1.Tôi đã trải qua thời kỳ nuôi 2 con nhỏ và phải thuê đến cả chục “đời” giúp việc. Giờ các con đều đã lớn, nhưng mỗi khi nghĩ lại cảnh thuê giúp việc tôi vẫn thấy toát mồ hôi.

Cũng phải khẳng định, không phải làm giúp việc ai cũng bạo hành trẻ, nhưng thực sự thật khó để tìm được một người vừa có kỹ năng trông trẻ lại vừa thương yêu trẻ.

Cô giúp việc đầu tiên đến nhà tôi là người khá yêu trẻ, nhưng lại không có kỹ năng trông trẻ nên nhiều phen làm vợ chồng tôi thót tim. Dù mỗi lần người giúp việc đến nhà, chúng tôi đều phải mất thời gian cả tháng hướng dẫn mọi việc từ bé đến lớn, nhưng có lẽ thời gian như thế không đủ để họ có kỹ năng chăm sóc một đứa trẻ. Đơn giản từ chuyện trẻ đi vệ sinh, nhiều khi bố mẹ đi vắng, để cho nhanh, họ lột hết quần áo con tôi rồi cho vào nhà tắm dội nước lạnh trong khi trời mùa đông chỉ hơn 10 độ khiến con bị cảm lạnh, viêm phổi.

33115060ad20447e1d31_kwby.jpg
Hình ảnh camera ghi lại cảnh người giúp việc xách ngược cháu bé (ảnh cắt từ clip).

Có lần cô giúp việc để con tôi đi giật lùi trên giường rồi trêu đùa để bé hốt hoảng ngã ngửa ra đằng sau, va vào chốt tủ làm chảy máu đầu khiến cả nhà hốt hoảng, phải đưa con vào bệnh viện chụp chiếu… Và còn rất nhiều tình huống nguy hiểm nữa, mà đến giờ nghĩ lại, chúng tôi cảm thấy may mắn khi mọi chuyện đã qua.

Rồi mệt mỏi nhất là mỗi lần giúp việc “dỗi” đòi về, là cả đêm chúng tôi mất ngủ, dỗ dành, thậm chí tăng lương để giữ chân họ. Vì mỗi lần thay giúp việc là chúng tôi phải nghỉ việc để trông con trong lúc tìm người mới thế vào. Mà công cuộc tìm giúp việc vô cùng khó khăn đối với các gia đình có trẻ nhỏ, vì không phải ai cũng sẵn sàng đi làm giúp việc mặc dù họ khó khăn đến thế nào. Bởi ở quê, nhiều người vẫn có mặc cảm nặng nề đi làm giúp việc là “đi ở”. Hoặc khi tìm được giúp việc rồi thì việc họ phù hợp với gia đình cũng không nhiều, do nhiều nguyên nhân như họ không có kỹ năng trông trẻ, khó thay đổi thói quen khi đến môi trường mới, không biết việc hoặc không thương yêu trẻ…

2.Thời gian vừa qua, đã xảy ra rất nhiều vụ người giúp việc bạo hành trẻ khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. Trong tháng 9, nhiều người đã bức xúc nhìn thấy hình ảnh người trông trẻ cho một gia đình ở Hà Nội sau khi pha sữa cho bé uống, em bé đang nằm dưới giường khó chịu nên bật khóc, nhưng thay vì dỗ dành, người phụ nữ trung tuổi này bế xốc em bé lên và liên tục tát vào mông em bé mạnh tay rồi bế cháu bé đi chỗ khác. 

Hay người giúp việc cho một gia đình ở phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý, Hà Nam đã có hành vi bạo hành một bé gái hơn 1 tháng tuổi. Người giúp việc tát, tung bổng cháu bé lên không trung đã khiến dư luận xã hội bức xúc. Gia đình sau khi xem camera rất phẫn nộ và trình báo công an. Sau khi điều tra, xác minh, Cơ quan công an đã khởi tố người giúp việc này để điều tra về hành vi hành hạ người khác.

Căn phòng nơi diễn ra sự việc trẻ bị bảo mẫu xách ngược

Còn cách đây mấy hôm, dư luận cũng không khỏi bức xúc khi người giúp việc trong một gia đình cư trên địa bàn TP Vinh, Nghệ An có hành vi bạo hành trẻ. Hình ảnh camera tại gia đình đã ghi lại toàn bộ sự việc. Trong lúc cháu bé 13 tháng tuổi khóc đứt hơi thì người giúp việc không dỗ dành mà còn dọa nạt to tiếng. Thậm chí còn nhẫn tâm xách ngược cháu bé lên ở trên giường. Cháu bé vẫn chưa nín khóc người này còn đưa xuống sàn nhà hay tay giữ lấy chân, để đầu bé hướng xuống đất rồi lắc qua, lắc lại… Hiện nay gia đình đã làm đơn tố cáo lên cơ quan công an và sự việc đang được điều tra, xử lý.

