1.Tôi có 2 con nhỏ đang tuổi đi học. Ngày con vào lớp 1, điều tôi quan tâm nhất không phải là con học trường điểm hay lớp chọn mà là con học với cô giáo yêu thương học trò như thế nào. Cuối cùng tôi đã quyết định cho con học vào một lớp bình thường nhưng nghe nhiều thế hệ phụ huynh nói rằng cô rất quan tâm học trò.

Ngày bé, con gái tôi bản tính vốn hiền lành, nhút nhát. Con cũng muốn tham gia một số hoạt động ở lớp nhưng không dám đề đạt hay thể hiện, nên nếu học với một cô giáo ít quan tâm, sáo sát đến từng học sinh thì với một đứa trẻ như con gái tôi, chắc chắn sẽ khó có cơ hội được thể hiện mong muốn của mình.

Đúng như mong muốn của tôi, con tôi được học với cô giáo khá quan tâm đế từng học sinh, không riêng em nào. Chẳng hạn, khi lớp chuẩn bị có tiết mục văn nghệ chào mừng ngày 20/11, gần như lớp nào cũng chỉ chọn mươi bạn sôi nổi, biết nhảy múa và biết hát tham gia đội văn nghệ.

Nhưng ở lớp con gái tôi, cô giáo “bắt” cả lớp cùng tham gia. Ai hát tốt hơn thì hát chính, ai biết múa thì múa phụ họa, còn những bạn không biết hát hoặc rụt rè như con tôi thì đứng làm nhóm bè, thậm chí có nhóm không bè được thì chỉ cần nhiệm vụ đứng cho đẹp đội hình.

Chỉ những hành động nho nhỏ ấy đã khiến cho tất cả học sinh trong lớp, không bạn nào là không thấy mình quan trọng, các con phấn khởi và hào hứng. Riêng với con gái tôi, từ một đứa trẻ rụt rè, qua những lần tham gia văn nghệ và các hoạt động của lớp, đã khiến con trở nên tự tin, năng nổ hơn hẳn.

Có lần con bị ốm, chỉ nghỉ học 2-3 hôm, nhưng tối nào cô cũng gọi điện hỏi han. Một hôm vào buổi chiều tối, cô giáo chủ nhiệm xuất hiện trước cửa làm cả nhà tôi rất cảm động, riêng con gái tôi thì đến tận khi cô ra về, con vẫn rưng rưng.

Khi con đi học trở lại, cô sẵn sàng ở lại muộn sau giờ học để kèm thêm kiến thức cho những cháu nghỉ học như con tôi và những cháu không theo kịp bài trên lớp, mà không nhận bất cứ một sự "cảm ơn" nào của phụ huynh.

Những tình cảm ấy của cô giáo đã trở thành những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ, không chỉ đối với con gái tôi, mà với những học sinh và phụ huynh có con được học cô. Đến tận bây giờ, sau rất nhiều năm xa cô, con gái tôi vẫn rưng rưng mỗi khi nhớ về.

Và quan trọng hơn là chính sự yêu thương của cô đã biến con gái tôi từ một cô bé nhút nhát thành một đứa trẻ tự tin, có chính kiến và dám thử thách những việc có thể vượt quá khả năng của nó.

2.Trong ngày hôm qua, không chỉ người dân Hà Nội và người dân cả nước rụng rời trước thông tin cháu bé là học sinh lớp 1 Trường phổ thông chất lượng cao quốc tế Gateway ở Cầu Giấy, Hà Nội đã tử vong trên ô tô đưa đón học sinh của trường. Nguyên nhân được cho là em bị bỏ quên.

truong_ucca.jpg
Trường phổ thông chất lượng cao quốc tế Gateway ở Cầu Giấy, Hà Nội

Cụ thể, theo phản ánh của gia đình, sáng 6/8, gia đình đã đưa cháu bé ra ô tô của trường để đi học. Đến 16h45 cùng ngày, cô giáo phụ trách đón cháu bé gọi điện thông báo tình trạng cháu bé tử vong.

