Nhân dịp kỷ niệm 53 năm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - (8/8/1967-8/8/2020) và 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2020), phóng viên Đài TNVN có cuộc phỏng vấn Đại sứ Na Uy tại ASEAN Morten Hoglund về những thành tựu, cơ hội và thách thức của ASEAN sau hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển; cũng như vị thế và vai trò của Việt Nam trong ASEAN.
Cơ chế đối thoại và hợp tác hiệu quả
PV: Đại sứ đánh giá thế nào về mô hình phát triển của ASEAN cũng như những thành tựu của ASEAN trong hơn 50 năm qua? Thách thức trước mắt của ASEAN là gì và Đại sứ có đề xuất giải pháp nào giúp ASEAN vượt qua những thách thức này không?
Đại sứ Hoglund: Cộng đồng ASEAN phát triển theo mô hình đồng thuận và xây dựng từng bước. Điều này rất đáng ngưỡng mộ bởi nó đem lại sự hài hoà nhất định. Tuy nhiên, cần hội nhập nhiều hơn nữa. Đây là vấn đề của toàn thế giới cũng như của ASEAN. Những thách thức nội khối và ngoại khối đã tác động nhất định tới các phản ứng của ASEAN.
Trong số những thành tựu ASEAN đạt được trong hơn 50 năm qua, điều tôi ấn tượng nhất là việc Hiệp hội đã thành lập và duy trì được một cơ chế đối thoại và hợp tác hoà bình giữa các quốc gia thành viên và các cường quốc lớn nhất thế giới. Các cơ chế do ASEAN dẫn dắt được biết đến rộng rãi và được sử dụng vì lợi ích của người dân trong cộng đồng ASEAN và trên toàn thế giới. ASEAN đã đạt được những kết quả cụ thể rất đáng khích lệ về phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế và giáo dục trong vài năm trở lại đây. Thực sự, đây là một thành tích quan trọng của ASEAN nhất là trong bối cảnh những khác biệt về hệ thống chính trị, sự đa dạng về tôn giáo và văn hoá giữa các nước thành viên.
Tất nhiên, thách thức luôn tồn tại! Covid-19 hiện vẫn là thách thức lớn nhất hiện nay đối với ASEAN và toàn thế giới. Để đẩy lùi nó, chúng ta cần sát cánh bên nhau, cần xây dựng một hệ thống y tế mạnh mẽ và phát triển vắc xin phòng ngừa có khả năng chi trả và được phân phối công bằng cho tất cả mọi người.
Môi trường và biến đổi khí hậu cũng đang là quan ngại của tất cả mọi người. Tôi cho rằng, ASEAN nên chú trọng hơn nữa tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) cũng như chuyển đổi năng lượng. Đây sẽ là cơ hội giúp chúng ta giải quyết các thách thức này.
Tôi luôn tin rằng công nghệ hiện đại, giáo dục được cải thiện, đổi mới sáng tạo với các giải pháp số được sử dụng nhiều hơn sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng ASEAN và hơn thế nữa. Đây sẽ là những giải pháp giúp chúng ta vượt qua trở ngại, tạo thêm việc làm cho mọi người và giúp khu vực phát triển. Để thúc đẩy quá trình số hoá, điều quan trọng là phải thu hẹp khoảng cách số hiện tại trong khối ASEAN và ở những khu vực khác trên thế giới. Khoảng cách giữa những người có kết nối và không được kết nối sẽ là điều chúng ta cần phải vượt qua.
Tạo một sân chơi công bằng cho giáo dục và sự tham gia vào thị trường lao động cũng là điều chúng ta cần nghĩ tới, bên cạnh các vấn đề có tính giải pháp khác như xây dựng năng lực, đào tạo và giáo dục theo các phương thức không ai bị bỏ lại phía sau.
Mặc dù vậy, tôi tin rằng, ASEAN đang ở một vị thế rất tốt để trở thành khu vực đi đầu trong tương lai.
Na Uy kỳ vọng hợp tác với ASEAN
PV: Đại sứ đánh giá thế nào về hợp tác giữa ASEAN và Na Uy trong thời gian qua? Trọng tâm hợp tác trong thời gian tới sẽ là gì, thưa Đại sứ?
Đại sứ Hoglund: Năm nay, Na Uy và ASEAN kỷ niệm tròn 5 năm quan hệ đối tác đối thoại. 5 năm là một chặng đường bận rộn, thú vị, nhiều thách thức và cũng nhiều điều để học hỏi ít nhất là đối với đất nước tôi. Năm nay hợp tác ASEAN-Na Uy tập trung vào rất nhiều vấn đề trong đó có SGD, môi trường kể cả biến đổi khí hậu và rác thải nhựa trên biển...
Với vai trò kép của Việt Nam, chúng tôi nhận thấy một quan hệ đối tác mạnh mẽ trong lĩnh vực hoà bình và an ninh, kể cả tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình đó. Tôi rất vui vì Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức một sự kiện về phụ nữ, hoà bình và an ninh vào cuối năm nay, với sự tham gia của Nhóm Phụ nữ ASEAN vì Hoà bình. Na Uy cũng được cùng tham gia chuẩn bị cho sự kiện này.
Chúng ta cũng phối hợp với nhau trong các vấn đề giáo dục, phát triển kinh doanh, nâng cao năng lực, giải quyết khoảng cách phát triển và nhiều vấn đề sắp tới. Na Uy cũng muốn tham gia nhiều hơn với ASEAN trong các vấn đề hàng hải, lâm nghiệp, ô nhiễm, việc làm và Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA). Không có giới hạn cho sự hợp tác của chúng ta, nhưng trọng tâm hợp tác sẽ vì lợi ích chung của ASEAN - Na Uy. Chúng tôi rất biết ơn sự hợp tác tích cực mà Na Uy hiện có với Việt Nam và các thành viên ASEAN, cũng như sự quan tâm mạnh mẽ tới việc đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác này.
