Bây giờ thì chuyện cũng đã khép lại rồi. “Nhân vật chính” của chuyện cũng không muốn mọi người bàn đến nữa. Nhưng dư vang của nó thì vẫn tiếp tục lan tỏa.Đó là chuyện em học sinh lớp 12 giấu tên thật, với bí danh “Kẻ lười biếng” đã thuyết trình về sự bất cập của nền giáo dục nước nhà trong một video clip tự quay, dài hơn một tiếng đồng hồ, với cái tên “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng”, mà tôi cũng đã bàn đến trong suốt hai số báo trước.
Có thể còn nhiều vấn đề cần bàn lại với em, nhưng về cơ bản, em nói đúng, mà tôi nghĩ các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định đường lối chính sách rất nên tham khảo một cách nghiêm túc. Đó là tiếng nói của người trong cuộc, lại là một học sinh, đối tượng trọng tâm mà nền giáo dục hướng tới. Tiếng nói chân thành, thẳng thắn, với động cơ trong sáng của em cho ta thấy một sự thật: Đã đến lúc cần phải cải cách nền giáo dục, cải cách từ cội rễ, chứ không phải chỉ có “hớt trên ngọn”, là “viết lại sách giáo khoa”, rốt cuộc ta vẫn chỉ thay sự bất cập này bằng cái bất cập khác, rất tốn kém tiền bạc của dân mà hiệu quả thì lại rất thấp, nếu không nói là chẳng thay đổi được gì... Nhiều phóng viên báo chí, trong đó có báo Giáo dục Việt Nam đã tìm gặp “Kẻ lười biếng”, muốn phỏng vấn em, để làm rõ thêm một số vấn đề. Nhưng em đã từ chối. Em không muốn lên báo, không muốn “nổi tiếng”. Chứng tỏ, em không phải là “kẻ đốt đền” để có chút danh. Bản thân em cũng không xưng danh. Dù ý kiến đúng đắn của em hiện đã lan truyền rất rộng trong cộng đồng mạng, nhưng chẳng có ai biết tên thật của em là gì, ngoài cái biệt danh chung chung “kẻ lười biếng”. Việc từ chối lên báo của em cũng là một ứng xử hay. Bởi em không muốn “nổi tiếng”. Cũng không muốn làm to chuyện. Điều gì cần nói thì em cũng đã nói rồi. Nói xong là thôi. Không bàn thêm nữa.Nhiều học giả, trí thức, cả những người làm công tác giáo dục cũng tỏ ra bất ngờ và về cơ bản, họ ủng hộ ý kiến của em. Có người chỉ băn khoăn về cách ứng xử của em. Tại sao em không viết thư cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục hay các cơ quan chức năng của Bộ, mà lại phát tán ý kiến lên mạng? Thầy hiệu trưởng của em, trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, cũng rất lo cho em. Ông sợ em bị dư luận ném đá. Và ông cũng bất ngờ khi em lại được đông đảo mọi người ủng hộ.
Bản thân ông cũng suy nghĩ rất nhiều về những ý kiến của em. Ông chỉ tiếc không biết em có video clip ấy. Nếu biết trước, ông sẽ khuyên em chọn giải pháp khác. Cái “giải pháp khác” của ông, theo phóng viên là “chưa vội đưa lên mạng”, “có thể chỉ ở trong trường”, và trường “tạo cơ hội cho “Kẻ lười biếng” được thể hiện theo định hướng mà nhà trường phải kiểm soát được”. Đấy là ý nghĩ tử tế của một ông thầy rất có trách nhiệm với học trò. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, thì đó chỉ là chuyện nội bộ của trường. Vấn đề em bàn lại là chuyện quốc gia, mà cụ thể hơn là chuyện cải cách của cả một nền giáo dục. Nếu chuyển bản “thuyết trình” bằng hình, hay viết thư cho các cơ quan chức năng như lời khuyên của mấy vị ở ngành giáo dục thì cũng chẳng khác gì ném vàng vào cõi mịt mù. Bởi xét thực tiễn, các cán bộ, công chức của ta ở một số cơ sở, vốn không có thói quen hồi âm thư dân, nếu có sự vụ bức xúc, bắt buộc phải giải quyết thì họ cũng chỉ giải quyết một cách quấy quá. Rốt cuộc đâu vẫn hoàn đó. Tôi cho rằng