“Hà Nội chán thật, chẳng có chỗ nào chơi”. Đó là câu than cửa miệng của rất nhiều người. Thiếu sân chơi cho trẻ em, thiếu sân chơi cho người lớn. Vì thế mà kỳ nghỉ lễ hay cuối tuần, nếu không có tiền đi chơi xa thì chỉ nằm nhà lướt mạng, hoặc tụ tập cà phê, cà pháo. Đến chơi nhiều nhà, thấy cảnh vợ chồng con cái ăn cơm xong, mỗi người cắm mặt vào một mảnh hình chữ nhật, lớn hoặc bé (tivi, Ipad, smart phone…).
“Chẳng có chỗ nào chơi”, ý người ta nói tới nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần. Thỉnh thoảng thấy có vài live-show ca nhạc của các nghệ sĩ ngôi sao, giá vé tiền triệu, không phải ai cũng có điều kiện đi nghe. Thành phố cũng không có nhiều quán cà phê bình dân đủ rộng để thưởng thức ca nhạc như ở TP HCM.
Nhưng có thật là Hà Nội hoàn toàn không có chỗ chơi? Trong thành phố có khá nhiều rạp chiếu phim rộng rãi, thường xuyên chiếu các bộ phim mới. Thế mà nhiều rạp lúc nào cũng vắng. Người xem thích xem phim ở nhà hơn. “Xem TV ở nhà chả nét à? HBO, Cinemax, đầy đủ các phim hay của nước ngoài. Còn phim Việt Nam hả, thôi không xem cho mất thời giờ (vì hiếm phim hay lắm)”. Nhiều người nói vậy để giải thích cho việc vì sao không đi xem phim ngoài rạp.
Trong khi, rõ ràng thưởng thức một tác phẩm điện ảnh thì phải ra rạp chiếu bóng, màn ảnh rộng, âm thanh vòm lập thể... mới thấy hết được cái hay của nghệ thuật thứ bảy chứ! Còn phim Việt Nam, thì cũng có phim hay, phim dở. Mặc dù phim hay khá hiếm, nhưng không phải không có.
Mới đây, tôi đã dự buổi chiếu phim “Đừng đốt” của đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh cho khán giả là một nhóm học sinh Mỹ. Đa số các bạn trẻ ấy đều nhận xét là bộ phim hay, xúc động. Phim này khi đem chiếu ở Pháp, Mỹ, Hungary và nhiều nước, đã chiếm được cảm tình của công chúng. Còn ở Việt Nam, nhiều người đã từng xem phim đều công nhận đó là một bộ phim đáng xem. Nhưng nếu bạn đứng giữa đám đông và hỏi những người xung quanh ai đã xem bộ phim này thì chắc số người đã xem chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Rạp chiếu bóng đã vắng, rạp kịch cũng đìu hiu không kém. Thế là chỗ chơi thì hiếm, chỗ có thì không ai đến chơi!
Nỗ lực của những người tâm huyết…
Tôi hay đi xem phim rạp kể từ khi biết chị Mai Phương- Giám đốc TTVH Kim Đồng. Chị yêu công việc nên kể từ khi được giao quản lý rạp Kim Đồng thì luôn tìm mọi cách thu hút khán giả tới rạp. Thế là chồng chị, các con chị được huy động cật lực để tham gia vào các công việc của Trung tâm. Chồng chị là đạo diễn điện ảnh, anh giúp chị tổ chức CLB điện ảnh tại rạp, cho các bạn thanh niên đến học và thực hành các việc liên quan đến điện ảnh và truyền hình. Con chị giỏi về công nghệ thông tin, giúp chị làm website đẹp, hiện đại để giới thiệu phim và bán vé qua mạng, chọn chỗ ngồi...
Vé xem phim khá rẻ và thế là túi không cần rủng rỉnh vẫn có thể sinh hoạt văn hoá tinh thần. Thế nhưng, nếu không phải vào dịp đặc biệt thì rạp cũng thường vắng khách.
