Như đã đưa tin, liên quan đến vụ nữ sinh học lớp 7 tại Trà Vinh bị nhóm bạn cùng trường đánh hội, chiều 16/3, Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh chính thức công bố quyết định kỷ luật đối với nhóm học sinh này và những người có trách nhiệm liên quan.
Sau khi công bố quyết định, nhiều độc giả đã gửi ý kiến về VOV.VN bày tỏ quan điểm về hình thức kỷ luật được đưa ra.
Độc giả Kim Thanh Hung cho rằng, vụ việc liên quan đến học sinh xảy ra tại lớp và trường mà các thầy cô giáo không hay biết là một điều vô lý. Vì vậy, quyết định kỷ luật của Sở GD-ĐT Trà Vinh là đúng và hợp lý.
Đồng quan điểm, độc giả có tên là Hồng Ngọc đồng ý với quyết định kỷ luật đối với nhóm học sinh này và những người có trách nhiệm liên quan. Trong đó, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và Tổng phụ trách đội bị tạm đình chỉ công tác 1 tháng để tiến hành kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử lý theo quy định của ngành.
“Hình thức kỷ luật này của Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh mang tính giáo dục rất cao và hợp lý. Việc làm này hy vọng sẽ có tính răn đe và cảnh cáo đối với các học sinh cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm, quản lý học sinh của Ban giám hiệu các trường học trên toàn quốc”.
Độc giả tên Hung bày tỏ, Sở GD-ĐT Trà Vinh đưa ra quyết định kỷ luật đối với nhóm học sinh đánh bạn và những người có trách nhiệm liên quan là rất đúng đắn. Trước tiên, thầy cô giáo phải có trách nhiệm như các ca tử vong tại bệnh viện thì bác sĩ ca trực đó phải là chịu trách nhiệm trước.
Trước khi Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh công bố quyết định kỷ luật đối với nhóm học sinh này và những người có trách nhiệm liên quan, nhiều chuyên giao giáo dục, nhà tâm lý đã có những ý kiến đối với hình thức xử lý đối với các học sinh đánh bạn và vai trò trách nhiệm của trường học.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, vụ việc nữ sinh lớp 7/5, trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) bị 7 bạn đánh hội đồng, nếu dùng biện pháp đình học tập thì chẳng giải quyết tận gốc được sự việc. Vì nếu đình chỉ học tập của những học sinh đánh bạn một vài tháng hay 1 năm thì liệu gia đình và chính quyền địa phương có thể quản lý tốt các em khi ở nhà không hay lại vô tình khiến học sinh đó có cơ hội dễ dàng tiếp xúc với những cái xấu trong xã hội. Đặc biệt, trong số những em đánh bạn có hoàn cảnh gia đình không được trọn vẹn như: bố mẹ bỏ nhau, ly thân…
Còn ThS. Lê Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV), nhà nghiên cứu về giáo dục và phát triển trí tuệ Trẻ em nêu quan điểm: Đuổi học chỉ là hạ sách. Tâm lý học trò lứa tuổi THCS biến động rất phức tạp. Vì thế, nếu bị đuổi học, hậu quả sau đó người lớn khó mà lường được.
Không có giải pháp nào tối ưu cho mọi đối tượng, nhưng với trường hợp cụ thể này, chúng ta có thể giúp học trò theo hướng nhân văn: Cho học trò tham gia các khóa học chuyên dành cho trẻ em như: khóa tu thiền định, khóa tu mùa hè, một ngày niệm phật, khóa học về tình yêu và sự sẻ chia, khóa học về lòng biết ơn...
Mối quan hệ giữa thầy và trò cần thân thiết, gần gũi. Khi thầy cô tạo cho trò cảm giác thầy cô là người bạn lớn của trò, chắc chắn sẽ không có việc: trò đánh nhau mà 2 tháng thầy mới biết.
Tóm lại, một môi trường giáo dục quá dập khuôn, quá nhàm chán, ít biến đổi, quá áp lực cũng là nguyên nhân khiến học rơi vào trạng thái tâm lý đè nén, ức chế và dễ bùng phát thành bạo lực. Muốn học trò sống hòa nhã, nhân ái thì môi trường sống phải luôn cho trẻ thấy được những giá trị nhân văn.
Cần có giải pháp “mạnh” hơn nữa
Bên cạnh những ý kiến bày tỏ quan điểm đồng ý với quyết định kỷ luật đối với nhóm học sinh đánh bạn và những người có trách nhiệm liên quan trong vụ nữ sinh bị đánh hội đồng ở trường THCS Lý Tự Trọng, tỉnh Trà Vinh, nhiều độc giả khác cho rằng, hình thức trên vẫn còn “nhẹ” và cần có giải pháp “mạnh” hơn.
Độc giả Lê Đại Đồng hoan nghênh Sở GD-ĐT Trà Vinh đã vào cuộc giải quyết vụ việc này. Thế nhưng, chúng ta đang sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Dù là ở ngành nghề nào đi chăng nữa thì đều là công dân của Việt Nam thì phải được bình đẳng như nhau. Việc các học sinh tổ chức đánh bạn đã gây hậu quả nghiêm trọng cần phải xử lý theo điều lệ của trường THPT, xử lý theo pháp luật nếu gia đình người bị hại làm đơn yêu cầu. Việc Sở GD-ĐT Trà Vinh giải quyết vụ việc này là chưa đúng điều lệ trường THPT.
Độc giả Chu Minh Tuấn nghĩ rằng, trước tiên về mặt quản lý của nhà trường (Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, Bí thư đoàn...) phải chịu trách nhiệm, kỷ luật, cảnh cáo bằng cách công khai rộng rãi trong toàn ngành Giáo dục và cả nước biết, chứ không phải công bố trên địa phương. Làm như vậy thì mới ngăn chặn được nạn bạo hành trong giới học sinh, sinh viên. Vì hầu như chúng ta quên mất rằng, bên cạnh giáo dục kiến thức thì nhà trường cần coi trọng giáo dục nhân cách, làm người cho học sinh trong chương trình giảng dạy.
Độc giả Thanh Mai bày tỏ sự nuối tiếc khi trong môi trường giáo dục xảy ra sự việc học sinh đánh nhau. Việc kỷ luật nhóm học sinh này chưa tương xứng và cần mạnh hơn để có sức răn đe. Vụ việc xảy ra như vậy mà chỉ đình chỉ học tập có 1 tuần thì sẽ không có sức răn đe với những học sinh trên toàn quốc. Còn việc xử lý Ban Giám hiệu nhà trường như vậy là quá mạnh nên cần cân nhắc lại đúng người, đúng tội vì nhà trường đâu có thể ngồi giám sát từng học sinh trong các giờ ra chơi.
Độc giả Lê Gia lại cho rằng, Sở GD-ĐT Trà Vinh đưa ra hình thức kỷ luật là đình chỉ học tập 3 học sinh trong 1 tuần, số còn lại từ khiển trách đến cảnh cáo như một trò hài hước, không có tính răn đe./.