Trong khi đó, trên truyền hình, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận SGK cồng kềnh quá tải. Đấy là Bộ trưởng nói, còn dư luận thì kêu mãi phát chán. Vì thế, chẳng còn nghi ngờ gì nữa, CT-SGK rất có vấn đề, thay càng sớm càng tốt.

Tất nhiên cái mới phải hơn cái cũ, chứ để một bộ CT và SGK nữa ra đời, tiêu tốn cả trăm cả ngàn tỷ đồng của dân, mà không ra gì thì thà không thay còn hơn.

sach_giao_khoa_1_neve.jpg

Lần cải cách SGK năm 2000 đã cho thấy nhiều vấn đề còn tồn tại. (Ảnh: Bích Lan)

Trên báo chí, trong dư luận, các nhà khoa học, các nhà giáo dục đã mổ xẻ phân tích rất nhiều về những hạn chế, thiếu sót trong lần thay sách trước (2000). Không biết tới nay ngành GD đã có những cuộc hội thảo để nghiêm túc rút kinh nghiệm hay chưa. Nếu chưa thì vô cùng đáng tiếc. Bởi vì trong số những người chỉ ra những tồn tại đó có cả những nhân vật từng tham gia xây dựng, biên soạn CT-SGK trong cuộc cải cách năm 2000.

Theo những gì tôi biết thì cách tiếp cận trong việc xây dựng CT, biên soạn SGK kỳ này có nhiều phương án, có nhiều điểm mới. Bộ GD-ĐT giao cho một nhóm trong Viện Khoa học giáo dục nghiên cứu vấn đề này. Song tiếp cận theo hướng nào, mô hình nào thì tới thời điểm này ngành GD vẫn chưa chính thức thông báo tới người dân.

Giáo dục có đặc trưng là liên quan tới mọi nhà. Và mọi người đều có thể tham gia bàn luận trong chừng mực hiểu biết của mình. Trên thực tế, đặc trưng này khiến cho ngành GD nhiều phen lao đao. Song, với một thái độ cầu thị, tôn trọng ý kiến trái chiều và trên tinh thần minh bạch thì phải coi đặc trưng kia là chuyện bình thường. Nó không hề là trở ngại cho những quyết sách đúng đắn.

Và dù CT-SGK lần này được viết theo hướng tiếp cận nào đi nữa thì nó vẫn theo một số nguyên tắc chung. Vì thế, kiểm điểm lại những thiếu sót trước đây là không thừa.

Quay trở lại với một vấn đề cụ thể và rất cũ là nội dung SGK cồng kềnh, CT chưa khoa học. Tôi đã mục sở thị một vài cuộc họp của các nhóm làm sách năm 2000 thì thấy việc dư luận phản ánh cách làm sách “không có tổng chỉ huy” là có cơ sở.

Tương lai của đất nước phụ thuộc vào việc ươm mầm từ trên ghế nhà trường. (Ảnh: Hà Phương)

Trong những cuộc họp ấy, ông tổng chủ biên nói dăm ba câu, ở dưới thì tác giả nói chuyện riêng, chẳng biết có nghe không. Thế rồi người trong Nam về Nam, kẻ ở Bắc lại về Bắc, mỗi người viết một đoạn, một chương, để sau lắp ghép lại thành SGK một môn. Vì không có tổng chỉ huy nên các tác giả, nhất là những cây đa cây đề, thả sức đưa vào sách những nội dung mình tâm đắc, những tác giả tác phẩm mình thân quý… mà sau đó, dù không muốn, nhưng các hội đồng thẩm định cũng tặc lưỡi cho qua.   

Còn việc dư luận kêu viết sách trong khi chưa có CT chuẩn thống nhất cũng đúng nốt. Trong việc xây dựng chương trình, theo như người trong ngành nói, đã có một vài trục trặc, chí ít là đến tay những người biên soạn SGK hơi muộn. Trong khi đó thời gian cuốn chiếu đuổi sau lưng nên người viết đành cứ viết mà đúng ra là phải soạn nội dung sách dựa vào chương trình, vì chương trình được ví nhưng xương cốt, còn nội dung SGK là da thịt.

Đề án 35.000 tỷ đồng để làm sách kỳ này vừa "thò" ra bị phản ứng tơi bời. Ngành GD nói đấy là lỗi kỹ thuật, là trình bày chưa hết nhẽ…Thôi thì sao cũng được, nhưng làm sách lần này, mong ngành đừng lặp lại những lỗi như kỳ trước. 14 năm rồi (tính từ thay sách 2000). Sách hỏng là đi tong một thế hệ phổ thông rồi còn gì? Tương lai dân tộc ở đấy chứ còn ở đâu./.