Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 126/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia (CTANQG) về xác lập công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; lực lượng bảo vệ, nội dung bảo vệ CTANQG và trách nhiệm của các cấp, các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ CTANQG.

CTANQG là cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; là nơi tập trung lưu giữ, bảo quản nhiều hồ sơ tài liệu, mẫu vật, hiện vật thuộc danh mục bí mật nhà nước hoặc có giá trị đặc biệt quan trọng về chính trị-ngoại giao, văn hóa-lịch sử... hoặc là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động nghiên cứu, hoạch định chủ trương, chính sách thuộc phạm vi bí mật nhà nước; là nơi bảo quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường sinh thái; là công trình đòi hỏi phải áp dụng các công tác bảo vệ đặc biệt, tuyệt đối an toàn trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng... Hành lang bảo vệ CTANQG là giới hạn phần trên không, phần mặt đất, mặt nước, dưới mặt đất, dưới mặt nước xung quanh các CTANQG.

Các cơ quan có thẩm quyền phải giám sát việc thực hiện các nội dung về bảo đảm an ninh, an toàn cho CTANQG trong quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng. Trường hợp có sự thay đổi về quy hoạch, thiết kế hoặc cải tạo nâng cấp công trình thì phải có đề án cụ thể của thủ trưởng cơ quan chủ quản công trình và phải được phép của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đối với các CTANQG do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý). Trong phạm vi hành lang bảo vệ CTANQG, tuyệt đối nghiêm cấm: Xây dựng nhà ở, công trình kinh tế, dân sinh; sử dụng lửa, vật liệu nổ, thiết bị, các vật liệu dễ gây cháy, gây nổ, vật thể bay mang lửa; canh tác nông, lâm, ngư nghiệp trong phạm vi 500 mét tính từ chân CTANQG; thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản; săn bắn, nổ mìn; neo đậu các phương tiện vận chuyển. Trong phạm vi hành lang bảo vệ CTANQG được phép xây dựng: các công trình phục vụ trực tiếp các hoạt động của CTANQG (hạ tầng giao thông vừa và nhỏ, phục vụ phòng, chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ); các công trình thủy nông vừa và nhỏ.

Lực lượng bảo vệ CTANQG do Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập (tùy thuộc vào CTANQG do Bộ đó trực tiếp quản lý). Người làm bảo vệ của cơ quan, tổ chức quản lý CTANQG phải đủ từ 18 tuổi trở lên, có trình độ học vấn từ trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên; có lý lịch rõ ràng và năng lực hành vi dân sự đầy đủ, phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án, tiền sự; có sức khỏe bảo đảm thực hiện nhiệm vụ và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của công tác bảo vệ CTANQG. Cán bộ, nhân viên của lực lượng bảo vệ CTANQG có thành tích được khen thưởng, được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định pháp luật; nếu bị thương, hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ, dũng cảm đấu tranh bảo vệ CTANQG thì được công nhận là thương binh, liệt sỹ./.