Lời dẫn: Tiếp chuyện chúng tôi, chị Phan Thuý Hằng, Hội phụ nữ xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hoá tỉnh Long An rơm rớm nước mắt, kể rằng năm nào đến ngày giỗ “các anh”, Hội phụ nữ của xã, cùng bà con gần xa, đều tổ chức nấu cơm cúng nơi đền thờ, gần nơi “các anh” hy sinh.

“CÁC ANH” là cách nói của bà con xã Thạnh Phước gọi các liệt sĩ của trung đoàn 207 quân khu Tám (miền Trung Nam Bộ) hy sinh ngày 3/10/1973 (tức ngày 8 tháng 9 âm lịch) tại một vùng rừng tràm ven rạch Đá Biên gần lộ 62 từ Long An về Đồng Tháp… Những cán bộ của xã Thạnh Phước hôm nay, chỉ nghe cha anh kể lại nhưng mỗi lần nhắc đến, là một lần nghẹn ngào. Ngay ông Tư Tờ (Nguyễn Văn Tờ, người ấp Đá Biên), người đầu tiên lượm lặt xương cốt các anh, đắp thành cái gò rồi lập miếu thờ, ngày ấy cũng mới 12-13 tuổi…

img_1437_xfvs.jpg
Chị Phan Thuy Hằng, Hội phụ nữ xã Thạnh Phước.

Trận đánh không cân sức ấy trong cuốn “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Hà Nội (2010) tập 2 cũng không thấy ghi, mặc dù phần nói về Khu 8 có nói rằng đây là nơi quân nguỵ quyết liệt càn quét, bình định, giành dân chiếm đất trong thời gian sau Hiệp định Paris. Và trung đoàn 207, với lớp chiến sĩ mới nhập ngũ năm 1972, phần lớn là sinh viên đại học Xây Dựng Hà Nội, được bổ sung về khu 8 trong hoàn cảnh ta kiên quyết đánh địch lấn chiếm, tiến đến mở rộng thêm vùng giải phóng.

Trung đoàn vượt sông Vàm Cỏ Tây, vượt qua nhiều kênh rạch chằng chịt khác “Ba đêm ròng rã vượt qua đồng Ba Thu” (văn bia trong đền thờ) tìm cách vượt qua lộ 62 để đi tiếp, thì phát hiện có địch, nên quay lại tìm chỗ trú quân. Đêm tối, giao liên không thuộc địa hình, lại không liên lạc được với du kích địa phương. Hai tiểu đoàn của trung đoàn trú trong một đám rừng tràm thưa, hẹp, bốn bề là nước ngập mênh mông. Khoảng 8 giờ sáng ngày 3/10/1973, một chiếc trinh sát OV 10 của địch bay qua, phát hiện thấy dấu vết bộ đội, phóng một quả đạn khói vào giữa đội hình trú quân. Pháo giặc từ 4 trận địa quanh đấy nã vào. Trên trời, trực thăng vũ trang các loại quần đảo, xả súng xuống. Hàng đàn xe lội nước M113 vây tròn xung quanh, tiến hành chà xát… Một trận chiến đấu không cân sức diễn ra ác liệt.

Ngôi đền nhìn từ Rạch Đá Biên.

Bộ đội ta chỉ có súng bộ binh và thủ pháo, tận dụng từng gốc tràm, bụi cỏ, lội nước ngang ngực ngoan cường chiến đấu từ 8 giờ sáng đến mãi chiều tàn, tiếng súng mới im. Gần 200 chiến sĩ thà hy sinh trên đồng đất Tháp Mười, không một ai chịu đầu hàng địch. Đang mùa nước nổi, dân ở xa trong ấp chiến lược, thân xác các anh theo năm tháng chìm dần vào lòng đất… Hoà  bình lập lại, dân chúng khẩn hoang quanh vùng, cố ý khoanh lại một vạt rừng tràm đánh dấu nơi các anh hy sinh. Rồi một đồn mười, mười đồn trăm, dân trong vùng “phong thánh” cho các anh, theo gương ông Tư Tờ gom xương cốt tìm thấy đắp thành cái gò, lập miếu thờ “Cầu được ước thấy”. Giữa đồng nước mênh mông, mỗi mùa nước nổi, ngôi miếu lại chìm dưới nước. Xót lòng, bà con làm đồng qua đấy bỏ vào nắm đất, mấy chiếc máy đào kênh mương góp thêm vài gầu đất, tôn cao dần gò đất.

Phối cảnh Khu tượng niệm các liệt sĩ.

