“Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là nhiệm vụ lịch sử cao cả, là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 đã đề ra, vì đất nước giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân, vì lợi ích của toàn dân tộc”. Đây là đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với Ban chỉ đạo Đề án tại phiên họp lần thứ 3 tổ chức chiều 31/5 tại Hà Nội.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả triển khai các kết luận sau phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. Với 15 vấn đề rất quan trọng trong Đề án đã cơ bản đạt được đồng thuận cao về hướng giải quyết, trong đó có một số vấn đề liên quan tiếp tục được tập trung cho ý kiến, thảo luận kỹ lưỡng, thống nhất trong Ban Chỉ đạo tại phiên họp lần này, nhất là tầm nhìn từ năm 2030 đến năm 2045.

Các ý kiến phát biểu cũng tập trung thảo luận về năm vấn đề dự kiến cần xin ý kiến Bộ Chính trị bàn bạc, thống nhất triển khai các công việc trong thời gian tới. Nội dung đóng góp cũng tập trung nêu rõ về một số vấn đề đã được tiếp thu, giải trình; tính hợp lý, thuyết phục của các vấn đề quan trọng được đưa vào dự thảo Đề án; đề xuất bổ sung, chỉnh sửa, phân tích, làm rõ hơn một số nội dung; cho ý kiến về bố cục, văn phong, nội hàm, nội dung dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình Trung ương để hoàn thiện dự thảo đạt chất lượng cao.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân phúc đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Tổ biên tập và Ban Nội chính Trung ương, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học trong hơn một tháng qua để trình Ban chỉ đạo. Đánh giá cao và cơ bản thống nhất với ý kiến phát biểu tại phiên họp. Trên cơ sở ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước nêu rõ, Dự thảo Đề án đã thể hiện rõ nét, nhất quán tinh thần mà Ban Chỉ đạo đã quán triệt, đó là việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững định hướng XHCN và nhằm bảo đảm thực hiện dân chủ XHCN ngày càng tốt hơn. Đề án cần phản ánh đầy đủ ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân, đảm bảo thực thi các quyền lợi chính đáng của nhân dân theo sát tinh thần và nội dung Hiến pháp năm 2013 nhất là đến giai đoạn 2030.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải là bộ máy không muốn, không thể, không dám tham nhũng; việc xây dựng thể chế, chính sách pháp luật để Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một cấu trúc nói không với lãng phí. Thứ hai là tình trạng quan liêu, cửa quyền, vô cảm cho nên yêu cầu bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải là một cấu trúc minh bạch, đề cao trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu từ Trung ương đến địa phương trong tất cả các ngành, các cấp. Tôi đề nghị là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của chúng ta chủ động hội nhập quốc tế với tinh thần hội nhập, hòa nhập nhưng không hòa tan, gìn giữ bản sắc văn hóa, đề cao giá trị truyền thống, lịch sử, hướng về cội nguồn và giữ gìn các chuẩn mực đạo đức xã hội”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, bất kỳ sự cải cách, đổi mới nào cũng có những rào cản cần phải vượt qua, trong đó rào cản liên quan đến lợi ích cục bộ thường là rất lớn, rất khó khăn. Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là nhiệm vụ lịch sử cao cả, là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị (theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra), vì đất nước giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân, vì lợi ích của toàn dân tộc. Do đó khi bàn về những chính sách, quan điểm cải cách, đổi mới có ảnh hưởng đến lợi ích cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cần đặt lợi ích đại cục của quốc gia, dân tộc, nhân dân là trên hết. Đồng thời cần quán triệt sâu sắc quan điểm quyền lực nhà nước là của nhân dân, do nhân dân giao phó.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Điểm then chốt quyết định thành bại của Nhà nước Pháp quyền chính là mức độ tham gia, tiếng nói của nhân dân trong mọi khía cạnh đời sống của đất nước, của bộ máy nhà nước. Cho nên có thể nói đột phá then chốt nhất của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chính là giải phóng nguồn lực con người, phát huy tốt nhất nguồn lực này sẽ tạo tiền đề, nền tảng cho việc giải phóng mọi nguồn lực tạo ra sức mạnh tổng hợp đưa đất nước và dân tộc hướng tới tầm nhìn 2045 về một Việt Nam tự cường và thịnh vượng”.

Chủ tịch nước lưu ý cần quán triệt tinh thần này trong quá trình xây dựng Đề án, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, với tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ để thống nhất và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã giao./.