3. Đây chỉ là số rất ít trong số các vụ giúp việc bạo hành trẻ trong thời gian vừa qua và chỉ được phát hiện ở những gia đình có lắp camera hoặc có sự giám sát người giúp việc khi gửi gắm con cho họ.

Điều đáng lo ngại nhất trong những vụ việc này là nạn nhân lại là những đứa trẻ. Đó là những đối tượng gần như không có bất cứ một sự phản kháng nào khi bị người khác bạo hành. Những đứa trẻ này phần lớn thời gian sống với người giúp việc bởi bố mẹ, gia đình thuê giúp việc về cũng là để trông trẻ để họ còn đi làm. Vì thế, mọi sinh hoạt của trẻ trong thời gian này phụ thuộc hoàn toàn vào người giúp việc.

Các gia đình gần như phó mặc mọi sinh hoạt, thậm chí cả tính mạng con mình cho người giúp việc trong thời gian họ vắng nhà. Nếu tìm được người giúp việc có tâm, thương trẻ thì là may mắn đối với gia đình, còn ngược lại, nhiều khi con bị giúp việc bạo hành nhưng bố mẹ không thể nào biết được. 

Phải khẳng định, không phải tất cả mọi người đi làm giúp việc đều không có kỹ năng và không thương trẻ. Nhưng để tìm được người giúp việc có cả hai yếu tố này thực sự là khó vô cùng. Một phần cũng vì giúp việc ở nước ta chưa được coi là một nghề, người giúp việc chưa được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp. 

Cũng đã có nhiều trung tâm mở ra để giới thiệu người giúp việc, nhưng không ít trong số đó chỉ để “có cái mũ” trong việc môi giới, giới thiệu giúp việc, mà chưa có sự đào tạo một cách bài bản cho từng đối tượng giúp việc, nhất là việc trông trẻ. Thậm chí, một số nơi còn có hành vi “lừa đảo” khách hàng bằng cách, giới thiệu giúp việc được vài tháng lại tìm cách để giúp việc từ chối đi làm chỗ khác, gia đình lại phải mất khoản tiền phí cho trung tâm để thuê người.

Cũng vì giúp việc chưa được coi là một nghề, nên không chỉ người đi giúp việc mà nhiều người trong xã hội vẫn mang tâm lý nặng nề về một nghề hèn kém, nên bản thân người giúp việc cũng không có sự làm việc chuyên nghiệp, tận tâm mà theo tâm lý "gia đình chủ tốt thì ở, xấu thì đi”. Vì thế, nên đi làm giúp việc, phần lớn là những người có hoàn cảnh khó khăn, éo le, người già hoặc trẻ em. Còn những người trong độ tuổi lao động thường tìm những công việc khác dù thu nhập ít hơn nhưng bản thân họ thấy không bị “mặc cảm”.

Về phía các gia đình có nhu cầu giúp việc, cơ bản vẫn phải tìm giúp việc theo sự giới thiệu quen biết, nên đôi khi trông chờ vào sự may rủi. Trong khi chưa có nhiều nơi đào tạo, giới thiệu giúp việc gia đình một cách bài bản, chuyên nghiệp, làm thế nào để hạn chế bớt những vụ bạo hành trẻ hay những rủi ro từ những người giúp việc gây ra cho con em mình? 

Có lẽ, lắp camera là một trong những giải pháp chính tôi và nhiều gia đình đã từng nhiều năm thuê giúp việc trông trẻ thấy có hiệu quả. Khi có camera, gia đình cũng dễ dàng xem được các hoạt động của con mình trong ngày mà không phải lo lắng con mình đang làm gì, bị đối xử như thế nào. Đồng thời, người giúp việc khi biết có camera thì bản thân họ cũng thấy cần phải làm việc có trách nhiệm hơn. Khi lắp camera, cũng cần giải thích cho người giúp việc biết đó là việc làm bình thường, để họ không cảm thấy mất tự do khi bị theo dõi. 

Dù vậy, cũng không nên phụ thuộc hoàn toàn vào các thiết bị hiện đại, mà cần có sự quan tâm nhiều hơn từ việc trau dồi thêm cho người giúp việc các kỹ năng, làm quen với công việc trong gia đình, thậm chí có thể san sẻ công việc với họ. Đồng thời, thông qua họ để nắm bắt được tình hình con em mình và nắm bắt được một phần hành động, thái độ của họ đối với con mình.

Nhưng trên hết, vẫn là sự chia sẻ, yêu thương nhiều hơn với người giúp việc, vì chỉ khi cha mẹ trẻ yêu thương và tôn trọng họ, mới mong con mình được họ yêu quý./.