Mà chuyện xảy ra cũng lâu rồi, về cái chuyện lão đi thi hồi lão học bên Nga, cái chuyện cô gái Nga nào đó giúp lão ...

À, đấy là kỳ thi đầu tiên năm thứ nhất. Khi đó tôi đã là một lão già... 28 tuổi. Tôi gọi là lão già, vì mình nhiều tuổi nhất lớp, đã bôn ba đời lính mười năm rồi mới trở lại làm học trò. Bạn bè Nga cùng học chỉ 17-18 tuổi thôi. Họ là những học sinh mới từ phổ thông lên. Tôi không còn là trẻ con nên không câu nệ lắm về điểm thi. Hơn nữa, lại là một lão già thực dụng, nên tôi chỉ học những gì mình thấy thiếu, thấy cần thiết. Nghĩa là học cho mình, chứ không học cho các... thầy cô.

tran-dang-khoa.jpg
Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Có những môn rất nặng, nhưng học rồi cũng không biết để làm gì nên tôi bỏ, chỉ lướt qua quít, ví như Tiếng Nga cổ. Thực ra môn này cũng rất hay, rất cần thiết, nếu như mình theo nghề nghiên cứu ngôn ngữ. Nhưng mình chỉ là anh sáng tác «a ma tơ», lại là dân ngoại quốc, tiếng Nga hiện đại còn chưa vỡ, thì lọ mọ lục lọi đống chữ cũ của người ta làm gì.

Năm thứ nhất ú ớ lắm nhưng lại thi nhiều môn rất nặng đối với người nước ngoài, nên thày cũng có phần xuê xoa. Tôi lên bốc câu hỏi thi rồi về chỗ chuẩn bị. Ngồi bên tôi là Nhina Rưbacova, một cô bé rất đẹp. Ngày thường, các cô gái Nga thường xúng xính nhiều bộ mốt rất rực rỡ. Nhưng hôm đi thi, các nàng thường chỉ diện một loại váy xếp, không có cúc hay phécmơtuya. Tôi chỉ vào câu hỏi đặt trước mặt: «Cái này là cái gì? Tớ chả hiểu gì cả...». Nhina Rưbacova nhìn lướt qua rồi khẽ vảy tay. Từ trong ống tay áo của cô bé xòe ra cả một đống tà phướn. Cô bé rút một «lá bùa» đưa cho tôi. Đó là đáp án của câu hỏi tôi cần. Những dòng chữ lí nhí, lại viết tắt. «Cậu viết thế này thì đến quỷ cũng không hiểu nổi...». Cô bé luồn tay xuống gầm bàn, vắt phải rồi vắt trái cái màn váy buông lõa tõa. Tôi chỉ thấy trắng lóa một vùng. Trắng đến hoa cả mắt. Rồi cô bé rút ra một cuốn sách giáo khoa. Cuốn sách dày bịch, nặng đến chừng... 5 ký, mà chẳng biết cô bé giấu ở xó xỉnh xỉnh nào mà giấu tài thế. Thế rồi nhanh như cắt, cô lật ngay ra cái trang mà tôi cần tìm. Tôi nói thì ú ớ, nhưng đọc rất tốt. Còn 5, 6 sinh viên nữa mới đến lượt mình, nhưng tôi chen lên ngay, bước rất hiên ngang, rất tự tin, cứ như câu hỏi của thày chỉ là chuyện vặt.

Trước khi trả lời thày, tôi còn hỏi : «Thày thấy thời tiết hôm nay thế nào?». «Đẹp lắm anh bạn ạ - Thày chỉ qua khung cửa sổ - Nắng nhảy nhót như sóc trong khu vườn kia... ». «Thế mà em rét lắm. Ngồi trước mặt thày thì sinh viên nào cũng rét, dù có mặc cả áo bành tô». Thày cười sặc sụa và tôi bắt đầu thao thao bất tuyệt. Tôi nói rất nhanh. Lúc nào bí, tôi lại hỏi thày : «Em nói thế, thày có hiểu không?». «Hiểu. Hiểu. Tốt. Anh bạn nói tốt lắm!». «Thế thì thày tài quá – Tôi nức nở khen thày – Thày hiểu được điều em nói, trong khi chính em lại hoàn toàn không hiểu em đang nói cái gì... ».

