Phóng viên(PV):Nghe lão “độc diễn” mãi rồi, cũng nghe lão phỏng vấn thiên hạ nhiều rồi, phỏng vấn từ chính khách cho đến người bình dân. Rồi lão còn mặc áo giấy, phỏng vấn ma về nhà văn viết về người với ma là Nguyễn Khắc Trường. Rồi lão còn phỏng vấn hổ ở công viên Thủ Lệ, xem hổ “phán” về ông Thế Lữ, người đã viết về hổ như thế nào trong cuốn sách đình đám “Chân dung và Đối thoại”. Giờ thì em xin được “đấu khẩu” với lão. Lão đồng ý không?

Trần Đăng Khoa(TĐK):
Rất hân hạnh! Ta biết thím có cái lưỡi nhọn rồi. Chả dám “đấu” đâu.

 

PV:
-  Này, “đánh” phụ nữ là không có hay đâu đấy. Chính lão nói thế mà. Lão còn dẫn lời của một học giả nước ngoài rằng, không ai được đánh phụ nữ, cho dù chỉ đánh bằng một nhành hoa thì cũng vẫn là thô bạo…

TĐK: -
Ta đâu có “đánh” phụ nữ, và trong đời, ta cũng chẳng “đánh” ai, dù ngay cả với người rất xấu với mình. Còn nhớ hồi tham gia chương trình “Gặp nhau cuối tuần” số chuyên mục đầu tiên của Đài truyền hình, ta không được xem trước kịch bản, khi ngồi vào ghế khách mời, ta mới biết mình nhầm. Các bạn đồng nghiệp của ta cũng nhầm. Thấy ta cứ tưng tửng vui vui, viết và nói đều tưng tửng vui vui, họ lại tưởng ta là diễn viên hài. Biết là nhầm, nhưng để giữ cuộc vui của bạn bè không vỡ, ta cũng đã diễn vai anh hề cho đến phút chót, dù đó là lĩnh vực ta mù tịt.

Trong chương trình có một nàng hoa hậu thi ứng xử rất “kinh hoàng”, mà ta cần có ngay một lời bình luận. Ta cũng đã thưa rất thực tâm rằng, ta choáng ngợp trước một tòa nhan sắc. Cô ấy đẹp quá. Đẹp đến nỗi ta không bình tâm được. Đầu óc ta hoàn toàn mụ mị. Ta không còn biết cô đang nói gì. Cả khán phòng cười rộ. Ta ngô nghê cười theo. Một nụ cười héo hắt và vô cảm.

Sau này, lại có chuyện tương tự khi có những hoa hậu tung ra những lời lẽ cũng lại rất “kinh hoàng”. Một nữ phóng viên cũng lại phỏng vấn ta qua điện thoại. Ta nhớ lại chuyên mục “Gặp nhau cuối tuần” mà ta đã “xông đất”. Ta nhắc lại, trước phụ nữ đẹp, đầu óc ta thường mụ mị. Ai ngờ tờ báo lại rút tít: “Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Ước gì các hoa hậu đều không có lưỡi”. Bấy giờ ta mới tá hỏa. Tại sao lão Khoa lại “đánh” hoa hậu? Mà rất thô bỉ. Không thể coi đó là ngôn ngữ của một người có văn hóa. Không thể phê phán những gì dưới văn hóa lại bằng những lời lẽ còn thiếu văn hóa hơn. Mình yêu cầu tòa báo phải đính chính. Dù mấy dòng đính chính cũng chẳng ra làm sao…

PV:
- Có bạn đọc bảo, lão Khoa là nhà thơ, sao không làm thơ mà lại cứ đi viết báo, lại bình chuyện giáo dục, chuyện xã hội mà làm gì…

