-Có người bảo, cuộc xung đột giữa hai miền Triều Tiên đang thu hút đến quay cuồng các hãng truyền thông trên khắp hành tinh mà lão Khoa cứ bằng chân như vại. Không những thế, lão đã biến con voi thành con muỗi, biến những vấn đề nghiêm túc, trọng đại, mang tầm cỡ quốc tế thành những chuyện bông phèng…
Trần Đăng Khoa:Thím lại “vu oan giá họa” cho ta rồi đấy. Ta đâu phải gã phù thủy có phép tàng hình. Ta cũng không bông phèng hóa những vấn đề nghiêm túc, trọng đại mang tầm vóc quốc tế. Ta chỉ gọi đúng tên sự việc. Tất nhiên “gọi” theo cảm nhận của riêng ta thôi. Cái cảm nhận ấy có thể đúng, có thể sai toét. Vì hiện thực khách quan thường rất nghiệt ngã. Nó có thể vượt qua, có thể nằm ngoài mọi toan tính, phỏng đoán của ngay cả những bộ óc thông minh nhất.
Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa |
Huống hồ ta lại chẳng thông minh, mà chỉ là một lão già đã đến tuổi lẩm cẩm rồi. Nhưng dù đúng hay sai, ta cũng phải chịu trách nhiệm về những gì mình nói. Trách nhiệm hình sự nếu vi phạm pháp luật. Trách nhiệm trước búa rìu dư luận. Cái đó còn kinh khiếp hơn những lời phán quyết của quan tòa.
Có thể nhiều ban đọc không theo dõi được câu chuyện từ các bài báo trước nên ta nhắc lại một đôi điều và nói rõ thêm. Trong kỳ trước, ta có nói rằng, nếu chiến tranh hạt nhân bùng nổ thì không còn người thắng trận. Và hứng chịu thiệt hại nhất vẫn là Hàn Quốc, Triều Tiên. Sau nữa là Nhật Bản. Nhưng ta tin điều đó sẽ không thể xảy ra.
Không ít người quan ngại vì Lãnh đạo tối cao Triều Tiên và Tổng thống Hàn Quốc đều là người chưa có kinh nghiệm chính trường và trận mạc. Vâng! Có thể họ chưa nhiều kinh nghiệm thật, nhưng những đồng minh đứng sau họ lại rất giàu kinh nghiệm và khôn ngoan.
Đó là Mỹ và Trung Quốc. Tất nhiên mỗi quốc gia đều có những tính toán riêng. Mọi toan tính, hành động đều vì lợi ích quốc gia của mình là trước hết. Tình hình Triều Tiên căng thẳng, Trung Quốc sẽ có nhiều lợi thế. Trong khi Mỹ, Nhật, Hàn, những đối thủ quay cuồng triển khai các biện pháp ứng phó và đáp trả, Trung Quốc có cơ hội vực dậy nền kinh tế vốn đã rất hùng mạnh của mình, để mong trở thành một cường quốc mạnh nhất hành tinh cả về kinh tế và quân sự.
Nhưng đây là cuộc chiến tranh hạt nhân chứ không phải những xung đột thông thường. Nếu sự việc căng thẳng quá đà, không còn kiểm soát được, dẫn đến chiến tranh hạt nhân ở Triều Tiên thì Trung Quốc cũng khó có được sự an toàn. Bởi thế, ông Tập Cận Bình đã cảnh báo "không cho phép bất kỳ ai làm loạn châu Á" và “gây lộn xộn ở cửa ngõ Trung Quốc”.
Nên nhớ rằng, hiện nay còn hàng ngàn người Trung Quốc đang học tập, lao động, sinh sống tại Hàn Quốc. Nếu chiến tranh hạt nhân bùng nổ, số phận họ sẽ ra sao? Trung Quốc rất có trách nhiệm đối với đồng bào mình. Điều này ta biết rất rõ từ hồi còn học ở Nga kia thím ạ. Nếu người Trung Quốc bị gây khó dễ thì Đại Sứ Quán họ có mặt ngay, rồi Bộ Ngoại giao vào cuộc tắp lự. Phải công nhận Trung Quốc rất có trách nhiệm với đồng bào mình. Trung Quốc lại là nước duy nhất chi phối được Triều tiên phần nào.
Nhưng rồi cuối cùng, vượt qua mọi toan tính, chỉ có Mỹ là thắng lớn trong cuộc khủng hoảng chính trị này. Bằng chiêu bài đối phó, ngăn chặn cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Mỹ đã dàn tên lửa đạn đạo dày đặc trên lãnh thổ Mỹ và các nước đồng minh hướng về Châu Á. Nhưng chỉ có trời mới biết dàn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ấy thực sự chĩa về đâu? Về Triều Tiên hay Trung Quốc? Triều Tiên đâu phải đối thủ của Mỹ! Tuy vậy, sức mạnh của Triều Tiên vẫn là vũ khí hạt nhân. Nếu không có hạt nhân, họ đã thành Iraq. Nhờ có hạt nhân mà họ vẫn còn tồn tại được.
Vì thế, ngăn Triều Tiên từ bỏ sản xuất vũ khí hạt nhân chỉ là chuyện không tưởng. Lính Triều Tiên không phải lính Iraq. Và Triều Tiên cũng không phải Iraq. Mỹ, Nhật, Hàn đều biết rõ điều đó. Và chúng ta hy vọng lò lửa ấy sẽ hạ nhiệt dần.
- Bây giờ lò lửa hạt nhân đúng là đang hạ nhiệt dần lão ạ.
Trần Đăng Khoa:Thế là hay nhất đấy. Tất nhiên cũng không đơn giản. Gần đây, xuất hiện một bài nghiên cứu có tính tham mưu của một học giả Trung Quốc: “Thống nhất hai miền Triều Tiên là xứ mệnh của Kim Jong-un”. Thực tiễn không phải thế. Làm sao Triều Tiên có thể thống nhất đất nước bằng vũ lực được.