em học sinh này chọn cách phát biểu trên mạng đơn giản vì em chỉ muốn nói ra điều mình nghĩ chứ không mong được đối thoại với các nhà quản lý giáo dục. Với những em học sinh như thế, Bộ Giáo dục là một địa chỉ quá xa.Người dân chỉ chọn các cấp quản lý là địa chỉ đầu tiên để trình bày tâm tư nguyện vọng của họ khi các cơ quan công quyền tập được cho dân thói quen như vậy. Để có được thói quen đó thì mọi vấn đề mà họ nêu ra đều cần phải được lắng nghe, phản hồi hoặc đáp ứng ngay. Nói tóm lại là phải xác lập được niềm tin và chữ “tín” với dân.Liên quan đến việc phản ứng chậm, thậm chí thờ ơ, cứng nhắc với nguyện vọng của người dân, tôi xin nhắc lại chuyện đau lòng mới xảy ra ở Cà Mau.Đó là chuyện chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 48 tuổi, ở ấp 5, xã An Xuyên, Thành Phố Cà Mau. Gia đình chị rất nghèo, hai vợ chồng chị lại làm những nghề rất bấp bênh. Bản thân chị cũng bị ốm đau, bệnh tật. Con chị thi đỗ cao đẳng, hiện đang học ở Vũng Tàu. Nghe có chính sách hỗ trợ dân nghèo của Nhà nước, chị tất tả xuôi ngược, làm đơn xin chứng nhận hộ nghèo để dễ vay tiền cho con ăn học. Đội đơn đi khắp nơi mà không được công nhận hộ nghèo vì “không đạt chuẩn". Không ai hiểu cho nỗi khổ của chị. Cùng đường, chị đành phải chọn cái chết, hy vọng có chút tiền phúng viếng cho con ăn học. Ta ứa nước mắt khi nghe chị nói trong bức thư gửi lại: "Xin các cấp chính quyền ấp 5 thấu hiểu cho hoàn cảnh không lối thoát của chúng tôi hiện nay mà cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi”.Sau khi chị đã chết rồi, chính quyền địa phương mới “sâu sắc nhận khuyết điểm”. Ông Nguyễn Tiến Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói: "Tôi rất đau xót trước cái chết của chị Nhân. Giận chính quyền sở tại để xảy ra chuyện đau lòng này".Trường hợp chị Nhân cũng không phải cá biệt. Có đến với dân mới biết dân khổ như thế nào. Nếu các công bộc của dân, ai cũng tôn trọng dân, lắng nghe tiếng nói của dân, hồi âm ngay những thư từ, đơn khiếu kiện của dân, giải quyết ngay những vấn đề nổi cộm, bức xúc của dân, hoặc nếu không xử lý ngay được, thì cũng giải thích rõ ràng, minh bạch, để dân hiểu và cảm thông, thì cũng sẽ tránh được bao nhiêu chuyện đau lòng, hay những nỗi đắng đót mà ngày nào ta cũng thấy trên mặt báo.Chúng ta không thiếu những cán bộ có tài, có đức, lại tận tuỵ với dân. Trong đó có một con người mà ai cũng biết. Đó là Cựu Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Ông là Bí thư một thành phố lớn, lãnh đạo nhiều cơ quan, ban ngành lớn của cả một tỉnh, nhưng có thể lắng nghe mọi tiếng nói của từng người dân. Ông công khai số điện thoại di động của mình cho dân biết, để bất kỳ người dân nào gặp khó khăn trắc trở, hay có điều gì oan khuất có thể trực tiếp báo thẳng với ông. Nhờ thế chúng ta mới có Đà Nẵng. Một thành phố quy củ, văn minh và nền nếp nhất nước và một bệnh viện miễn phí hoàn toàn cho người nghèo.Và nếu ngành Giáo dục của chúng ta cũng có được một công bộc tương tự như Nguyễn Bá Thanh thì chàng “lười biếng” vô cùng đáng yêu của chúng ta, dù chưa có lời khuyên của thày hiệu trưởng hay các vị chuyên môn của ngành Giáo dục, cũng sẽ làm đúng như lời các thày, là gõ cửa phòng ông, điện thoại cho ông, hoặc nói với ông bằng một lá thư mà không cần phải gồng mình lên, làm cả một cuộc thuyết trình dài hàng tiếng đồng hồ, mà rồi rốt cuộc cũng vẫn chỉ là một anh chàng ném vàng vào gió…/.