TĐK: -
Thím lại nhầm rồi. Vào quán cơm, sao lại đòi ăn phở? Muốn đọc thơ  thì phải ra chỗ khác chứ. Tết vừa rồi, lão Khoa cũng bày thơ lên báo Văn nghệ đấy. Rồi thỉnh thoảng ở các tờ báo khác. Còn đây là báo Điện tử VOV. Tờ báo này không in thơ. Chuyên mục mà Khoa đang giữ là Blog tòa soạn. Nghĩa là cảm nhận riêng của phóng viên, mà cụ thể hơn, là góc nhìn riêng của lão về những vấn đề thời sự đang nổi cộm. Những điều lão bàn có thể gặp sự đồng cảm của mọi người, có thể chỉ là suy nghĩ của riêng lão. Một quan niệm hoàn toàn mang tính cá nhân. Và lão phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những gì lão nói…

PV:
-Nếu gọi là những gì nổi cộm, thì theo lão chuyện gì đang nổi cộm nhất hiện nay?

TĐK:
Nhiều. Nhiều lắm. Trước hết là bầu không khí nóng bỏng trên bán đảo Triều Tiên. Rồi chuyện tranh cãi dữ dội quanh phát ngôn của thần đồng Đỗ Nhật Nam. Chuyện xé đáp án môn sử tung trắng cả sân trường. Ta sẽ bàn về những vấn đề đó nhé…

PV:
Lão có tin sẽ xảy ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên không?

TĐK:
Không. Bởi cuộc chiến tranh ấy, nếu có xảy ra thì không phải cuộc xung đột bình thường, mà là chiến tranh hạt nhân. Không ai đùa với lửa, trừ những kẻ mất trí. Những người trong cuộc cũng không có ai mất trí cả. Họ đều rất tỉnh táo, đều có những mưu tính riêng. Và rồi họ làm xiếc, đi nhún nhảy trên dây, họ không mang ô để giữ thăng bằng mà vác theo cả những quả bom nguyên tử. Thế rồi họ giả vờ nghiêng ngả, lúc xiêu bên nọ, lúc vẹo bên kia, làm người xem chúng ta sợ đến vã mồ hôi. Nhưng yên tâm. Không có cú ngã nào hết. Bởi đó là những diễn viên siêu đẳng…

PV:
Lão tin thế à?

TĐK:
Không phải ta tin. Mà nhiều người tin. Những người đó đều tài hơn ta, thông minh hơn ta. Hơn trăm ngàn người Việt đang làm việc, học tập, sinh sống tại Hàn Quốc không hề có sự chuẩn bị gì để ứng phó với chiến tranh. Cũng không có cơ quan ngoại giao nào rời khỏi Bình Nhưỡng, dù chính quyền cảnh báo không bảo đảm sự an toàn cho tính mạng của họ.

Vậy họ có liều lĩnh không? Có chủ quan không? Không! Không ai chủ quan cả. Đó là những người tỉnh táo nhất, am tường chiến sự nhất. Họ biết rất rõ sẽ không có gì xảy ra cả. Bởi như ta nói, chẳng ai dại mà đùa với lửa. Bởi thế đến cả diều hâu Mỹ cũng đã hóa thành chú bồ câu hòa bình rồi đó thôi. Chính Mỹ cũng đã chủ động hủy kế hoạch phóng thử tên lửa theo lịch trình đã định sẵn vì “không muốn Triều Tiên hiểu lầm”. Hàn Quốc cũng mong mở lại cuộc đàm phán giữa hai miền và các bên có liên quan về vấn đề hạt nhân. Triều Tiên cũng đã dừng việc phóng thử tên lửa tầm trung vì…sự cố máy tính.

Giới công nghệ phen này lại một lần nữa rực sáng vì vai trò quan trọng của mình, không phải chỉ bằng những phát minh vĩ đại, đã đưa loài người lên những tầm cao, mà còn ghê gớm hơn, họ đã cứu được cả loài người, đã ngăn được cả cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, một cuộc chiến tranh hạt nhân với sự hủy diệt thật là tàn khốc. Thế là hòa. Và hòa trong trận chiến này có nghĩa là ai cũng thắng. Cuối cùng thì cả làng đều vui vẻ. Cầu mong hòa bình cứ ngự trị mãi trên khắp thế gian.

