay cũng như vậy, tập trung vấn đề thu hồi tài sản, đặc biệt trong Chỉ thị 04 của Ban Bí thư vừa ban hành cũng nêu rõ, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, phải có ngay biện pháp bảo đảm việc thu hồi, ngăn chặn tẩu tán, sau đấy nếu rõ nữa thì thu hồi luôn. Nếu không, một vụ việc trải qua nhiều trình tự tố tụng, qua nhiều thời gian, tài sản, tiền bạc sẽ hư hao, mất mát, chuyển dịch rất nhiều. Kết cục là thu hồi rất khó.
AVG được coi là vụ án điển hình về thu hồi tài sản thất thoát mặc dù hệ thống pháp luật chưa có gì thay đổi nhưng đấy là vấn đề chỉ đạo. Và từ đó đến nay có nhiều vụ việc đang được làm theo hướng như vậy, tăng cường xử lý ngay, rõ đến đâu, xử đến đó.
Một điều quan trọng nữa làm nên tính hiệu quả trong việc thu hồi tài sản ở vụ án AVG đó là chính sách hình sự của chúng ta hiện nay, người chiếm đoạt gây thất thoát tài sản của Nhà nước khắc phục càng nhanh hậu quả thì được xem xét khi tính đến trách nhiệm, kể cả bản án tù tội. Đó là câu chuyện về lợi ích, người ta tự nguyện bồi thường, tự nguyện nộp lại nhanh thì càng được xem xét. Quan trọng nhất là tính kịp thời. Việc xử ai, cho ai đi tù, cũng quan trọng bởi đó là kỷ cương phép nước, nhưng quan trọng hơn nữa, xét đến cùng là câu chuyện tài sản của nhà nước và nhân dân bị chiếm đoạt thì phải nhanh chóng thu hồi về. Chuyện xét xử ai, nặng nhẹ ra sao, chỉ là việc giải quyết hậu quả không mong muốn, quan trọng là thu hồi tiền bạc về cho nhà nước, cho nhân dân, điều đó cũng toát lên ở tinh thần của Chỉ thị này.
Việc ban hành một chỉ thị riêng về thu hồi tài sản mới thấy tính chất quan trọng của vấn đề này, mặc dù từ trước tới nay, chúng ta đã nhiều lần nói đến, nhưng có một chỉ thị chuyên về nó là rất đặc biệt.
PV: Trong Chỉ thị có nêu 6-7 giải pháp, theo ông, đâu là mấu chốt vấn đề?
TS Đinh Văn Minh: Mỗi giải pháp, biện pháp đều có ý nghĩa của nó, nhưng đúng là giải pháp đầu tiên, vấn đề quan trọng đầu tiên vẫn là nhận thức. Xét cho cùng, cơ chế nào, luật pháp nào cũng vẫn là con người, mà con người trong cơ chế đó, người đứng đầu có vai trò vô cùng quan trọng. Cho nên phải đặt trọng tâm vào quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản thì tất cả các giải pháp sẽ đi theo.
Với nhận thức như vậy, chúng ta sẽ tích cực tăng cường đội ngũ làm công tác đó, sẽ quan tâm hơn tới vụ án có nhiều mối lo với nhiều vấn đề phải xử lý, người ta quan tâm hơn đối với vụ này vấn đề tài sản, tiền bạc ở chỗ nào để quan tâm hơn, tạo điều kiện để các cơ quan làm được hết quyền hạn, trách nhiệm của mình, đề cao trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan hữu quan. Trong một vụ án, các cơ quan tổ chức hữu quan như thuế, hải quan, nhà đất, ngân hàng, quản lý chứng khoán, cổ phiếu… cũng quan trọng cũng phải làm cho những cơ quan đó hiểu được trách nhiệm của họ, phối hợp với cơ quan chức năng để thu hồi được tài sản hiệu quả nhất.
Đặc biệt, trong mọi câu chuyện, mọi hoạt động của bộ máy nhà nước, đương nhiên, sự tham gia của xã hội, công luận, người dân, báo chí là rất quan trọng, bởi nói như Bác Hồ, “ngàn vạn lỗ tai, con mắt của quần chúng” là một cơ chế kiểm sotá hết sức hiệu quả. Đó là thông tin rất tốt, Nhà nước trân trọng và tạo điều kiện, nhưng cũng phải có cơ chế thật nhanh để tiếp nhận, giải quyết kịp thời, mới khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân.
