Tôi đã từng là thí sinh và cũng có con đi thi Đại học, đã từng nếm trải sự vất vả của việc học thi, ôn thi. Con gái tôi, mặc dù là học sinh trường Chuyên quốc gia và cũng thuộc diện học Top đầu trong lớp, nhưng gần cả năm trước kỳ thi, nhìn con ôn thi, nhiều lúc tôi thực sự xót xa nhưng không có cách nào khác với kiểu học, kiểu thi như hiện nay.

Hôm nào cũng thế, tôi thương con, động viên con đi ngủ trước 11 giờ đêm thì sáng hôm sau cháu lại phải dậy từ 3-4 giờ sáng để học bài. Nhiều hôm đi học về, nhìn con rũ rượi, mệt mỏi, tôi thương con đến thắt lòng. Không chỉ riêng con tôi, và các bạn trong lớp cháu đêm nào cũng thức đến 2-3 giờ sáng luyện thi là chuyện bình thường. 

Đi họp phụ huynh, khi nghe tôi nói thường khuyên con đi ngủ trước 11 giờ, thầy cô giáo và nhiều phụ huynh khác khá hốt hoảng: “Con thi đến nơi mà mẹ để con học ít thế sợ không đảm bảo. Giờ là thời gian nước rút của con, việc các con thức đến 1-2 giờ sáng cũng là rất bình thường”.

nhieu_thi_sinh_da_tat_tay_thay_doi_nv_lan_cuoi_cung_2_olnx.jpg
Sẽ còn bao nhiêu thí sinh chịu “may rủi” do sự vô cảm của “hệ thống” (ảnh: Cao đẳng Y dược Sài Gòn)

Học đã vất vả là thế, nhưng lúc thi thì thực sự là cuộc đấu trí mệt mỏi không chỉ về năng lực mà còn về tinh thần đối với đa số các thí sinh, vì đây là cuộc thi được ví như “trận chiến cuối cùng” trong cuộc đời học sinh. Các con căng thẳng, áp lực, nhiều con còn có hiện tượng giảm sút sức khỏe nghiêm trọng vì quá lo lắng, hồi hộp. 

Thí sinh đã vậy, nhiều ông bố, bà mẹ còn căng thẳng hơn gấp nhiều lần. Sự lo lắng cũng là tâm lý bình thường, vì đây là cái đích cuối cùng của thí sinh và của nhiều gia đình sau 12 năm  các con miệt mài đèn sách. Và với quan niệm của hầu hết gia đình hiện nay, Đại học vẫn là đích đến, là mục tiêu nếu muốn có một tương lai tốt đẹp.

Thời gian chờ đợi kết quả thi cũng thực sự là một cuộc “tra tấn tinh thần” của thí sinh và nhiều gia đình. Với nhiều gia đình, 12 năm qua, họ đã nuôi con không chỉ bằng tất cả tình thương yêu mà còn bằng tất cả những gì họ có được. Những đồng tiền họ vất vả, khó nhọc kiếm được cũng đều dồn hết vào tiền ăn, tiền học của con. Họ hy vọng, đặt hết niềm tin vào “của để dành”.

Với số ít các con học lực xuất sắc, điểm thi ở hẳn Top đầu thì sự lo lắng có thể không nhiều, nhưng hầu hết thí sinh học lực ở mức giữa và dưới mức trung bình, thì thực sự “mất ăn, mất ngủ” trong những ngày chờ điểm thi. Kết quả thi, với các con quan trọng như vậy, nhưng với nhiều gia đình, dòng họ thì nó còn là cả sự tự tôn, tự hào. Chả thế mà không ít gia đình, không chỉ ở quê mà ngay ở Thành phố, khi con đỗ Đại học cũng có mâm cơm mời họ hàng, làng xóm đến chúc mừng. 

Trong mấy ngày vừa qua, liên tục Sở Giáo dục- Đào tạo một số tỉnh, thành đăng tải danh sách điều chỉnh điểm phúc tra của các thí sinh thi THPT quốc gia. Đáng chú ý, riêng tỉnh Tây Ninh có đến 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 đều tăng sau khi phúc khảo. Trong đó có bài tăng cao nhất lên tới 8,75 điểm.

