Nhấn mạnh nội dung “dân chủ” trong dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) khi trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Phạm Xuân Hằng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, muốn tuyên truyền, vận động được, muốn có đồng thuận, đoàn kết trước hết phải có dân chủ. Vì thế, về phương thức hoạt động trong dự thảo Luật phải bổ sung nội dung về dân chủ. “Nếu không có dân chủ, chỉ là tuyên truyền, vận động một chiều, hình thức và không thực chất. Cần đưa và dự thảo luật nội dung “thực hành dân chủ trên thực tế để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Có như thế Luật MTTQ Việt Nam mới đi vào cuộc sống, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”.

ong_pham_xuan_hang_pivi.jpg Ông Phạm Xuân Hằng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam 
Trong dự thảo Luật có nội dung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đồng thời cũng khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo ông Phạm Xuân Hằng “Đảng ta là Đảng lãnh đạo Nhà nước và các đoàn thể, vậy thì vai trò là tổ chức thành viên, đồng thời lại lãnh đạo một thành viên đặc biệt là Mặt trận thì cần phải nói rõ mối quan hệ giữa Đảng và Mặt trận. Vai trò lãnh đạo của Đảng là gì, vai trò thành viên trong khối đại đoàn kết phải như thế nào? Không làm rõ  thì Mặt trận rất khó thực hiện, dân khó hiểu. Vai trò lãnh đạo của Đảng thì đã rõ, nhưng với vai trò tổ chức thành viên thì Đảng có nhiệm vụ gì, chẳng hạn như cung cấp cơ sở chính trị là chủ trương đường lối cho Mặt trận để Mặt trận thi hành. Nhưng để mặt trận thi hành được, thì những chủ trương, đường lối lớn phải thể chế hóa, được quy định bằng pháp luật hay những văn bản quy phạm pháp luật”.

Cán bộ Mặt trận phải có tư chất tốt

Ông Phạm Xuân Hằng cho rằng, việc các hoạt động của Mặt trận được thể chế hóa bằng luật cũng thể hiện sự dân chủ. Chủ trương của Đảng thể hiện tính dân chủ, phản ánh xã hội dân chủ với tinh thần “dân là chủ, dân làm chủ”. Dân đã là gốc thì mọi đường lối chính sách, chủ trương phải dựa vào trục “dân là gốc” để tư duy, hoạch định chính sách mới phù hợp. “Chủ trương giám sát, phản biện xã hội được luật hóa thế này cũng là thể hiện tinh thần dân là gốc”.

Về việc để công tác giám sát, phản biện thực thi có hiệu quả khi luật ban hành, ông Hằng nhấn mạnh: Nếu như vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể nhân dân đã được luật hóa rồi thì phần còn lại là những đối tượng liên quan phải được thực hiện tốt. Một mình Mặt trận không thể làm được. Giám sát ai thì người ta phải thể hiện ý chí để mình biết. Phản biện ai thì người ta phải biết lắng nghe ý kiến phản biện thì mới hiệu quả. Trước hết là chủ thể phản biện, giám sát thì MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể nhân dân, các đoàn thể chính trị-xã hội phải thể hiện bản lĩnh của mình để thực hiện luật này.

“Chúng ta sống trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật thì phải thực hiện cho tốt, cứ bám theo luật mà làm. Nếu luật có rồi, không làm được thì trước hết là trách nhiệm của chủ thể là MTTQ. Vì thế, muốn luật đi vào cuộc sống đương nhiên những đối tượng liên quan phải có trách nhiệm phối hợp, nhưng trước hết phải là Mặt trận”- ông Hằng nói.

Để có đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận có đáp ứng được yêu cầu khi Luật có hiệu lực, ông Hằng cho rằng, việc đào tạo cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận phải là nhiệm vụ của cấp ủy của địa phương. Mặt trận phải đề xuất việc này. “Cán bộ yếu, không hoàn thành nhiệm vụ ở chỗ khác đưa về Mặt trận thì dân không nghe, không tin. Mặt trận là nơi tiếp xúc với dân, phát động các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là tập hợp khối đại đoàn kết, trong đó tham gia xây dựng Đảng, chính quyền thì những cán bộ Mặt trận phải có tư chất tốt”./.