Đương nhiên, yếu tố quan trọng nữa chính là lực lượng, đội ngũ tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, như thanh tra, điều tra, tòa án, kể cả các ban Đảng, Trong quá trình xử lý các vụ việc, vụ án tham nhúng, phải luôn có nhận thức, vấn đề tài sản và thu hồi tài sản là rất quan trọng, phải bằng tất cả sự tinh thông nghiệp vụ cộng với quyền hạn mà pháp luật cho phép để làm sao phát hiện, ngăn chặn thậm chí có thể đề nghị thu hồi, tạm giữ tài sản thì mới hiệu quả.
PV: Cùng với Luật phòng chống tham nhũng và Chỉ thị lần này, chúng ta sẽ có một bộ công cụ khiến người ta không dám tham nhũng?
TS Đinh Văn Minh: Điều rất quan trọng từ trước đến nay đó là càng ngày chúng ta càng khẳng định , trong công tác phòng chống tham nhũng vấn đề tài sản là rất quan trọng, và nó dẫn đến việc Chỉ thị 04 được ban hành.
Hiện nay, trong các quy định của pháp luật, kể cả luật hình sự, các quy định pháp luật khác, luôn hướng tới việc nâng cao hiệu quả của việc thu hồi tài sản. Về mặt lý thuyết, xét cho cùng, mục tiêu của tham nhũng là chiếm đoạt tài sản và tiền bạc, nếu thu hồi tốt, người ta sẽ mất động cơ. Trong Chỉ thị có nói phải kiểm soát cả chi tiêu tiền mặt, nếu có tiền, tài sản mà không chi tiêu được, thì cũng mất động lực tham nhũng.
Cũng có thể nói, chúng ta còn đánh cả vào tâm lý “hy sinh đời bố củng cố đời con”, không có chuyện chịu kỷ luật, tù tội một vài năm, để sau này vẫn có thể vui thú tuổi già với con cháu cùng số tài sản chiếm đoạt được. Mà chúng ta đánh vào tài sản trước, thu hồi tài sản trước, việc tù tội cũng quan trọng nhưng không bằng. Về hưu rồi vẫn phải xử lý, xử lý cả con người lẫn tài sản.
Đó là một tuyên ngôn, thái độ của Đảng, Nhà nước. Khi đã có thái độ rõ ràng như vậy thì anh không thể không chùn tay, phải có một suy nghĩ khác, chứ không phải tìm cách này cách khác để chiếm đoạt, hưởng lợi. Một chỉ thị của Đảng chưa phải một thiết chế, nhưng nó là cơ sở để các cơ quan nhà nước nghiên cứu, thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật.
Đối với tình trạng kiểm soát tài sản thu nhập còn mức độ, qua đó chưa thu hồi được, thì trong Chỉ thị có nói rất rõ các cơ quan phải nghiên cứu để việc thu hồi tài sản không qua bản án, có nghĩa là kể cả anh không bị án hình sự nhưng tài sản của anh không rõ ràng về nguồn gốc, được coi là bất minh thì sắp tới rất có thể chúng ta sẽ bàn lại câu chuyện này để tháo gỡ những trường hợp rất “trớ trêu” hiện nay, một khối tài sản lớn muốn thu hồi nhưng cơ quan nhà nước tìm cách chứng minh rất khó. Nhưng sau này trách nhiệm chứng minh nó phải khác đi, người có tài sản, nhất là cán bộ công chức có trách nhiệm về sự minh bạch của mình, về nguồn gốc tài sản của mình, nếu không có thể bị tịch thu.
Chỉ thị của Ban Bí thư là một tuyên ngôn rất mạnh mẽ, cảnh tỉnh cho những người có mưu đồ xấu nhưng cũng là cơ sở để cơ quan Nhà nước nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung và mạnh dạn đưa ra những biện pháp sắp tới. Đó là câu chuyện rất quan trọng, bởi chúng ta phải thể chế bằng các quy định của pháp luật nhưng phải có sự lãnh đạo của Đảng, được “bật đèn xanh” để nghiên cứu những cái có thể coi là mới, có thể khó được chấp nhận ngay, nhưng thế giới làm được thì chúng ta cũng sẽ làm được, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.
PV:Xin cảm ơn ông./.