Hôm nay 23/11, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và các đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại thành phố Đà Lạt sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo với cử tri về kết quả Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, trong đó có hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.

Các cử tri Lâm Đồng đã nêu ý kiến, kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội cần quan tâm tạo điều kiện về những vấn đề khởi nghiệp của thanh niên, ngăn chặn tệ nạn xã hội trong thanh niên. Liên quan đến vấn đề nông nghiệp- nông dân-nông thôn, cử tri kiến nghị Quốc hội cần có tổng kết, đánh giá, điều chỉnh các nghị quyết đã hết hiệu lực. Đề nghị Quốc hội quan tâm điều chỉnh bổ sung chính sách cho cán bộ không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố. Cần có cơ chế cho người dân tộc thiểu số dự thi công chức, viên chức.

Vấn đề đất nông – lâm nghiệp cần được Quốc hội, Chính phủ quan tâm có cơ chế phù hợp để người dân sử dụng đất lâm nghiệp lâu năm có thể được cấp giấy chứng nhận, tạo điều kiện vay vốn, phát triển sản xuất. Đối với nhà kính, nhà lưới trong phát triển nông nghiệp cần có quy định, định hướng cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan đô thị. Hiện Quốc lộ 27 đã xuống cấp nghiêm trọng đề nghị Quốc hội quan tâm đầu tư vốn nâng cấp, sửa chữa. Đồng thời tỉnh cần có giải pháp giảm thiểu kẹt xe trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương, ghi nhận các ý kiến của các cử tri, đồng thời giải đáp các vấn đề về khởi nghiệp của thanh niên, chính sách của Chính phủ về xây dựng nông nghiệp, nông thôn và nông dân; chính sách sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số, phát triển nông nghiệp gắn với công nghệ cao; xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp.

Bà Trương Thị Mai cho biết: “Đầu tháng 12 này sẽ có một Hội nghị toàn quốc trực tuyến về bảo hiểm nông nghiệp đã được tổ chức thí điểm năm 2011. Cây lúa hiện nay có hơn 200.000 hộ nông dân tham gia bảo hiểm cây lúa. Về vật nuôi có hơn 60.000 hộ nông dân tham gia bảo hiểm vật nuôi, về thủy sản có hơn 7.000 hộ và hiện nay đã tổng kết thí điểm. Sau tổng kết thí điểm thì Chính phủ hiện nay đã có Nghị định 58 ban hành ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp và đã có hiệu lực. Tuy nhiên tôi đề nghị Lâm Đồng nghiên cứu kỹ Nghị định 58 xem có cách nào giúp cho nông dân tham gia vào hệ thống bảo hiểm, có bảo hiểm rồi thì cuộc sống đảm bảo hơn, có rủi ro là có đảm bảo còn không có bảo hiểm thì người nông dân tự gánh chịu”./.