Cả phòng thi cười ồ. Thày cũng cười rất sảng khoái rồi cho tôi điểm 5. Điểm ở nấc cao nhất. Tôi đi tua một vòng qua phố rồi quay lại thi môn thứ hai. Thật bất ngờ khi tôi thấy Nhina Rưbacova vẫn còn ngồi ở hành lang chờ thi, mắt đỏ hoe. Vị cứu tinh của tôi bị hai điểm đang muốn xin thi lại. Tôi bèn đến gặp thày. «Ồ, có chuyện gì thế, anh bạn?». «Xin thày chuyển điểm 5 của em cho Nhina Rưbacova. Vừa rồi cô ấy bảo em đấy. Chứ em dốt lắm». «Có. Tôi có biết cô ấy cho anh xem cái gì rồi. Cô ấy rất xinh đẹp, chỉ tiếc câu hỏi của tôi, cô ấy lại trả lời rất tồi. Vừa nãy, cho anh điểm cao nhất, tôi đã nghĩ mình quá dễ dãi. Nhưng bây giờ, tôi thấy tôi đánh giá anh chính xác. Đấy là điểm tôi cho anh về sự trung thực. Chứ thực ra anh nói gì, tôi có hiểu anh nói gì đâu...».

Có lần anh bảo tôi «Thím ạ, thiên hạ sẽ không bao giờ để cho ta yên đâu. Mình muộn vợ, họ bảo mình có vấn đề giới tính, vấn đề tâm sinh lý. Mình lấy vợ rồi, họ bảo chắc gì đã có con. Mình có con, họ bảo chắc gì đã phải con của mình. Cứ thế». Nghe thiên hạ đồn: Hồi học ở Nga, bạn cùng phòng có mang bạn gái về ngủ trong phòng, anh cũng không hé mắt. Theo anh, cái tâm lý hay nhòm qua lỗ khóa nhà người khác và “hạnh phúc của họ là bất hạnh của ta” ở người Việt Nam mình, nhất là dân miền Bắc mình, đáng thương hay đáng giận?

Đó là điều ghê rợn, chứ không còn là chuyện thương hay giận nữa. Ở một số người Việt có một đức tính rất đáng sợ đó là sự vô cảm. Vô cảm trước nỗi đau của người khác nhưng lại tò mò, tọc mạch những chuyện riêng tư của người ta. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng có những câu thơ rất đắng đót nói về thói xấu này: “Gập ghềnh đường tôi đi – Không một ai ngó tới – Bỗng nhiên họ xúm lại – Dính bùn, tôi trượt chân – Không phải đỡ tôi lên – Họ xem cho đỡ tẻ…”.

