Ban Bí thư vừa ký ban hành Quy định số 41- QĐ/TW “về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”. Quy định này thay thế Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 02/10/2009 của Bộ Chính trị. Theo đó, cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ; Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm. Quy định này được nhiều cán bộ, đảng viên đồng tình.

Cán bộ vi phạm thì nên từ chức, không đợi nhắc nhở

Ông Phạm Bá Lữ, 60 năm tuổi Đảng ở phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM cho rằng: "Nếu cán bộ đã vi phạm vào những điều mà đảng viên không được làm thì phải từ chức, không phải đợi nhắc nhở. Vì nó ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Đảng, lòng tin của người dân đối với Đảng. Chúng ta loại trừ  ra được những cán bộ, đảng viên như vậy thì sẽ đảm bảo được chất lượng đảng viên, uy tín của đảng càng nâng cao, làm trong sạch trong nội bộ Đảng, làm cho Đảng càng lớn mạnh hơn, người dân càng tin vào sự lãnh đạo của Đảng".       

Chị Nguyễn Thị Bích, đảng viên ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai mong muốn, quy định mới này phải được quán triệt sâu sát đến từng cán bộ, đảng viên và thực hiện nghiêm để phát huy hiệu quả. Vì thời gian qua, thực tế có nơi việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm còn lỏng lẻo.

"Tôi nghĩ quy định này chúng ta phải làm chặt chẽ, ở cấp Trung ương làm chặt chẽ nhưng về cơ sở thì hơi lỏng lẻo. Thực tế có trường hợp chẳng hạn như đã bị kỷ luật, có kết luận của Ủy ban ban kiểm tra đề nghị cắt hết chức vụ, nhưng khi xử lý thì làm giảm nhẹ, cảnh cáo và chuyển nơi khác, nhưng đến vài tháng rồi tổ chức đảng đó vẫn không thực hiện. Nó gây mất niềm tin cho cán bộ, đảng viên, nhất là những người tâm huyết với Đảng. Theo tôi nghĩ với quy định mới này, nếu chúng ta làm quán triệt sâu sát cho từng các bộ, đảng viên và được vận dụng dụng cụ thể ở từng chi bộ, từng địa bàn thì chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng Đảng vững mạnh hơn."

Một số đảng viên ở Tiền Giang cho rằng, Quy định 41 của Bộ Chính trị thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc chấn chỉnh công tác cán bộ. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngày càng có năng lực, đạo đức có tâm, có tầm để phục vụ cho đất nước.

Ông Đoàn Văn Khanh, đảng viên cao niên ở xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang chia sẻ:“ Quy định này rất kịp thời, để chấn chỉnh công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng để làm sao đảm bảo nhiệm vụ, nhưng mà cũng là để xây dựng Đảng trong sạch- vững mạnh. Đối với cán bộ từ chức có mấy việc, vì bản thân của anh khi  không hoàn thành nhiệm vụ thì nên từ chức. Cái đó quan trọng lắm vì khi anh không hoàn thành nhiệm vụ coi như Nghị quyết của Đảng bộ, của Chi bộ đó mà nếu như hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác không hoàn thành nhiệm vụ thì có hại cho Đảng”.

Không đủ năng lực thì nên từ chức

Ông Nguyễn Mạnh Hưng, Bí thư Đảng uỷ phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng rất đồng tình với Bộ Chính trị quy định về việc miễn nhiệm đối với cán bộ Đảng viên.

Ông Hưng nêu ý kiến: “Bộ Chính trị ban hành quy định 41 về từ chức và miễn nhiệm đối với cán bộ theo điều 5, căn cứ để xét miễn nhiệm, bản thân tôi rất đồng tình quy định của Bộ Chính trị. Cơ sở để xem xét những trường hợp đối với cán bộ mà vi phạm và mất uy tín. Nếu như bị kỷ luật, cảnh cáo, khiển trách dẫn đến giảm sút ý chí thì không thể đảm nhiệm chức vụ được giao. Cơ quan tổ chức cấp trên đề nghị miễn nhiệm. Khi mà lấy phiếu 2/3 số lượng phiếu  không đạt thì cũng nên cho miễn nhiệm còn đối với từ chức thì khoảng 50% đã lấy phiếu mà không đủ uy tín thì cũng nên cho từ chức."

Ông Trương Minh Tâm, Chủ tịch UBND phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, Căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu theo Điều 7, Quy định 41 của Bộ Chính trị sẽ góp phần làm rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu.

 “Các căn cứ để xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu gồm có 3 ý tôi hoàn toàn thống nhất. Tuy nhiên, việc tiêu cực cần quy định rõ hơn, tiêu cực trên lĩnh vực nào, chứ tham nhũng rõ ràng rồi. Khi quy định này ra đời, với trách nhiệm là người đứng đầu 1 địa phương bản thân tôi nhận thấy mình cần phải tăng cường công tác quản lý đối với cán bộ cấp dưới. Phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, nhắc nhở, hạn chế thấp nhất vụ việc tham nhũng và tiêu cực không được xảy ra trên địa bàn. Nếu mà mình để cho cấp dưới tham nhũng, tiêu cực thì bản thân người đứng đầu cũng phải có trách nhiệm, tùy theo mức độ cũng phải xem xét cho từ chức".

Ông Dương Duy Lộc, ở phường Thuận Hòa, thành phố Huế cho biết, Quy định 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ là hoàn toàn hợp lý. Đặc biệt là việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng.

 “Quy định của Bộ Chính trị thì quá hợp lý rồi, công tác cán bộ chúng ta mà xét thấy không có uy tín, không đủ năng lực để lãnh đạo để đưa đất nước lên thì cũng nên từ chức, để dành cho những người có năng lực và có tài có đức lên để thay thế. Nếu giả sử anh làm được nhưng uy tín không có, không được lòng dân, không được lòng cán bộ thì cũng nên từ chức để cho xã hội đi lên. Theo quan điểm tôi quy định này tôi thấy hoàn toàn hợp lý"- ông Dương Duy Lộc nêu ý kiến./.