1. Ngày còn bé tí, tôi có cậu bạn khi sang nhà khác chơi là y như rằng lại “thó” một món đồ về nhà. Tôi nhớ như in, mỗi lần như vậy, bố của cậu bạn lại bắt nó nằm ra giường, vụt quắn mông, mà với trẻ con chúng tôi thời đó thấy sợ “xanh mắt”. Sau đó, ông bố dắt con cùng món đồ cậu ta “thó” được, sang tận nhà người mất đồ xin lỗi. Dù đó chỉ là những món đồ chơi nho nhỏ, cái bút chì hay cục tẩy… nhưng cả bố và con cậu bạn đều phải xin lỗi chủ nhà.
Đến bây giờ, cậu bạn tôi đã là một chuyên gia có tiếng tăm trong lĩnh vực kinh tế. Mỗi khi gặp nhau, thỉnh thoảng cậu ấy lại nhắc về trận đòn của bố. Cậu bạn nói đó là bài học làm người bố dạy mà cậu ta luôn khắc cốt ghi tâm. Cậu cũng lấy đó làm tôn chỉ dạy con rằng, không bao giờ được lấy bất cứ thứ gì không phải của mình, bởi đó là hành động ăn cắp.
Còn bản thân tôi, cũng đã chứng kiến nhiều hành động tử tế, trung thực của những đứa trẻ nghèo chỉ bằng tuổi con mình. Có lần tôi về quê, dừng lại ăn sáng trên đường Láng-Hòa Lạc, khi ra về tôi để quên chiếc ví ở ngay trên bàn ăn ngoài trời. Đi được vài chục cây số tôi mới nhớ ra và quay lại tìm. Dù quay lại nhưng tôi không có hy vọng nhiều vì trong ví có khá nhiều tiền mà quán ăn thì quá đông người ra vào.
Khi thấy tôi quay lại, bà chủ quán biết ngay là tôi tìm gì. Bà gọi cậu bé phục vụ bàn khoảng 14-15 tuổi ra và nói cháu là người nhặt được chiếc ví của tôi. Bà chủ quán không quên nhắc tôi kiểm tra lại dù mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn. Tôi ngỏ ý cảm ơn, nhưng cháu nhất định không nhận. Vì với cháu, cái ví không phải của mình nên việc trả lại người đánh mất là chuyện đương nhiên.
2.Trong mấy ngày gần đây, mọi người bức xúc phẫn nộ về hành động côn đồ, hành hung nhân viên tại trạm nghỉ Hải Đăng (xã Tân Phú, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) của Thượng úy Nguyễn Xô Việt, hiện công tác tại Công an thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên).
Thượng úy Nguyễn Xô Việt ném xúc xích vào mặt và tát nhân viên bán hàng ở trạm dừng nghỉ. (Ảnh: cắt từ clip) |
Sự việc xảy ra khi con trai của ông Nguyễn Xô Việt vào quầy hàng tại trạm nghỉ Hải Đăng (xã Tân Phú, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên mua mấy cây xúc xích. Sau một hồi lựa chọn đồ, cháu bé mua một gói xúc xích và đi ra phía bên ngoài quầy thu ngân. Nhân viên đề nghị cậu bé trả tiền hoặc để lại gói xúc xích ở chỗ cũ.
Thấy vậy, bố cháu bé ở gần đó liền vẫy tay bảo con trai đi ra rồi ông bố này cầm túi xúc xích và trở về chỗ ngồi cũ. Sau đó, ông Việt còn tới cầm mấy cây xúc xích từ tay con trai, bóc vỏ và ném vào mặt nữ nhân viên. Không chỉ dừng lại ở đó, người này còn tiến tới tát mạnh vào mặt nam nhân viên.
Hành vi thiếu văn hóa, côn đồ của Thượng úy Nguyễn Xô Việt là khó chấp nhận, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của ngành Công an và quy định của pháp luật nếu có dấu hiệu vi phạm.
Thật đáng buồn, trong xã hội ngày càng văn minh hiện đại, mọi người đều cố gắng để sống một cách văn minh, tử tế thì lại có những hành xử thiếu văn hóa, côn đồ đến như vậy, nhất lại của những người làm trong ngành công an, một ngành được đào tạo và tuyển dụng khá nghiêm ngặt.
Nhưng buồn hơn cả, là hành động thiếu văn hóa, côn đồ ấy của người làm bố lại được thực hiện ngay trước mặt đứa con nhỏ.
Trước hết, việc cổ vũ cho đứa con trai ngang nhiên lấy xúc xích trong quầy hàng mà không có sự xin phép, lấy món đồ không phải của mình nói đúng ra là một hành động ăn cướp. Nếu lén lút ăn trộm khi cô nhân viên không phát hiện ra cũng đã không thể chấp nhận, đằng này người bố lại dung dưỡng, “cổ vũ” con ăn cướp xúc xích ngay trước mặt người bán.
Tệ hại hơn, khi bị nhắc nhở thì người bố lại có hành động thách thức, mang xúc xích ra bóc và ném vào mặt nữ nhân viên, rồi ngang nhiên tát mạnh vào mặt nam nhân viên bán hàng. Có thể đứa con trai ở lứa tuổi còn non nớt, cháu chỉ thấy đó là hành động “rất tự hào” vì được bố bảo vệ và hãnh diện về “sức mạnh” của người bố, nhưng chắc chắn những hành động đó sẽ ngấm vào tiềm thức của đứa trẻ.
Và thật đáng lo ngại, với những hành xử như của người cha như vậy, chắc chắn một ngày không xa, đứa con sẽ trở thành những người “hơn bố”.
Đứa trẻ như một tờ giấy trắng. Sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ phụ thuộc rất nhiều vào cách giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó chủ yếu là từ gia đình. Phần lớn thời gian trẻ sống ở gia đình và chịu sự ảnh hưởng từ cách sống, cách giáo dục của cha mẹ và người thân. Những đứa trẻ luôn là tấm gương phản chiếu hình ảnh của người lớn trong gia đình, vậy thì, với một gia đình có những người bố như ông Nguyễn Xô Việt, sẽ sản sinh ra những đứa con "giống cha" và “hơn cha” là lẽ đương nhiên.
Thực sự, khi xem clip về những hành động của ông Nguyễn Xô Việt, nhiều người lo lắng về hành vi ứng xử lệch chuẩn, thiếu văn hóa và côn đồ ngày càng nhiều. Nhưng lo lắng, bất an hơn cả là tương lai của những đứa trẻ phải sống trong một môi trường có những người làm cha như ông Nguyễn Xô Việt.
Thật đáng buồn và lo lắng lắm thay./.
Lái xe trả lại tiền, cụ bà trả sổ nghèo: Sự tử tế nâng đỡ niềm tin!
"Cởi truồng" trên đèo Mã Pì Lèng: Đừng làm nhơ bẩn môi trường!