Hôm trước thấy công văn của Bộ Giáo dục Đào tạo yêu cầu lãnh đạo tỉnh, thành phố phải chỉ đạo báo chí trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi đăng tải thông tin tiêu cực thi cử, mình đã dựng hết tóc gáy.
Hôm nay, thấy Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói lại rằng không có chuyện “chỉ đạo báo chí”. Không những thế, Bộ còn nghiêm khắc với tiêu cực. Bằng chứng là kiên quyết cho đem máy ghi âm ghi hình vào phòng thi; rồi Bộ trưởng còn ngợi ca công lao báo chí vạch mặt tiêu cực, trong khi chưa một đơn vị nào của Bộ phát hiện ra.
Thấy Bộ trưởng nói thế anh em báo chí cũng bớt lo, đỡ buồn, nhưng vẫn băn khoăn. Thử hỏi giá trị pháp lý của công văn kia và lời phân bua của Bộ trưởng ở hành lang Quốc hội cái nào hơn?
Rõ ràng phải thực hiện theo công văn có dấu đỏ và chữ ký hẳn hoi chứ lời Bộ trưởng qua báo chí liệu có chuẩn xác?! Biết đâu báo chí lại diễn đạt sai lệch? Đấy là chưa kể lỗi đánh máy, giờ nhiều lắm.
Nhưng thực thi cái công văn của Bộ trưởng cũng chẳng đơn giản.
Trước nay “báo trung ương” phanh phui tiêu cực giáo dục là chính chứ “báo địa phương” (nơi lãnh đạo tỉnh trực tiếp quản lý) phát hiện được mấy. Chẳng phải anh em làm báo ở những tờ này kém. Có thể họ biết rất sớm, biết nhiều, biết rõ là đằng khác, nhưng vì lý do này lý do kia nên thông tin chưa xuất hiện.
Báo không do lãnh đạo tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý thì can thiệp thế nào đây mà đòi “chỉ đạo”!?
Về phía phóng viên, nếu tuân thủ chỉ đạo của Bộ trưởng thì phải trao đổi với “cơ quan chức năng” nào khi phát hiện tiêu cực? Chủ tịch hội đồng thi của trường, công an hay lãnh đạo tỉnh, thành phố? Mà nghe việc này nó kỳ kỳ thế nào.
Nếu một đơn vị rắp tâm làm sai thì việc trao đổi với cơ quan chức năng khác gì thấy trộm vào nhà, chủ nhà thò đầu ra khỏi màn hỏi có đúng anh là ăn trộm không, để tôi gọi công an?
Thấy Bộ trưởng trình bày với phóng viên ở hành lang Quốc hội mà hoang mang! Hoang mang vì cách đây hai tháng, Bộ vừa ra quy định sai, dư luận phản ứng, phải rút lại. Đó là quy chế thi 2013, yêu cầu phải gửi thông tin tiêu cực thi cử đến nơi quy định, không được phát tán cho người khác.
Hai quy định “nóng bỏng” đều liên quan đến truyền thông và thi cử đủ thấy Bộ trưởng lo thi một, lo báo chí mười./.