Theo thông tin trong biên bản làm việc với công an, trong buổi sáng, giáo viên chủ nhiệm thấy học sinh vắng mặt khi điểm danh và đã báo tới hệ thống quản trị của nhà trường.

Thông tin này không khỏi làm dư luận bức xúc, phẫn nộ. Vì sao sự việc được báo tới quản trị nhà trường nhưng buổi chiều phụ huynh mới nhận được thông tin?

Vì sao những thông tin liên quan đến tính mạng một CON NGƯỜI mà người ta lại tắc trách, cẩu thả đến như vậy?

Vậy trong suốt thời gian từ sáng lúc nhận được thông tin học sinh vắng mặt đến buổi chiều, nhà trường không mảy may tìm hiểu xem học sinh đó vì sao vắng mặt, chỉ đến khi xảy ra hậu quả đau lòng mới thông báo cho phụ huynh?

Và các cách đưa thông báo của nhà trường cũng khiến mọi người lạnh người vì sự vô cảm và lạnh lùng, của đội ngũ những người làm nhiệm vụ trồng người ở một ngôi trường luôn được quảng cáo là đặt lên trên hết đạo đức nghề giáo và chất lượng. Những dòng thông báo vô cảm "Thông báo về sự việc ngày 6/8/2019" kèm theo nhận định sự việc trên là “sự việc đáng tiếc” lại càng làm dư luận không thể không trào dâng phẫn nộ.

Một mạng người mà chỉ là “sự việc đáng tiếc” thôi sao? Cũng có lẽ vì quan điểm giáo dục vô cảm, lạnh lùng như vậy nên chuyện mới xảy ra việc giáo viên không kiểm đếm hoặc kiểm đếm cẩu thả đã bỏ quên cháu bé trên xe dẫn đến việc cháu bị tử vong? Hoặc có chuyện đã thông báo học sinh vắng mặt nhưng nhà trường không có hành động tìm hiểu, kiểm tra lại với gia đình xem vì sao cháu bé vắng mặt?

3.Hai câu chuyện trên ở hai thái cực hoàn toàn khác nhau nhưng đều cho thấy, trong môi trường mô phạm, điều cần hơn tất cả là tình yêu thương. Điều đó, thực tế ai cũng biết và ai cũng hiểu, bởi chỉ có tình yêu thương mới đem lại hiệu quả trong giáo dục. Một đứa trẻ từ bé nó đã được sống trong môi trường có tình yêu thương từ gia đình, nhà trường, chắc chắn nó sẽ trưởng thành.

Và sự việc đau lòng xảy ra ở trường quốc tế Gateway, đang phản ánh rõ thực tế này. Nguyên nhân sâu xa về cái chết đau lòng của cháu bé phải chăng bắt nguồn từ sự lạnh lùng và vô cảm của những người làm nghề trồng người ở trường quốc tế Gateway.

Bản tường trình nêu rõ: "Buổi sáng, giáo viên chủ nhiệm thấy học sinh vắng mặt khi điểm danh và đã báo tới hệ thống quản trị của nhà trường".

Nếu có tình yêu thương, người ta đã kiểm đếm rất kỹ, thấy thiếu học sinh người ta sẽ quay lại xe kiểm tra hoặc sẽ lục tung Hà Nội để tìm hiểu vì sao cháu bé vắng mặt.

Nếu có tình yêu thương thì khi nhận được thông báo về hệ thống từ buổi sáng, thì ngay lập tức thông tin về cháu bé phải được kiểm tra từ nhiều phía, trong đó có gia đình, không phải để đến chiều phụ huynh hỏi con thì mới tá hỏa nhận được tin con đã tử vong trên xe.

Nếu có tình yêu thương thì khi sự việc xảy ra, người ta không thể thông báo những dòng vô cảm, lạnh lùng như vậy và coi sự việc chỉ là “đáng tiếc”?./.