Phát biểu kết luận phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết những ý kiến chất vấn chưa được Bộ trưởng trả lời trên Hội trường, Bộ trưởng sẽ trả lời bằng văn bản. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh phần trả lời mang tính lời hứa của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất ổn định lâu dài, giải quyêt ô nhiễm lưu vực sông...
"Trả lời chất vấn là hứa trước Quốc hội. Bộ trưởng cần tiếp tục thực hiện tốt", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:Các vụ việc trên báo chí nêu cũng đã rất rõ thời gian qua. Việc xảy ra là rất đáng tiếc. Thái độ chung của chúng tôi là các vụ việc phải được giải quyết trên cơ sở của pháp luật. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, đúng sai thế nào phải được làm rõ; trách nhiệm người sử dụng đất như thế nào, tổ chức cá nhân sử dụng đất… tất cả phải được làm rõ.
Bộ truởng Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Minh Quang |
Riêng vụ việc Tiên Lãng, sau khi xảy ra, Hải Phòng cũng đã tập trung giải quyết, Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo giải quyết vấn đề này. Chúng tôi cùng với Hải Phòng đã chủ động kiểm điểm trách nhiệm của mình, chỉ đạo Tiên Lãng giải quyết dứt điểm vụ việc.
Bộ đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra lại việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông ven biển. Loại đất này các quy định cũng chưa đề cập thỏa đáng cho nên trong quá trình sử dụng có vấn đề này vấn đề khác, việc vận dụng ở địa phương còn có hạn chế.
Bộ đã tổ chức đoàn đi kiểm tra một số tỉnh, về cơ bản phần giao đất bãi bồi thường trước 2003, còn sau 2003 hầu như cho thuê.
Từ vụ việc Tiên Lãng có người nghĩ sẽ ảnh hưởng đến nơi này nơi kia nhưng qua kiểm tra thấy không có gì, vì các tỉnh, thành cho thuê bình thường theo quy định của pháp luật hiện hành.
Vụ việc Tiên Lãng là rất đáng tiếc, là bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với chúng tôi – những người làm công tác tài nguyên môi trường, đặc biệt là lĩnh vực đất đai.
Vừa qua chúng tôi cũng đã có ý kiến với Hải Phòng trong xử lý vụ việc theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, có làm rõ vi phạm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn trong sử dụng đất, giao cho gia đình này tiếp tục sử dụng đất theo quy định của luật hiện hành.
25/4 vừa qua chúng tôi đã có văn bản trả lời chính thức tới Hải Phòng và Hải Phòng cũng vừa có ý kiến chính thức giao cho huyện Tiên Lãng xử lý vụ việc.
Vụ việc ở Văn Giang thì thực ra dự án được phê duyệt đã lâu rồi. Hưng Yên thực hiện cưỡng chế diện tích đất thì đó là thẩm quyền của địa phương trong quá trình thực thi pháp luật về đất đai.
Tất nhiên vừa qua trên phương tiện thông tin đại chúng có thông tin này thông tin khác. Nhưng chúng tôi đã cử một đoàn cán bộ xuống Văn Giang nắm tình hình thì thấy rằng người dân không kêu gì về chính sách đền bù mà người dân đề nghị cần xem xét thu hẹp lại dự án. Ngoài ra người dân thắc mắc về khu dịch, muốn phần được hưởng nằm trong khu đô thị.
Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh):Nghị quyết 07 của Quốc hội khóa 12 phấn đấu đến 2010 cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả các loại đất trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ cấp chưa đạt yêu cầu, trong khi ở các địa phương đây là vấn đề cấp bách. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những biện pháp mạnh sắp tới để thực hiện nghiêm túc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết mà Quốc hội đã đề ra?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:Tôi cũng còn nhớ nghị quyết 07 và Bộ trưởng trước tôi có hứa là đến 2010 căn bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chủ trương trên thể hiện quyết tâm của chúng ta, trong đó có Bộ TN-MT và các đồng chí ở các tỉnh.
Hiện nay đất nông nghiệp, đất ở nông thôn… đối với loại đất này đã cấp giấy được trên 80%, đây cũng là tương đối cơ bản. Có 2 loại đang thấp là đất ở đô thị và đất chuyên dụng liên quan đến các công sở. Chúng tôi cho rằng thời gian tới cần tập trung làm.