Tôi nhớ cách đây không lâu, trong một cuộc gặp gỡ ở nước ngoài, một nhà văn Triều Tiên còn hỏi tôi: “Việc đánh Mỹ để thống nhất đất nước của các bạn tiến hành đến đâu rồi?”. Tôi thông báo với bạn rằng chúng tôi đang đưa đất nước thống nhất đã gần 40 năm lên một tầm cao mới. Bạn cứ nghĩ là tôi nói đùa. Triều Tiên là quốc gia hạt nhân. Nhưng nếu lại dùng vũ khí hạt nhân thống nhất đất nước thì thật nguy hiểm. Và người gánh chịu mọi hiểm họa cuối cùng cũng vẫn là dân thôi.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh khi bàn về tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, ông cho rằng: “Việc đầu tiên của nhà vua có đức – Là đưa dân ra ngoài vòng binh đao”. Câu thơ bàn việc ngàn xưa, nhưng không phải không có tính thời sự.
- Thế còn việc phát ngôn gây sốc của thần đồng Đỗ Nhật Nam…?
Trần Đăng Khoa:Thím và mọi người thấy sốc, chứ ta thì chẳng thấy có gì sốc cả. Rất bình thường. Có thể khẳng định rằng, Đỗ Nhật Nam là cháu bé rất giỏi. Cháu đúng là một Thần đồng, cũng như cháu Nguyễn Bình mà ta từng ca ngợi.
- Lão có để ý đến cuộc tranh luận của cộng đồng mạng về cháu không?…
Trần Đăng Khoa:Có. Rất dữ dội. Và ta không hiểu sao mọi người lại “ném đá” cháu bé hung tợn đến thế. Có người còn lên án cả bố mẹ cháu đã không biết dạy con. Cũng chính vì câu chuyện có vẻ nghiêm trọng như thế mà ta phải lục lại, xem lại những gì cháu đã trả lời phỏng vấn. Cả những cuộc thi hùng biện của cháu bằng tiếng anh về một vấn đề rất lớn so với lứa tuổi cháu là việc bỏ các bản án tử hình. Thật tuyệt vời. Và “soi” ở tất cả mọi góc độ, trong mấy bài phỏng vấn bị ném đá, ta thấy cháu bé không có gì sai cả. Cháu nói được ý mình mà vẫn rất kín kẽ. Không thể bắt bẻ được, cả những vấn đề có tính chính trị. Đấy là tư duy của một người lớn đã thực sự trưởng thành, dù cháu còn ít tuổi.
Cũng có người lại lấy đó làm nhược điểm của cháu, cho rằng cháu chơi trội, ông cụ non, ngạo mạn, đánh mất tuổi thơ. Thím lưu ý: Cháu là Thần đồng. Thần đồng theo đúng nghĩa. Thần đồng là đứa trẻ phi thường, có năng lực vượt trội và làm được những việc phi thường. Vậy thì không nên lấy những đứa trẻ bình thường, những tư duy bình thường làm thước đo tiêu chuẩn để kết tội cháu.
Còn việc cháu chê tranh truyện, ta thấy cũng không có gì phải cáu giận. Ở Việt Nam, tranh truyện đã có thời bị ném đá dữ dội. Ta là người bênh vực tranh truyện đấy. Bênh vực qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, rồi còn viết cả một loạt bài ca tụng tranh truyện, lý giải vì sao trẻ con thích tranh truyện.
Tuy thế, khi Đỗ Nhật Nam phê phán tranh truyện, ta thấy rất bình thường. Bởi cháu có quyền thích hoặc không thích. Nếu cháu cứ luẩn quẩn trong mấy cuốn tranh chuyện, cháu sẽ y hệt con ta, con thím, y hệt hàng ngàn những đứa trẻ khác, sẽ không thành Đỗ Nhật Nam. Còn việc “mắng” cháu khi nói cứ ngước mắt lên, không nhìn người đối thoại thì đúng là rất buồn cười.
Ta lại nhớ đứa bạn ta hồi học phổ thông. Cu cậu bị vổ nên lúc nào cũng nhe răng cười. Đến đám cưới cười thì được, nhưng đi đám ma mà cười thì láo quá. Nhưng khổ! Nó có cười đâu. Nó đang khóc đấy chứ? Nhưng có ai biết nó khóc đâu. Nam là chú bé đã có giai đoạn học ở nước ngoài. Tư duy của trẻ con nước ngoài như thế đấy. Rất tự tin và đĩnh đạc. Nói chuyện với người lớn rất bình đẳng và đàng hoàng.
Tất nhiên cháu còn hơn bởi tư duy vượt trội. Gần đây trên mạng còn xuất hiện videoclip một cháu bé lớp 12, đã thuyết trình hơn một tiếng đồng hồ về những bất cập của cả nền giáo dục với tên gọi “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng”. Một tư duy sắc lẹm. Một cái nhìn rất mới. Một lối nói hấp dẫn và giàu sức thuyết phục. Tôi cho đó là một “công trình” xuất sắc và trung thực nhất về nền giáo dục của chúng ta, còn hơn rất nhiều những công trình nghiên cứu nhạt hoét về giáo dục mà tôi đã đọc. Trẻ em bây giờ như thế đấy. Đừng bao giờ nghĩ chúng ngây ngô. Chỉ có người lớn chúng ta ngây ngô trước chúng. Ta hiểu vì sao mọi sự áp đặt đều thất bại thảm hại, ngay cả áp đặt với trẻ con. Đấy là điều chúng ta cần phải suy nghĩ…
(Còn tiếp)