PV:
-Xem ra, lão có vẻ là người lạc quan nhỉ…

TĐK:
-
Ta không phải là người lạc quan. Đúng ra, ta là kẻ bi quan. Nhưng thực tế lại không có gì phải bi quan cả. Rồi đây, có thể Triều Tiên sẽ phóng thử tên lửa tầm trung. Nhưng ta tin cả Mỹ, Nhật và Hàn cũng sẽ thừa khôn ngoan chỉ coi hành động đó như trò chơi trận giả. Bởi chính họ cũng đã rào đón trước rằng, nếu tên lửa Triều Tiên không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và các nước đồng minh của họ thì họ cũng sẽ không ra tay hành động. Ta cho đó là cách ứng xử khôn ngoan nhất.

Và ta tin, rất tin rằng, những quả tên lửa tầm trung của Triều Tiên nếu có được phóng thử thì cũng sẽ “nổ dữ dội” trên một vùng biển hoang vu nào đó trên Thái Bình Dương xa mù, chả ảnh hưởng đến ai. Nếu lại ngăn chặn hay bắn hạ là một việc làm dại dột, vì hành động ấy có thể kích động sự nổi giận lây truyền, dẫn đến những hành động không còn kiểm soát được. Và thảm họa tất yếu sẽ xảy ra. Khi chiến tranh hạt nhân bùng nổ thì không còn người thắng trận. Tất nhiên hứng chịu thiệt hại nhất vẫn là Hàn Quốc và Triều Tiên. Sau nữa là Nhật Bản. Nhưng ta tin điều đó sẽ không xảy ra đâu.

Có người lo vì cả Lãnh đạo tối cao của Triều Tiên và Tổng thống Hàn Quốc đều chưa nhiều kinh nghiệm chính trường và trận mạc. Họ cũng đang cần cơ hội để thể hiện uy tín và sức mạnh của mình.

Ta nghĩ, có thể họ chưa nhiều kinh nghiệm, nhưng những đồng minh đứng sau họ lại rất giàu kinh nghiệm và sự khôn ngoan. Đó là Mỹ và Trung Quốc. Tất nhiên mỗi quốc gia đều có những lợi ích riêng. Mọi hành động đều vì lợi ích quốc gia của mình là trước hết. Nhưng đây là cuộc chiến tranh hạt nhân chứ không phải những xung đột thông thường. Nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra ở Triều Tiên thì liệu Trung Quốc có yên được không?

Ông Tập Cận Bình đã đưa ra lời cảnh báo "không cho phép bất kỳ ai làm loạn châu Á" và “gây lộn xộn ở cửa ngõ Trung Quốc”. Sức mạnh của Triều Tiên là vũ khí hạt nhân. Nếu không có hạt nhân, họ đã thành Iraq. Nhờ có hạt nhân mà họ tồn tại được. Vì thế, khó mà ngăn được Triều Tiên từ bỏ sản xuất vũ khí hạt nhân...

Lính Triều Tiên không phải lính Iraq. Và Triều Tiên cũng không phải Iraq. Mỹ, Nhật, Hàn đều biết rõ điều đó. Và chúng ta hy vọng lò lửa ấy sẽ hạ nhiệt dần. Chí ít cũng chỉ căng thẳng và nóng bỏng, càng ngày càng nóng trong những trận đấu khẩu, còn trên mặt đất bình yên vẫn không có gì xảy ra cả. Cao hơn cả vũ khí hạt nhân còn là con người.Các bạn du lịch muốn khám phá sự bí ẩn của Triều Tiên hay chiêm ngưỡng những thành quả phát triển kinh tế rất phồn thịnh của Hàn Quốc thì xin cứ lên đường. Chúc các bạn an toàn và “thuận buồm xuôi gió”!Qua sự kiện này, có lẽ người được lợi nhiều nhất lại là Mỹ. Vì nhân cớ đó, Mỹ đã nhanh tay đầy nhanh sự hiện diện quân sự ớ Châu Á, bố trí lại bàn cờ chiến lược, củng cố thêm vị thế của Mỹ và đồng minh ở châu lục này. Xét cho cùng, Triều Tiên không phải là đối thủ của Mỹ. Nước khác cơ thím ạ!

(Còn tiếp)