Nguyên nhân có do giấy tờ không hợp lệ, nguồn gốc phức tạp, có vi phạm trong xây dựng công trình, hay liên quan đến quy hoạch… nên việc cấp giấy bị kéo dài.
Hệ thống văn phòng cấp giấy chứng nhận của các địa phương thiếu cán bộ chuyên môn so với yêu cầu, mỗi huyện chỉ có mấy người trong khi công việc lớn, trình độ có hạn; kinh phí còn hạn hẹp.
Vấn đề là rất khó để cấp toàn bộ vì diễn biến rất phức tạp. Tôi cho rằng không bao giờ hoàn thành được việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chúng ta chỉ giải quyết những cái cơ bản nhất, quá trình diễn ra thì vẫn cứ phải làm và phấn đấu đến 2015 giải quyết toàn diện hơn.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Thái Nguyên):Đất đai, công tác đền bù hỗ trợ tái định cư và đời sống của người dân tại các vùng triển khai dự án thủy điện đang là vấn đề gây nhiều bức xúc. Trong quá trình triển khai các dự án thủy điện, chúng ta đã lấy đi một diện tích đất lớn, làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương. Người dân dời đến nơi ở mới nhưng đời sống vẫn khó khăn do thiếu đất sản xuất và những bất cập liên quan đến giải quyết đền bù, hỗ trợ tái định cư. Ngoài ra, diện tích rừng chưa được trồng đền bù sau khi làm thủy điện, công tác bảo vệ môi trường tại các nhà máy thủy điện cũng chưa thực hiện nghiêm ngặt dẫn đến nhiều dòng sông chết, sinh thái bị biến dạng, hạn hán, lũ lụt… Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào, những giải pháp nào để khắc phục thực tế nêu trên?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Việc xây dựng công trình thủy điển để đảm bảo an ninh năng lượng, liên quan tổng so đồ của ngành điện, rất quan trọng đối với đất nước.
Nhà máy thủy điện thường được xây dựng ở những vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, đồng bào nghèo, liên quan đến vấn đề rừng. Việc bố trí tái định cư thì còn tùy vào loại công trình thủy điện. Loại Nhà nước giao cho EVN làm chủ đầu tư thì đền bù khác, đối với nhà đầu tư khác thì chính sách lại khác.
Đối với thủy điện đã xây dựng thì dần tìm ra biện pháp khắc phục; còn với những thủy điện mới như Thủy điện Lào Cai, Lai Châu… thì chính sách đền bù khá thỏa đáng. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân ra đi vì dành đất phục vụ dự án của đất nước vẫn còn gặp khó khăn. Sau này cần có quy định nào đó để cuộc sống người dân ổn định hơn.
Làm thế nào để phục hồi về rừng? Vừa rồi chúng tôi có kiểm tra và thấy phần rừng bị mất đi thì các chủ đầu tư cam kết trồng lại nhưng đất đâu mà trồng? Việc này chúng ta chưa làm được nhưng sắp tới phải có quy định nghiêm ngặt hơn.
Về ô nhiễm từ nhà máy thủy điện, vấn đề xả nước để đảm bảo các dòng sông, đảm bảo đời sống người dân… là những vấn đề phải quan tâm, trong đó có trách nhiệm của Bộ chúng tôi trong việc thẩm tra đánh giá tác động môi trường.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum):Bộ TN-MT với trách nhiệm là cơ quan chủ trì, thực hiện dự án kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề. Nhưng hiện nay có đến 90% số làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này như thế nào? Khi nào khắc phục được tình trạng ô nhiễm nêu trên?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:Trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã nghe báo cáo giám sát về ô nhiễm làng nghề. Làng nghề có nguồn gốc xuất xứ lâu rồi, hiện nước ta có trên 3000 làng nghề, trong đó có 1200 làng nghề đã được công nhận. Nhưng phải nói quá trình sản xuất còn mang tính tự phát.
Mặc dù Nhà nước có hỗ trợ làng nghề, nhưng vấn đề họ có thực hiện hay không, như xử lý nước thải. Một số doanh nghiệp lợi dụng việc sản xuất ở làng nghề, lẽ ra họ phải sản xuất ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Chúng ta sẽ tiếp tục xử lý.