Thậm chí, có một học sinh giỏi quốc gia là em Lê Quang Kỳ là học sinh lớp 12T, Trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha, Tây Ninh khi công bố điểm thi THPT quốc gia, các bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên của em là 0 (3 môn thi thành phần Hóa- Lý- Sinh đều bị 0- 0- 0).  Với điểm thi này,  Kỳ là học sinh duy nhất trong số 271 học sinh của Trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha trượt tốt nghiệp.  Sau phúc khảo, điểm số của em lần lượt 3 môn Hóa- Lý- Sinh của Kỳ là 5,75- 8,5-6,25. Tổng điểm sau phúc khảo của em 20,5 điểm. Nếu tính theo tổ hợp đăng ký vào đại học khối A1 (Toán – Lý – Anh) thì Kỳ đạt 26.1 điểm (8.6 + 8.5 + 9).

Còn tại Đà Nẵng, có thí sinh sau khi phúc khảo thì cả 3 bài đều tăng điểm khá nhiều. Điển hình là thí sinh N.A.H. yêu cầu phúc khảo 3 bài thi Địa lý, Giáo dục Công dân và Lịch sử, sau khi chấm phúc khảo, tổng điểm 3 môn này tăng lên 8 điểm; có thí sinh tăng điểm 1 môn từ 2,75 lên 7 điểm.

Đáng chú ý, theo cách giải đáp của Bộ Giáo dục- Đào tạo và của Sở Giáo dục- Đào tạo các tỉnh này, nguyên nhân của việc điểm sau phúc khảo tăng lên khá lớn như vậy là do lỗi hệ thống, máy không nhận diện được thí sinh tô đáp án trên bài thi…

Chắc chắn, để nhận được kết quả phúc tra tốt đẹp như hiện nay, thì các em Lê Quang Kỳ, N.A.H và nhiều em khác đã phải trải qua những ngày “sốc” nặng khi nhận được những kết quả thi như ban đầu. Bởi trong lòng các em đang tràn trề kỳ vọng, với bao nhiêu mơ ước cho tương lai của một tân sinh viên Đại học, thì lại nhận được tin “sét đánh”: duy nhất là học sinh của trường không đỗ Tốt nghiệp, thậm chí có đến 3 điểm 0.

Kể cả với bất kỳ một thí sinh nào dù tự tin đến mấy về năng lực của mình, mà khi nhận một kết quả như vậy cũng sẽ rất sốc. Gia đình dù có tin tưởng con em mình như thế nào, cũng cảm thấy choáng váng. Chưa kể đến nhiều em tinh thần không vững sẽ nghĩ đến những chuyện tiêu cực.

Còn chuyện phúc tra, hay điểm số thay đổi thì là câu chuyện sau đó. Với những em có năng lực và thấy rõ sự bất thường trong điểm số, thì các em có đủ tự tin để phúc tra bài thi. Nhưng với các em học lực bình thường, có thể nhận thấy điểm số của mình có gì đó “không bình thường”, nhưng liệu các em có đủ tự tin, dám vượt qua các thủ tục (mà theo các em có thể là khá rắc rối) để đi làm phúc tra, đòi quyền lợi cho mình? 

Hoặc đối với những môn thi Tổ hợp như Lý, Hóa… mà không được cầm đề ra, phần lớn các em, kể cả học xuất sắc thì cũng không thể nhớ chính xác hết tất cả các câu mình làm như thế nào trong cả trăm câu hỏi với hàng trăm đáp án, thì việc chênh lệch một vài điểm do không làm được hay do “lỗi hệ thống” thì cũng khó phát hiện.

Trong mỗi cuộc thi, chỉ cần hơn kém nhau 0,25 thậm chí 0,1 điểm là có thể 2 người đứng ở hai phía của sự đỗ và trượt, vui tột độ và buồn cùng cực. 

Vì thế, dư luận không khỏi bất an khi ngày càng xuất hiện càng nhiều thí sinh bị thay đổi điểm do “lỗi hệ thống” hay do máy móc không nhận diện được bài thi. 

Sẽ còn bao nhiêu thí sinh nữa phải chịu "may rủi" vì sự vô cảm của “hệ thống? Câu hỏi cần có lời giải đáp khi mà suy cho cùng, hệ thống máy móc cũng là do con người làm ra và để phục vụ con người./.