Mãi đến năm 2011, Ban liên lạc cựu binh trung đoàn 207, trong đó có  một vài chiến sĩ bị thương trong trận đánh may mắn sống sót, thân nhân một số liệt sĩ, tìm đến. Mọi người nghẹn ngào không nói lên lời trước tấm lòng của bà con nơi đây đối với những liệt sĩ mà thân xác dù đã tan vào đồng đất, nhưng anh linh vẫn hiển hiện trong cuộc sống thường ngày. Người góp tiền bạc, người góp công sức, Vietin Bank ủng hộ tới 5 tỉ đồng trong tổng số 10 tỉ đồng của dự án xây dựng đền thờ, bia ghi danh và vườn hoa cây cảnh quanh đền thờ… Năm 2013, đền thờ Liệt sĩ trung đoàn 207, dân địa phương quen gọi là “miếu Bắt Bỏ” (theo tên của một con rạch bắt nguồn từ rạch Đá Biên) hoàn thành xây cất giai đoạn 1.

Chúng tôi đến Thạnh Phước vào một buổi sáng cuối tháng 4. Từ ấp Đình, nơi trung tâm của xã, chiếc xuồng máy đưa chúng tôi cắt ngang dòng Vàm Cỏ Tây, qua kênh 79, bắt vào rạch Đá Biên. Trời đất thanh bình quá. Nắng to nhưng gió mát. Ôi cơn gió Tháp Mười phóng khoáng… Hai bên bờ sông rạch là những ruộng lúa, rừng tràm với những đõ ong, những bầy vịt thả đồng kêu lao xao… Mới chỉ nghĩ đến  “đêm tối năm nào các anh lặn lội hành quân qua đây, chưa kịp hưởng  hương đồng gió nội, đã bập vào trận đánh quyết tử, mà lòng thấy nghẹn ngào…

Đài tưởng niệm các liệt si E 207 sẽ hoàn thành trước 3/10/2016.

Cũng ánh nắng ấy, đồng đất này chứng kiến những giờ phút bi tráng của người lính… Thắp nén nhang thơm, gióng lên hồi chuông bi hùng trong đền thờ các anh, lần đọc tên của 172 liệt sĩ, ngắm những di ảnh của một vài liệt sĩ gia đình mang vào đặt trên bàn thờ, đọc những vần thơ của đồng đội nhớ về người đã ngã xuống, nước mắt lại rưng rưng. Dẫn chúng tôi tới thắp hương ở ngôi miếu nhỏ khởi thuỷ của ngôi đền, ông Tư Tờ kể lại: hồi năm ngoái, khi ông Phạm Duy Hoà, Hiệu trưởng trường Đại học Xây Dựng vào viếng mộ liệt sĩ và bàn việc xây tiếp một tượng đài liệt sĩ, cả đoàn đi đều khóc không thành tiếng. Sự hy sinh của các liệt sĩ là không thể bù đắp được. Nhưng ta làm được gì cho “các anh” thì phải làm ngay.

Hiệu trưởng Hoà nói vậy. Phạm Sỹ Công, cựu sinh viên Đại học Xây Dựng, giám đốc Công ty Xây dựng Unicons A (thành phố Hồ Chí Minh) nhận ủng hộ phần móng bê tông cốt thép của tượng đài. Phần móng đã xong và lực lượng thi công đang làm phần thân tượng. Một đường nước sạch cũng đang được gấp rút xây dựng, đưa nước về khu vực đền thờ. Cả hai công trình sẽ xong trước ngày giỗ các anh năm nay.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, hiệu trường trường Đại học Xây Dựng Hà Nội Phạm Duy Hoà cho biết thêm: trước mắt trong năm 2016, nhà trường hoàn thành hai công trình như vậy. Những năm sau, căn cứ vào tình hình địa phương, nhà trường, cũng như các thế hệ sinh viên Đại học Xây Dựng Hà Nội, sẽ xem xét những dự án giúp đỡ địa phương phát triển kinh tế-xã hội.

Đài tưởng niệm các liệt si E 207 sẽ hoàn thành trước 3/10/2016.

Giữa mêng mông Đồng Tháp Mười, nhìn ngôi đền mái ngói đỏ tươi, nhìn ra vệt rừng tràm được bà con lưu lại để ghi dấu, tự dưng trong tôi trào lên câu hát “Việt Nam ơi… Việt Nam ơi… nơi anh ngã xuống… rực cháy lên màu hoa đỏ… rực cháy lên…”

“Trận chiến ấy không như ngàn trận chiến… Vong linh này vẫn giống triệu vong linh”. Vong linh của những liệt sĩ trung đoàn 207 quân khu 8 vẫn quẩn quanh phù hộ cho mảnh đất mẹ yêu thương./.