Mình học được nhiều điều rất hay của thiên hạ. Có một đức tính mình thích nhất ở người Nga là chuyện đâu bỏ đó. Không chõ mũi vào nhà người khác, nếu ở đó không có gì liên quan đến mình. Ở nước Nga, một cặp tình nhân khỏa thân ôm nhau trong phòng, dù có mở toang cửa cũng chẳng ai nhìn, thậm chí mọi người còn tránh xa để không làm phiền họ. Nhiều cặp trai gái ôm nhau, hôn nhau trong toa tầu điện ngầm, có ai để ý đâu. Đấy là cõi riêng của họ. Chỉ có họ ngự trị. Nếu có người nhìn thì chỉ  người Việt mình thôi. Đấy là một hành động rất man rợ mà chúng ta không tự biết. Tôi học được của người Nga rất nhiều bài học ở bên ngoài giáo trình Đại học. Hồi ấy tôi ở chung phòng với ông bạn Nga Ivan Navichxki. Tôi cũng đã viết khá nhiều về ông bạn vàng này. Riêng có một chuyện ta không viết mà không hiểu sao thím lại biết? Đấy là chuyện riêng của Ivan. Anh bạn có cô bồ trẻ. Chàng cứ băn khoăn. Nếu cần phải có một phòng riêng thì người phải ra khỏi phòng là Ivan chứ không phải ta, vì ta là khách ngoại quốc. Ta bảo: Các bạn cứ thoải mái. Đừng quan tâm đến tớ làm gì. Mất vui. Thế là họ lên tiên. Còn mình nằm quay mặt vào tường và… đọc sách. Hai cái giường kê sát nhau. Nhưng đó là hai thế giới hoàn toàn riêng biệt. Cả hai xứ sở đều tự do tuyệt đối. Nhưng cũng có một bài học rất hay của người Nga mà ta không học được. Sự kém cỏi này, làm ông bạn Ivan rất… khinh bỉ ta. Sự việc bắt đầu từ buổi Ximena tác phẩm của Nhina Rubacova, một cô bạn Nga rất đẹp. Vị cứu tinh của ta mà ta đã kể ở trên. Thơ Nhina Rưbacova rất ngộ: “Những quả đồi khỏa thân - Nằm mê man như những người đàn bà -  Trong lúc chúa trời đang  táy máy. Rồi Những con quạ - Nhìn ta -  Bằng con mắt nghĩa địa - Sỏi đá rì rầm - Hiện tại của tôi là tương lai của bạn. Thơ ấy không hề dở. Thậm chí còn hay là đằng khác. Nhưng bè bạn chê dữ quá. Chỉ có mỗi ta khen. Nhưng ta không khen thơ mà khen cô ấy đẹp. Ta còn nói với lũ đầu gấu đang xỉa xói cô ấy rằng: “Các bạn hãy nhìn lại đi. Có phải Natasa vừa bước từ trang sách của L. Tonxtoi ra không? Không! Natasa còn có có vết chủng đậu mờ mờ ở cánh tay, còn nàng tiên cá này không có khuyết tật gì cả. Cái nhược điểm lớn nhất của Nhina là không có nhược điểm gì”. Mọi người vỗ tay còn cô bé mặt đỏ bừng rạng rỡ. Tưởng chỉ là chuyện vui. Ai ngờ tôi ấy, Nhina gõ cửa phòng mình. Dạo ấy, nhà thơ Chế Lan Viên vừa gửi sang tặng mình tập thơ Hàn Mặc Tử do tỉnh Nghĩa Bình in do ông tuyển chọn và viết tựa. Đấy cũng là lần đầu tiên, thơ Hàn Mạc Tử được in lại và phát hành rộng rãi. Mình giới thiệu với Nhina về Hàn Mạc Tử và còn bảo: “Đây là B. Paternac của Việt Nam”. Rồi mình đọc một bài thơ bằng âm tiếng Việt để cô bé nghe nhạc điệu, rồi dịch ý một bài thơ bốn câu. Nhina bảo: “Sao giống thơ cổ điển Trung Quốc thế?”. Mình bảo, không phải thơ của chúng tớ giống thơ Đường Trung Quốc đâu, mà thơ Đường bắt chước thơ chúng tớ đấy. Cả các công trình lăng tẩm, đền đài ở Huế cũng vậy, họ toàn bắt chước chúng tớ để xây dựng Tử Cấm thành, bắt chước chúng tớ nhưng lại xây trước chúng tớ đến cả mấy trăm năm. Thế mới “đểu” chứ. Cô bé cười ngặt nghẽo. Ivan về giơ một ngón tay lên, làm một cử chỉ rất kỳ quặc, rồi anh bạn ôm chăn mền ra ngoài phòng. Mình chẳng hiểu gì cả. Rồi đêm ấy, không thấy Ivan về. Mình lại thấy Nhina ôm chăn mền sang trải trên chiếc giường của Ivan. Rồi cô bé tắt điện trút bỏ quần áo chui vào chăn. Mình lại tưởng phòng cô bạn có khách, nên phải sang ngủ nhờ giường Ivan. Thế là bọn mình lại tiếp tục chõ miệng sang giường bên trò chuyện. Rồi mình ngủ lúc nào chẳng biết nữa. Sáng hôm sau, Ivan “khinh bỉ” mình ra mặt: “Mày là một thằng nhà thơ rất tốt nhưng là một thằng đàn ông vô cùng tồi tệ. Mày không phải là đàn ông”. Bây giờ, nghĩ lại, vẫn còn thấy bàng hoàng./.