1.Năm 1990 là năm định mệnh của Tôi gắn bó với Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên của Tôi về Hà Nội là con đường từ Giảng Võ (nhà ông trẻ của tôi ở A5 Giảng Võ) rẽ qua Cầu Giấy tới Đại học Sư phạm - nơi tôi ôn thi vào Đại học - và đó cũng là con đường của Hà Nội đầu tiên tôi đi.
Hồi đó công viên Thủ lệ chưa đẹp như bây giờ. Đoạn từ khách sạn Daewoo đến đền Voi phục chỉ có hàng cây xà cừ, sau hàng cây là những lán nhà lợp tạm bán luồng, nứa, với sự mưu sinh của đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới. Lúc đó với Tôi, Hà Nội cũng không khác nhiều so với Thành Nam – nơi tôi sinh ra và lớn lên.
Đối với Tôi, cái lạ đầu tiên về Hà Nội là cách sinh hoạt của nhà ông, bà trẻ Tôi. Đặc biệt nhất là bữa ăn. Bàn ăn trông thật đẹp, không chỉ do nhiều món ăn mà phần nhiều do cách bài trí. Bà tôi không dùng mâm, mà các món ăn đặt lên bàn xen kẽ giữa các món. Mỗi chiếc bát ăn được úp lên một cái đĩa. Đôi đũa nằm ngay ngắn và không lệch. Lần đầu ăn tôi run lắm, bởi phong cách ăn ở nhà tôi đơn giản và thoải mái không theo phép tắc nhiều và nồi cơm ở đây không to như Tôi tưởng…
Ông Tôi bảo, bà vốn trước là con Tư sản ở Hà Nội, nên khi bà về làm dâu nhà mình bà rất cẩn thận, ông cháu mình cũng được nhờ. Bà rất nguyên tắc nhưng không khắt khe, bà rất yêu con cháu.
Đó là thứ văn minh đầu tiên mà tôi được hưởng. Và thứ văn minh hơn nữa là tôi đỗ Đại học.
2. Ấn tượng lạ thứ hai của Tôi về Hà Nội là vào thời điểm đó, khu vực cửa phụ của công viên Thủ Lệ (đối diện với trường Đại học Giao thông Vận tải) chưa có các tuyến đường như bây giờ, mỗi buổi sáng sớm là có rất nhiều chiếc xe thồ có hai sọt tập trung và chủ của những chiếc sọt đó là những người nông dân. Tôi cũng không biết hai chiếc sọt đó đựng gì, nhưng mỗi lần qua đây thực sự Tôi thấy mùi không dễ chịu lắm. Sau này Tôi mới biết đó là những chiếc sọt đựng một loại phân bón dùng cho những vườn Hoa, vườn Đào của Hà Nội.
Đó là một phần văn hóa gắn với những làng Hoa nổi tiếng của Hà Nội. Bài hát “Làng lúa Làng hoa” cũng từ đó mà ra, với những cảm xúc đẹp, gắn với sự hồn nhiên, phóng khoáng của hương hoa và mùi đất. Không thể khác, con người ở đâu cũng thế, đều gắn với đất và tự nhiên.
Khi tôi học Đại học, ở Hà Nội xe điện không còn, nhưng đường ray tuyến từ Hà Đông về Hồ Hoàn Kiếm vẫn còn. Bố tôi bảo khi Bố học ở trường Đại học Hà Nội (trước kia là Đại học Ngoại ngữ Hà Nội), chỉ cần vài xu là có thể lên xe điện đến chơi Hồ Hoàn Kiếm. Xung quanh trường Đại học Ngoại ngữ bấy giờ vắng lắm, đêm đến chỉ toàn ếch nhái kêu ì oạp, sinh viên chẳng ai có gan đi chơi khuya bao giờ.
Bố Tôi nói lúc đó Hà Nội cũng khó khăn lắm, trên tàu điện có nhiều người bán nước chè, bánh mì rong để kiếm sống. Bản thân Bố tôi và các bạn cùng lứa cũng phải học trong ánh đèn dầu, bữa đói bữa no. Thỉnh thoảng có Cha, Mẹ ai đó gửi cho đùm khoai, đùm sắn thì tranh nhau ăn khi vẫn còn sống dở. Nhưng lúc đó ai cũng chăm chỉ học với một suy nghĩ rất đơn giản là để thoát nghèo.
3. Con đường Hà Nội đầu tiên Tôi đi hơn 20 năm trước giờ đã thay đổi rất nhiều. Khách sạn Daewoo đã từng là khách sạn sang trọng bậc nhất Hà Nội, nay còn có nhiều khách sạn sang trọng hơn và hàng cây Xà cừ có lẽ cũng sắp bị đốn hạ nhường cho đường sắt cao tốc trên cao. Những chiếc xe thồ hai sọt không còn nữa bởi nhiều khu đô thị mới quá, không còn có nhiều Hoa cần bón phân nữa. Duy chỉ có khu nhà A5 Giảng Võ vẫn còn, ông, bà Tôi vẫn còn, vẫn giữ nếp sống như xưa với căn hộ tập thể tầng 3 cũ mòn theo thời gian.
Ông Tôi đã từng từ chối một căn hộ cao cấp ở Ngọc Hà. Ông chẳng bao giờ giải thích tại sao. Cách đây vài năm Tôi mua được căn hộ mới, Ông đến thăm nhà, ngắm nhà và nói: “Căn nhà của cháu sang hơn cả nhà Thứ trưởng rồi đấy”.
Tôi biết ông vui vì sự trưởng thành của Tôi, nhưng thực ra ngôi nhà của Tôi chẳng to đến vậy và sang đến thế. Tôi cũng không rõ nhà Thứ trưởng sang đến mức nào mà ông lại ví như vậy. Ông không còn sức khỏe để đi và thấy những ngôi biệt thự to lớn hoành tráng trên khắp các con phố Hà Nội, và có lẽ vì thế ông nói thế chỉ để động viên Tôi là chính. Nhưng Tôi cũng hiểu rằng cả đời ông Tôi sống giản dị mặc dù ông được phép hơn thế, và với ông sự sang trọng của ngôi nhà không phụ thuộc vào nó to hay nhỏ, mà chính ở sự trong sạch trong tư cách của mỗi con người.
Ông Tôi cũng là người tỉnh lẻ. Nhiều chục năm qua Tôi chưa thấy ông giận dữ hay mất bình tĩnh bao giờ. Ông bảo thời chiến tranh cũng vậy, nếu mình mất bình tĩnh thì sẽ bị địch bắn chết luôn, trong công việc hay đối xử với con người nếu giận dữ mình sẽ gây hậu quả khó lường. Phong cách sống đó làm cho Bà Tôi rất yêu ông và tự hào về ông. Dẫu là người Hà Nội hay không phải là người Hà Nội thì nhân cách sống, cách ứng xử với con người, với Đời mới là điều quan trọng hơn cả./.