Khu vực cần các quốc gia như Việt Nam!
PV: Thưa Đại sứ, trong năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò kép: Chủ tịch luân phiên của ASEAN và uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Đại sứ đánh giá thế nào về những gì Việt Nam thể hiện trong vai trò này từ đầu năm tới nay?
Đại sứ Hoglund: Trước tiên, xin chúc mừng Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm gia nhập ASEAN, 1995-2020. Phải nói đây là một năm rất bận rộn và có lẽ là thách thức nhất đối với Việt Nam trong vai trò kép này.
Covid-19 đã làm đảo lộn cả thế giới và khiến chúng ta phải ở trong một hoàn cảnh chưa từng có. Mọi thứ đều thay đổi, kể cả hoạt động ngoại giao. Song, thật tuyệt vời khi thấy Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN và trong điều kiện khó khăn đã thể hiện rất tốt vai trò của mình để khuyến khích các nước thành viên đóng góp phần mình, đảm bảo ASEAN luôn đi đúng hướng, các cơ chế khu vực được sử dụng vì lợi ích của tất cả người dân trong cộng đồng ASEAN.
Thể hiện đúng tinh thần của năm chủ tịch 2020, Việt Nam không chỉ đoàn kết các thành viên Hiệp hội lại với nhau mà còn kết nối với các nước láng giềng, các đối tác trong khu vực Đông Á cũng như trên toàn thế giới tham gia vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt và cùng nhau chống lại đại dịch Covid-19 với quyết tâm cao và rõ ràng, lên kế hoạch thiết lập trạng thái bình thường mới, và vượt qua khủng hoảng sau khi đại dịch kết thúc.
Với tư cách là Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, tôi tin rằng lần đầu tiên Việt Nam đã có thể đưa các thảo luận của ASEAN vào các cuộc họp và nội dung thảo luận của Hội đồng Bảo an vào đầu năm nay. Đây là một thành tựu lớn đánh dấu việc hợp tác ASEAN và LHQ, đặc biệt trong các chương trình nghị sự về hoà bình và an ninh - những lĩnh vực mà Việt Nam đang đóng vai trò hết sức chủ động.
Trên phạm vi toàn cầu, có thể thấy việc Việt Nam đảm nhận cùng một lúc hai vai trò quan trọng này thực sự sẽ đem lại nhiều lợi ích cho tất cả chúng ta.
PV: Theo Đại sứ, Việt Nam cần tập trung vào những chiến lược và vấn đề nào để tiếp tục tăng cường vai trò của mình trong ASEAN cũng như đẩy mạnh hơn nữa hội nhập quốc tế trong thời gian tới?
Đại sứ Hoglund: Việt Nam đang rất tích cực trong các vấn đề hoà bình, ổn định và an ninh - đây chính là vai trò mà tôi tin rằng Việt Nam sẽ và nên tiếp tục tập trung hơn nữa trong thời gian tới. Đây là những vấn đề quan trọng cần có sự dẫn dắt và định hướng đúng đắn. Sự kỳ vọng của các thành viên trong Hiệp hội cũng như của các đối tác ASEAN đã cho thấy mức độ tin tưởng của cộng đồng quốc tế và khu vực vào năng lực ngoại giao của Việt Nam.
Nói đến các quan hệ đa phương, Việt Nam là một thành viên tích cực và tin cậy của LHQ, đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực của LHQ đồng thời ngày càng trở thành một thành viên chủ chốt của ASEAN. Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng và ủng hộ mạnh mẽ hệ thống đa phương và một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp nhất là trong các vấn đề hoà bình và an ninh. Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi nó không chỉ khẳng định lập trường trước sau như một của Việt Nam mà còn giúp củng cố chủ nghĩa đa phương vào thời điểm mà cả thế giới đang rất cần đến xu hướng này.
Tôi cũng mong Việt Nam sẽ tập trung hơn nữa vào các vấn đề hoà bình và an ninh trong khu vực và toàn thế giới, đặc biệt là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các tiến trình hoà bình, an ninh và hoà giải. Phụ nữ là đại diện cho một nửa dân số, vì thế cần tham gia vào mọi nỗ lực hoà bình, không phải với tư cách là nạn nhân mà là các nhân tố đóng góp cho tiến trình, có như vậy, chúng ta mới đạt được nền hoà bình bền vững và lâu dài.
Thương mại quốc tế cũng là một vấn đề mà các nước đang chịu nhiều ảnh hưởng. Đã có những bất đồng xảy ra giữa các nước lớn trên thế giới vì nhiều nguyên do. Trong khi, đại dịch Covid-19 đã khiến cho các xu hướng bảo hộ và rào cản thương mại ngày càng phổ biến hơn. Chúng ta cần những quốc gia có chung niềm tin vào tự do thương mại như Việt Nam để từ đó có thể đảm nhận vai trò dẫn dắt trong khu vực và trên toàn cầu đồng thời hợp tác hiệu quả với các quốc gia có cùng quan điểm.
Nếu chúng ta đặt ra mục tiêu vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, thiết lập được trạng thái mới tốt đẹp hơn về nhiều mặt như biến đổi khí hậu, thương mại hay đói nghèo, chúng ta thực sự rất cần sự tham gia và đóng góp của các quốc gia như Việt Nam.
PV: Xin cám ơn Đại sứ!./.