Về biện pháp thì cần đó là biện pháp tổng hợp, trong đó có trách nhiệm của các bộ liên quan, trách nhiệm của chính quyền địa phương, trực tiếp là cấp xã.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định):Năm 2013, là năm cối cùng của 20 năm giao đất ổn định theo Luật Đất đai 2003. Vừa qua Đảng ta có đặt vấn đề không chia lại đất nông nghiệp trước khi sửa luật đất đai. Thừi gian qua việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng rất nhiều bức xúc và vấn đề này đã, đang và sẽ còn tiếp tục rất “nóng”. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu của Chính phủ, Bộ đã có nhiều cố gắng trong tham mưu, phối hợp với các bộ và địa phương để giải quyết, tuy nhiên, hiệu quả chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bộ đã và sẽ có giải pháp gì để giải quyết bức xúc của cử tri về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:Đây là vấn đề đang bức bách hiện nay. Trong cơ chế thị trường, vấn đề đất đai là khá phức tạp, đặc biệt khi thu hồi và đền bù tái định cư.
Nguyên nhân dẫn đến những bức xúc trong việc thu hồi và đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư là do việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư ở một số dự án chưa đảm bảo được dân chủ, công khai, công bằng và đôi khi tiến hành chưa cương quyết.
Ngoài ra, giá đất bồi thường còn thấp, chưa có quy định bắt buộc xây khu tái định cư, tạo việc làm mới cho người dân bị thu hồi đất, năng lực cán bộ thực hiện công việc này có hạn chế nhất định.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nghị định về công tác đền bù giải phóng mặt bằng và thực tế có tiến triển đáng kể trong việc đảm bảo đời sống, tạo công ăn việc làm cho người dân có đất bị thu hồi.
Cái được khi thực tiện Nghị định trên là giải quyết cơ bản những vấn đề như giá đất, hỗ trợ, quyền lợi của người có đất bị thu hồi.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang):Khiếu kiện, tố cáo trong lĩnh vực đất đai rất phức tạp, chiếm đến 70% các vụ khiếu kiện, chủ yếu liên quan đến đất đai, cụ thể là đền bù và giải phóng mặt bằng. Bộ trưởng cho biết vì sao các khiếu nại được giải quyết đến 90% nhưng sao tái khiếu nại lại nhiều, phải chăng cách giải quyết chưa thỏa đáng? Hướng giải quyết những đơn khiếu nại còn tồn đọng như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Về nguyên nhân, tôi đã đề cập khi trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định).
Thực tế số vụ khiếu kiện, khiếu nại tố cáo còn nhiều, và Bộ cũng đang tích cực giải quyết. Còn về trên 500 đơn tồn đọng, hướng của Bộ là tiếp tục phối hợp để tập trung giải quyết dứt điểm. Việc giải quyết cụ thể các vụ việc như thế nào thì cần sự phối hợp vì liên quan đến nhiều địa phương.
Ô nhiễm lưu vực sông có xu hướng gia tăng, công tác quản lý còn yếu và chưa có giải pháp hữu hiệu. Trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào và định hướng của Bộ trưởng để giải quyết tình trạng này?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Về mực nước ngầm ở Tây Nguyên giảm mạnh, trước tiên có thể thấy tổng lượng mưa ở khu vực này là khá lớn, nhưng chỉ tập trung vào một số tháng.
Tình trạng mực nước ngầm hiện đang diễn biến phức tạp. ngoài các nguyên nhân đại biểu đã nêu, có thể thấy Tây Nguyên là vùng có diện tích cây công nghiệp khá lớn, đồng nghĩa với việc sử dụng lượng nước lớn. Mặt khác diện tích rừng giảm đã ảnh hưởng đến việc giữ nước.
Giờ không có cách gì khác là giữ được rừng; quy hoạch, cân đối lượng nước khi trồng cây công nghiệp.
Còn về ô nhiễm lưu vực sông, đây cũng là một trong những vấn đề đăt ra. Hiện chúng ta đã lập 3 ủy ban của 3 lưu vực sông: Sông Cầu, Sông Nhuệ- Đáy, hệ thống sông Sài Gòn- Đồng Nai.
Có thể thấy tại những khu vực thuộc 3 lưu vực sông này đều có nhiều khu công nghiệp, nhà máy, lượng nước thải rất lớn, gây ô nhiễm và là vấn đề bức xúc.
Chúng ta đã có các dự án để xử lý ô nhiễm nhưng cần thời gian và việc xử lý ô nhiễm cần có kinh phí khá lớn. Với một lưu vực sông cần vài nghìn tỷ, trong khi ngân sách còn hạn hẹp nên giờ cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Về tổ chức chỉ đạo quản lý, Bộ đang đề nghị Chính phủ tổ chức ở mỗi lưu vực sông có chi cục quản lý môi trường để công tác tham mưu tốt hơn.
