Trước vụ việc một nữ sinh lớp 7/5, trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) bị 7 bạn đánh hội đồng, ông Phan Thanh Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường vừa chính thức gửi đơn xin từ chức.
Dù chưa có kết quả phê duyệt của UBND Thành phố Trà Vinh nhưng theo thông tin chính thức từ Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh cho biết, ông Phan Thanh Nguyên đã tự nguyện đưa đơn từ chức vì nhận thấy trách nhiệm quản lý trường học yếu kém trong thời gian qua.
Ở nhiều nước trên thế giới, việc một cán bộ lãnh đạo từ chức vì cảm thấy bản thân không làm hết trách nhiệm được giao phó, không còn uy tín... là chuyện không hiếm.
Chắc chúng ta vẫn còn nhớ, sau thảm họa chìm phà Sewol khiến hơn 300 học sinh, giáo viên thiệt mạng và mất tích xảy ra vào hồi tháng 4/2014, nguyên Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won đã nộp đơn từ chức vì cảm thấy có trách nhiệm trước tính mạng của những người đã mất và và sự sống của hàng nghìn người dân nước này. Thậm chí, Phó Hiệu trưởng của trường học đã treo cổ tự tử vì cảm thấy ân hận, chưa làm hết trách nhiệm, cho rằng mình có lỗi trong vụ việc dẫn tới cái chết đau lòng của hàng trăm học sinh.
Việc từ chức, đáng lý là bình thường. Điều này thể hiện tinh thần tự trọng, tự chịu trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo đối với việc làm của mình trước tập thể, đất nước.
Tuy nhiên, việc thày hiệu trưởng ở Trà Vinh xin từ chức vì cảm thấy không làm tròn trách nhiệm quản lý được cho là trường hợp hiếm hoi. Từ trước đến nay, trong ngành Giáo dục, chúng ta mới chỉ chứng kiến trường hợp phòng Giáo dục-Đào tạo quận Hà Đông, Hà Nội đã thực hiện một việc làm hy hữu. Đó là miễn nhiệm 5 hiệu trưởng theo “văn hóa từ chức” xuống làm phó hiệu trưởng và luân chuyển cán bộ đi đơn vị khác do yếu kém về năng lực quản lý, chưa quy tụ được quần chúng, để xảy ra nội bộ mất đoàn kết kéo dài, chất lượng giáo dục không chuyển biến.
Vì thế, thông tin Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh viết đơn xin từ chức đã nhận được ý kiến khác nhau từ dư luận xã hội. Nhiều người cho rằng, vụ việc không được giáo viên hay nhà trường biết đến cho tới tận 2 tháng sau khi clip được đưa lên mạng Internet thì nhà trường mới vào cuộc xem xét, xử lý thì rõ ràng nhà trường thiếu trách nhiệm. Chuyện từ chức của ông Hiệu trưởng đã thể hiện tinh thần cầu thị, dám nhận trách nhiệm, khuyết điểm trong quản lý, điều hành công việc.
Một số người lại bày tỏ sự cảm thông với Ban giám hiệu nhà trường vì học sinh bây giờ quá nghịch ngợm, khó quản lý được. Áp lực giảng dạy, quản lý quá lớn khiến nhiều cán bộ lãnh đạo không thể bao quát hết được công việc nên UBND thành phố Trà Vinh cần xem xét đơn xin từ chức của ông Phan Thanh Nguyên và xử lý vụ việc sao cho hợp lý, có tình.
Song cũng có luồng ý kiến cho rằng, Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng, TP Trà Vinh, tình Trà Vinh viết đơn từ chức là do phải chịu sức ép, áp lực quá lớn từ dư luận xã hội.
Dù ý kiến của dư luận có như thế nào thì việc nộp đơn xin từ chức của Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh cũng là một việc làm đáng để những cán bộ lãnh đạo khác trong ngành Giáo dục suy nghĩ và cần có trách nhiệm hơn đối với chức vụ điều hành, quản lý được giao. Đặc biệt là trong giai đoạn ngành Giáo dục phát động cuộc vận động “Hai không”: Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục; và phong trào “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc học sinh đánh nhau và quay clip đưa lên mạng Internet. Mặc dù ngành Giáo dục đã đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng bạo lực học đường nhưng dường như chưa có tác dụng và đạt hiệu quả. Vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng tại Trà Vinh một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về bạo lực học đường dường như trong tình trạng vượt ngoài tầm kiểm soát. Và phải chăng vụ việc cũng cho thấy, những cán bộ lãnh đạo ngành Giáo dục ở địa phương đang gặp khó khăn trên hành trình rèn luyện nhân cách, lối sống, đạo đức cho học trò?
Liệu chỉ riêng thầy cô và nhà trường có thể gánh vác hết trọng trách “trồng người” được không? Để tạo dựng môi trường giáo dục trong lành, phi bạo lực, chúng ta cần phải làm gì đây khi mà đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng vẫn chưa có tác dụng?./.