“Việt Nam bước vào năm 2020 trong vai trò Chủ tịch của ASEAN. Năm 2020 rất khác biệt so với các năm trước đây. Khác biệt lớn nhất là COVID-19 xuất hiện, một đại dịch mà không một quốc gia nào có thể lường trước được. COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ASEAN bởi những lĩnh vực của ASEAN đòi hỏi phải tổ chức hội nghị các cấp với nhiều mức độ để thảo luận, trao đổi và định hướng cho các hoạt động của ASEAN”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo giới chiều 24/12.
Theo Phó Thủ tướng, về mặt thực tế, điều này ảnh hưởng rất lớn đến vai trò của Chủ tịch ASEAN, song năm 2020, Việt Nam vẫn hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN. Đây là đánh giá của cộng đồng quốc tế, các nước ASEAN và dư luận.
Cụ thể, Việt Nam đã đưa ra chủ đề đúng đắn đối với tình hình, đó là "Gắn kết và chủ động thích ứng". Chủ đề nêu rõ mục tiêu tăng cường vai trò trung tâm, đoàn kết của ASEAN, đồng thời cũng là sự thích ứng nhanh chóng của cả khối ASEAN đối với tình hình thế giới bên ngoài, khu vực cũng như với từng nước. Việt Nam cũng đảm bảo toàn bộ nội dung của năm Chủ tịch ASEAN 2020 đề ra thực hiện được, trong đó có nội dung xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Đến nay, Việt Nam đã thông qua được trên 80 văn kiện, tập trung vào: Xây dựng Cộng đồng ASEAN, thể hiện qua việc thúc đẩy đánh giá về kiểm điểm giữa kỳ Kế hoạch tổng thể của ASEAN đến năm 2025; rà soát lại Hiến chương ASEAN; xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025. Cùng với đó, trong năm 2020, Việt Nam dự kiến có 32 sáng kiến đề ra, đến nay 28 sáng kiến đã được đưa vào văn kiện. Đây là thành công của một nước Chủ tịch ASEAN khi các sáng kiến do nước Chủ tịch đưa ra đáp ứng được quan tâm chung của các nước ASEAN, đồng thời thích ứng được với tình hình thực tế.
“Một điều đặc biệt, ASEAN đã thích ứng được với tình hình mới trong năm 2020. ASEAN là một trong số ít tổ chức khu vực đã thích ứng rất nhanh với tình hình dịch COVID-19. Chúng ta đã tổ chức được các hội nghị đặc biệt trong các khuôn khổ: ASEAN, ASEAN với các đối tác, để ứng phó với COVID-19 và đưa ra được 4 nội dung quan trọng.
Đó là, xây dựng được Quỹ ASEAN ứng phó với dịch COVID-19; Kho dự trữ vật tư y tế khu vực; các kịch bản ứng phó với COVID-19; chương trình, kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế ASEAN cho giai đoạn sau đại dịch COVID-19. Có thể nói, Việt Nam, với vai trò Chủ tịch ASEAN đã thích ứng rất nhanh để đáp ứng được với COVID-19”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, một dấu ấn nữa với năm Chủ tịch ASEAN 2020 là Việt Nam đã chuyển đổi phương thức họp, làm việc. Thông thường, hàng năm, các hội nghị của ASEAN lên đến trên hàng trăm cuộc. Năm 2020, do dịch COVID-19 nên không thể họp trực tiếp được, do đó, Việt Nam đã tổ chức trên 550 cuộc họp trực tuyến, trong đó có 20 cuộc họp cấp cao thường xuyên, thường niên như Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, lần thứ 37 và các cuộc họp cấp cao liên quan với các đối tác đặc thù; cùng với đó là 70 cuộc họp cấp Bộ trưởng.
Việc chuyển đổi phương thức họp được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo tất cả các cuộc họp của ASEAN được tổ chức theo đúng kế hoạch, trên tất cả các lĩnh vực ở cả ba trụ cột: Chính trị- an ninh, quốc phòng, kinh tế và văn hóa-xã hội.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cũng đưa những nội dung mới vào khuôn khổ ASEAN như: Nêu cao vai trò của phụ nữ khi lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN. Đây cũng là vấn đề xuyên suốt của Việt Nam khi tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương tại ASEAN, Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng tăng cường trao đổi những vấn đề kết nối của ASEAN với các tiểu khu vực, cụ thể là hợp tác của ASEAN với các nước khu vực Mekong./.