Từ sáng sớm, cựu chiến binh Lê Minh Thoa cùng một số đồng đội đã có mặt tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma. Đã 33 năm trôi qua nhưng khi về nơi đây, ký ức bi tráng lại ùa về trong anh. Ngày đó, Lê Minh Thoa là nhân viên máy tàu HQ 604, thuộc đoàn 125, có nhiệm vụ chở bộ đội và vật liệu ra xây dựng đảo. Các chiến sĩ Hải quân đang xây dựng các công trình tại quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc dùng tàu chiến, pháo tấn công bất ngờ. 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó, có 45 cán bộ, chiến sĩ thuộc tàu HQ 604.
Ông Lê Minh Thoa cho biết, cứ đến dịp 14/3, ông lại từ quê nhà tỉnh Bình Định vào Khu tưởng niệm viếng thăm đồng đội: “Sáng ngày 14/3, pháo bắn rất ác liệt, rồi lính dùng xuồng đổ bộ, bắn xối xả. Bộ đội ta lúc đó chỉ nhận nhiệm vụ ra để xây dựng đảo thôi. Đến đây, tôi nhìn những tượng đài, những tấm ảnh cũ này, tôi nhớ đến đồng đội rất nhiều”.
Ngoài các cựu chiến binh, chúng tôi còn gặp bà Đỗ Thị Hà, là vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh. 33 năm trước, liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh hy sinh khi con gái còn đang lẫm chẫm. Ngoài ngày giỗ thì vào các ngày Rằm, Mồng Một, Tết... bà Hà đều đến đây thắp hương cho chồng và đồng đội của chồng: “Mỗi lần tới đây, trong lòng tôi đều rất nghẹn ngào, xúc động. Từ khi có khu tưởng niệm, tới ngày lễ, giỗ, Tết, tôi đều tới thắp hương để vơi đi bớt nỗi nhớ trong lòng, để an ủi chính mình”.
Tâm trạng của ông Thoa và bà Hà cũng là tâm trạng của rất nhiều cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ khi đến Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma. Mới đây, di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị cũng đã được tìm thấy, được Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gắn lên bức tường tại bảo tàng ngầm. Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã đón hàng vạn người dân cùng nhiều thân nhân liệt sĩ đến dâng hương, tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam trong sự kiện bảo vệ Gạc Ma.
Ông Trần Thanh Hải cho biết thêm, Khu tưởng niệm này sẽ tiếp tục được giữ gìn, tôn tạo để nhắc nhở với muôn đời sau về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc: “Ngoài những công trình hiện hữu lớn đã có như vòng tròn bất tử, tượng đài, chúng tôi còn mong muốn sẽ tạo nên một Trường Sa thu nhỏ ở khu vực này để nhân dân Việt Nam nếu không có điều kiện đi thăm Trường Sa, họ đến khu vực này, họ sẽ hình dung một cách đầy đủ về toàn thể khu vực quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc”./.