Công cuộc phòng, chống tham nhũng đang đi vào giai đoạn quyết định. Việc công khai, minh bạch các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thời gian qua được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, tính công khai chính là "thanh bảo kiếm" để chữa lành những vết thương. Bên cạnh đó, tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, công tác thông tin tuyên truyền có vai trò rất quan trọng, đóng góp rất lớn vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng; cần tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí, phát huy vai trò giám sát của báo chí.
Ông Nguyễn Viết Chức. |
Chưa bao giờ, những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm của các tổ chức, cá nhân trong Đảng lại được nhân dân đón nhận nhiệt thành như thời gian qua. Nó góp phần giải tỏa những bức xúc trong dư luận xã hội, đồng thời chứng minh rằng, cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng đang phát huy cao độ vai trò của mình, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Việc công khai kết luận kiểm tra của Đảng cũng cho thấy, Đảng nói đi đôi với làm, biến Nghị quyết Trung ương 4 thành hành động cụ thể chứ không chỉ dừng ở mức kiểm điểm, tự phê bình trong nội bộ tổ chức Đảng. Đặc biệt, sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là những bước đi cụ thể, tiếp theo của cơ quan chức năng nhằm xử lý đúng người, đúng tội.
Kinh nghiệm được rút ra từ các cuộc kiểm tra thời gian qua là tận dụng tối đa các kênh thông tin như: báo chí, dư luận xã hội, qua kiến nghị của nhân dân, việc nắm tình hình ở các địa bàn. Sau khi có thông tin thì cơ quan kiểm tra của Đảng kịp thời, chủ động, quyết liệt, toàn diện nhưng thận trọng, công tâm, khách quan trong việc phát hiện những sai phạm và kiên quyết kiểm tra, xử lý.
Thực tế cho thấy, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn thời gian qua hầu hết đều xảy ra ở các ngành, các địa phương, nhưng lại không phải do người của ngành hoặc các cơ quan chức năng ở địa phương phát hiện, mà hầu hết là do quần chúng nhân dân và đặc biệt là do báo chí phát hiện, vào cuộc.
“Dư luận đặt vấn đề địa phương chống tham nhũng yếu hơn Trung ương”
Ông Hà Văn Tăng, đảng viên ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng: “Cần phải khơi dậy tính tích cực trong quần chúng, đấu tranh chống tham nhũng trong toàn dân. Trên phải làm gương thì ở dưới mới theo được. Đồng thời, báo chí phải xung trận một cách tích cực, mạnh mẽ hơn và làm chính xác chứ nếu không sẽ nhiễu thông tin thì rất phức tạp”.
Tại phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, công tác thông tin tuyên truyền có vai trò rất quan trọng, đóng góp rất lớn vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng; cần tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm tính công khai và phát huy vai trò của báo chí tham gia giám sát.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí phải thông tin đúng, chuẩn xác, góp phần thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời đấu tranh phản bác những thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt.
Tiến sĩ Đào Duy Quát. |
“Báo chí cách mạng có chức năng là diễn đàn của nhân dân. Hiện nay thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 thì toàn bộ hệ thống báo Đảng phải thực sự là diễn đàn để góp ý thực hiện xây dựng Đảng” – ông Đào Duy Quát nói.
Thực tế đã chứng minh, báo chí, truyền thông có vai trò rất to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào báo chí, nhà báo cũng được tạo điều kiện để tham gia công tác này. Bởi vậy, theo ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí cần có chỗ dựa, có niềm tin để chống tham nhũng thông qua ngòi bút của mình.
“Phải có giải pháp để nhà báo chống tham nhũng gặp nhiều cản trở có chỗ dựa vững chắc để luôn giữ được tinh thần chiến đấu. Khi báo chí lên tiếng thì những đơn vị như Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương quan tâm xử lý mới có kết quả” – ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh./.
“Kiến nghị miễn nhiệm chức vụ của bà Hồ Thị Kim Thoa là thỏa đáng“