Lê Thị Công (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu): Hiện nay trên cả nước có nhiều dự án đã có quyết định giao đất từ các cấp có thẩm quyền mà chậm, không triển khai, gây lãng phí trong việc sử dụng đất thì thu hồi theo Điều 38 của Luật Đất đai 2003. Xin Bộ trưởng cho biết quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất đối với những trường hợp trên? Việc xử lý vấn đề tài chính giữa Nhà nước với nhà đầu tư ra sao trong trường hợp nhà đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, trường hợp chi cho công tác giải phóng mặt bằng?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Về thu hồi đất đã có quy định cụ thể, vấn đề là xử lý thế nào. Thực tế trong thời gian vừa qua, từ 2010 trở về trước, nền kinh tế chúng ta phát triển mạnh, đất đai được huy động cho yêu cầu phát triển rất lớn. Ngoài kết quả đã đạt được, tình hình lãng phí đất đai là bức xúc, đặc biệt là những dự án mà các nhà đầu tư do điều kiện này điều kiện khác, chưa thực hiện được dự án, nhất là trong điều kiện khó khăn hiện nay thì cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tình trạng này diễn ra ở khá nhiều địa phương.
Hiện nay chúng tôi đang tổng hợp tình hình này từ các địa phương, sau đó có tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có biện pháp xử lý. Thực tế hiện nay địa phương khá lúng túng nhưng cũng đã bắt đầu giải quyết trên cơ sở của luật.
Còn những câu hỏi các đại biểu đã hỏi thì với trách nhiệm sau này chúng tôi sẽ trả lời, giờ trình tự thủ tục như thế nào, có những công trình đã làm cái này cái kia. Theo luật thì giờ thu lại ta phải bồi thường, tôi cho rằng tới đây chúng ta nên quy định khi các nhà đầu tư nhận đất mà quá thời gian không thực hiện dự án thì nên thu hồi đất không có bồi thường.
Xin hứa với đại biểu là sau khi có tổng hợp, chúng tôi sẽ có kiến nghị và Thủ tướng sẽ có chỉ thị về vấn đề này để có hướng xử lý.
** Bắt đầu phiên làm việc sáng 13/6,Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khái quát một số nội dung đã được bàn thảo trong các phiên làm việc của kỳ họp thứ 3.
Liên quan đến chất vấn và trả lời chất vấn, 5 thành viên Chính phủ, gồm Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 4 Bộ trưởng: Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch- Đầu tư, Công Thương và Công an tham gia trả lời chất vấn.
Đến nay có 149 câu hỏi dành cho 19 Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo Chính phủ, và có 1 câu hỏi dành cho Chủ tịch Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chất vấn là dịp để các đại biểu thay mặt cử tri đặt câu hỏi để các vị Bộ trưởng, trưởng ngành, người đứng đầu cơ quan hữu quan thấy rõ trách nhiệm và đưa ra được giải pháp giải quyết tích cực, tạo ra sự chuyển biến.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, vấn đề đặt ra rất toàn diện, nhiều vấn đề nổi lên cần có thời gian giải quyết, phối hợp trả lời. Tại các phiên chất vấn, Quốc hội sẽ nghe báo cáo giải trình thêm cũng như chất vấn trực tiếp về các vấn đề liên quan.
Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13.
Theo chương trình chất vấn đã được Quốc hội thống nhất, trọn buổi sáng 13/6 sẽ được dành cho Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang để giải trình về việc quản lý đất đai đền bù giải phóng mặt bằng; những giải pháp khắc phục của Bộ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng sẽ giải trình về vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, cơ sở chế biến ngày càng trầm trọng, nạn phá rừng khai thác khoáng sản trái phép, tự phát diễn biến ngày càng phức tạp; trách nhiệm của Bộ trong quản lý, điều hành cũng là một nội dung được đưa ra chất vấn.
Đến thời điểm này, Bộ trưởng TN-MT nhận 24 câu hỏi chất vấn, trong đó có hai đại biểu muốn chất vấn Bộ trưởng về những khúc mắc khiến Đan Mạch tạm dừng 3 dự án ODA về ứng phó biến đổi khí hậu.
Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Xây dựng, NN&PTNT… được chỉ định chuẩn bị để “hỗ trợ” ông Quang trong các vấn đề liên quan.