Chống tham nhũng gắn liền với chống tiêu cực. Nhiệm vụ này đã chính thức được thể chế hoá bằng Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo). Quy định vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 16/9/2021.
Theo đó, cơ quan này có trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị cả nước. Cùng với đó, trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức...
“Suy thoái biến cán bộ thành con người hoàn toàn khác”
Trước đó, tại cuộc họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng” ngày 10/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống: Không chỉ đấu tranh PCTN trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Trước đó, trong một cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, người đứng đầu Đảng ta đã từng nhấn mạnh “về chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế”, bởi tự diễn biến, tự chuyển hóa có thể biến con người ta thành một người khác lúc nào không biết, đi ngược lại với những cam kết của họ trước Đảng, trước nhân dân là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, lo trước nỗi lo của nhân dân, vui sau niềm vui của nhân dân.
Thực tế thời gian qua đã chỉ ra, nhiều cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có liên quan tới những sai lầm, khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ, từ việc quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đến chính sách đãi ngộ.
Đặt vấn đề, giả sử quy trình lựa chọn cán bộ là chặt chẽ, khâu thực hiện cũng hoàn toàn chặt chẽ, nhưng ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn văn hóa của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng, con người ta không tránh khỏi có những biến đổi, có người tiến lên, có người đi xuống, không ai vĩnh viễn tốt cả. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".
“Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cán bộ “lòng dạ không còn trong sáng, sa vào chủ nghĩa cá nhân”, là bởi không chịu rèn luyện, tu dưỡng. Vấn đề tu dưỡng, tự kiểm điểm, tự phê bình được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đi nhắc lại nhưng nó chỉ đúng với những người đã sẵn ý thức, còn những người đã buông thả rồi làm gì có tự phê bình, tự tu dưỡng. Đã không chịu tu dưỡng thì hôm qua là người tốt, ngay hôm sau đã thành người không tốt, tiêu cực từ đó mà ra. Những cám dỗ của thời buổi kinh tế thị trường, sự du nhập cuộc sống ăn chơi, hưởng thụ cũng khiến con người ta dễ sa ngã, hư hỏng”, ông Nguyễn Viết Chức chia sẻ.
“Không phải ai cũng tiêu cực vì lương thấp”
Đánh giá về công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, mặc dù đã được lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, có chuyển biến rõ nét; tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, diễn biến phức tạp. Vì thế, người đứng đầu Đảng ta luôn nhấn mạnh: Tất cả đảng viên dẫu ở cương vị nào, trọng trách nào, không bao giờ được buông lỏng sự tự ý thức, rèn luyện của bản thân.
Đồng tình với nhận định của Tổng Bí thư, ông Nguyễn Viết Chức còn cho rằng, nạn tham nhũng tiêu cực ngày càng tinh vi hơn khi người ta biết che giấu hành vi rất khéo léo, nên không dễ để bị phát hiện. “Cứ nói là người dân nhìn thấy, nhưng cần cả cán bộ cũng phải nhìn thấy. Chừng nào người ta còn liên kết lợi ích nhóm, bao che; muốn yên thân, ngại động chạm để tránh mâu thuẫn, tránh bị vùi dập thì việc chống tiêu cực sẽ còn vất vả, gian nan”.
Ông Nguyễn Viết Chức quả quyết như vậy và cho rằng, phòng chống tiêu cực cần đi đôi với tinh gọn bộ máy. “Không thể giữ bộ máy công kềnh như vậy, lương thấp, cũng là lý do khiến người ta tiêu cực. Nói vậy không có nghĩa ai cũng tiêu cực vì lương thấp, nhưng quả thật là cũng khó sống, đâu phải ai cũng tốt, ai cũng “đói không ăn vụng, túng không làm liều”. Thử hình dung, cán bộ lương 4-5 triệu không đủ ăn, ngồi bàn giấy, người ta đến xin xỏ cái này, cái kia, gây khó khăn tí để kiếm năm chục ngàn. Lúc đầu chỉ thế, ăn mãi thành quen, sau này là dăm ba trăm, tiến tới là dăm ba triệu. Rồi đến lúc nào đấy phải dăm ba tỷ, giả dụ thế. Con người mà không rèn luyện, đã sinh tiêu cực thì sớm muộn tiêu cực sẽ lớn dần lên”.
Xử lý cán bộ phải có lên có xuống
Trong xử lý cán bộ, ông Chức nhấn mạnh, dứt khoát phải có lên có xuống. Cán bộ mắc khuyết điểm thì phải xử lý, nhưng sau đó họ sửa chữa, tốt lên thì vẫn có thể sử dụng, có vậy người ta mới nghiêm túc phấn đấu. Đương nhiên, cán bộ đã hỏng thì phải loại. Xử lý cán bộ theo cách thức linh hoạt như vậy mới đấu tranh thẳng thắn với nhau được.
Ngoài ra, ông Chức cho rằng, cách đánh giá cán bộ cũng có ảnh hưởng đến câu chuyện có tiêu cực hay không. Đồng tình với việc phải tăng cường, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu nhưng “các cơ quan phải làm nghiêm, người đứng đầu phải thật sự nêu gương, và quy trình cũng phải thay đổi”.
Quy trình như hiện nay, theo ông Chức, cả chục người đứng đầu thì không được. Giám đốc gần như không có quyền để bổ nhiệm cấp phó của mình, mà do tỉnh ủy, thành ủy quyết định, thậm chí có nơi còn không cần hỏi ý kiến của giám đốc, cứ đưa phó giám đốc về. Người đứng đầu không được quyết định người đứng sau mình, thì làm sao đòi hỏi họ chịu trách nhiệm khi cấp phó của mình vi phạm. Nếu quy trình là ai ký đề cử, bổ nhiệm người đó phải chịu trách nhiệm, thậm chí mất chức, thì sẽ không có chuyện ký bừa.
“Quy trình cũng có đúng, có sai; Quy trình gì cũng do con người lập ra và thực hiện, nếu không trung thực thì không bao giờ tốt được. Quy trình như hiện nay là quy trình tập thể, tập thể chịu trách nhiệm. Việc xử lý hiện nay đã mạnh đến mức cả đảng ủy bị kỷ luật, nhưng như thế là đồng loạt như nhau, không giải quyết được vấn đề. Phải quy trách nhiệm người đứng đầu, người ký phải bị kỷ luật, tùy theo hậu quả, có thể phải mất chức. Kỷ luật mà vẫn giữ chức họ vẫn ký, loanh quanh vì lợi ích, vì đồng tiền có khi họ vẫn ký tiếp. Phải làm nghiêm mới được”.
Ông Nguyễn Viết Chức không khỏi lo ngại trước tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi khi cả hệ thống hàng chục người liên kết với nhau làm những điều xấu xa, có thể che lấp tất cả, có thể biến trắng thành đen, cấp trên không thể nắm hết được, nhân dân lại càng khó nhìn thấu. Vì thế, theo vị thành viên Hội đồng tư vấn văn hóa của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, không có cách nào khác là phải đổi mới thể chế mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt phải phòng tiêu cực, tham nhũng trước đã rồi mới chống./.