Các nghệ sĩ luôn có nhu cầu tự thân là được cống hiến cho nghệ thuật. Dịp Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, trước cổng chợ Đồng Xuân tối thứ Bảy hàng tuần có chương trình biểu diễn nghệ thuật ở đường phố. Hát xẩm, hát then, múa trống bồng, hát chầu văn... Người xem đứng, ngồi đông nghịt mà thưởng thức, không có chỗ đàng hoàng như trong rạp, nhưng vẫn bị cuốn theo từng phần biểu diễn rất hấp dẫn và thỉnh thoảng phải trầm trồ thốt lên: hay thế! Theo cảm nhận của riêng mình tôi thấy không gian mở khiến cho các nghệ sĩ diễn sung sức hơn, thăng hoa hơn và cũng cuốn hút khán giả hơn. Đến nay, tối thứ 7 hàng tuần, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam vẫn tổ chức các buổi biểu diễn hát xẩm ở cổng chợ Đồng Xuân và theo tôi, những buổi biểu diễn này đã khiến cho nhiều người tình cờ bước qua mà dừng lại, cũng trở nên quan tâm đến nghệ thuật dân gian của nước mình. Chủ nhật vừa qua, Nhà hát Tuổi trẻ cũng bắt đầu khởi động lại CLB Khán giả yêu sân khấu. Các nghệ sĩ đến sớm để đón tiếp. Mọi người được gửi xe miễn phí. Ngồi trong rạp mát rượi, ghế êm, thưởng thức những vở hài kịch dí dỏm, châm biếm sâu cay các thói hư tật xấu của con người. Các nghệ sĩ đã bỏ ra cả buổi sáng chủ nhật để phục vụ miễn phí các khán giảm tham gia CLB. Những tràng cười sảng khoái, những tiếng vỗ tay vang dồn chứng tỏ sự hài lòng của hàng trăm người có mặt tại nhà hát.
Để có được một vở kịch như vậy, phải đầu tư bao nhiêu khâu, nào kịch bản, dàn dựng, diễn viên tập luyện… Vậy mà một tấm vé xem kịch chỉ có giá 100.000 đồng. Với các hội viên, Nhà hát sẽ áp dụng hình thức mua 1 tặng 1, tức là vé còn có 50.000 đồng. NSUT Chí Trung, Chủ nhiệm CLB còn cho biết, nhà hát sẽ dạy cho những người lớn nghệ thuật diễn xuất và dạy trẻ em hát, múa; tạo sân chơi cho mọi người, khơi gợi lòng yêu nghệ thuật nhằm cuốn hút mọi người đến với sân khấu. Dĩ nhiên, anh cũng nhấn mạnh, Nhà hát tập trung chú trọng vào chất lượng của các tác phẩm nghệ thuật đưa đến cho công chúng, bởi có hay thì người xem mới đón nhận.
Nghệ sĩ Chí Trung và Ngọc Huyền tronghài kịchGiấc mơ trúng thưởng (ảnh: FB Chí Trung) |
Nhu cầu giải trí trong đời sống hiện nay được coi là một trong những nhu cầu căn bản của con người. Những sản phẩm giải trí ở mức cao chính là nghệ thuật. Nghệ thuật giúp thư giãn tâm hồn, giải thoát những cảm xúc tiêu cực, hướng con người tới những giá trị chân-thiện-mỹ. Giáo dục nghệ thuật có một sứ mệnh đào tạo con người, huy động sức mạnh tiềm tàng trong cơ thể ta. Không phải ngẫu nhiên ngay từ thời cổ xưa nhất, nghệ thuật đã được nhìn nhận như một phương tiện giáo dục. Ý nghĩa ứng dụng của nghệ thuật xét đến cùng đều được quy vào tác động giáo dục của nó.Các hình tượng nghệ thuật có thể góp phần tạo nên lý tưởng trong những người trẻ, giúp họ biết sống tốt, sống vì mọi người. Ví dụ, giới trẻ luôn có nhu cầu về thần tượng, những người mà họ có thể đặt niềm tin vào đó, để từ đó sống tốt hơn. Và hình ảnh bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong phim “Đừng đốt”, trên thực tế đã trở thành một hình tượng lý tưởng, vừa gần gũi vừa cao cả thiêng liêng, có thể khơi dậy lý tưởng cống hiến ở những người trẻ. Sống có lý tưởng, người trẻ sẽ không thờ ơ vô cảm trước những điều phi lý, bất công. Sẽ không vì những lợi ích vật chất mà chạy theo lối sống thực dụng, đôi khi vì tiền đánh đổi cả giá trị nhân phẩm con người. Sẽ không phát cuồng để tạo ra những scandal đang nhan nhản lưu truyền trên mạng. Sẽ không manh động giết người hay tự tử vì thất tình…
Đời sống hối hả thực dụng như một trào lưu cuốn phăng nhiều thứ giá trị từng được nâng niu trong quá khứ. Người ta buồn vì những chuyện tiêu cực. Người ta phiền vì những suy thoái đạo đức. Vậy làm thế nào để xã hội tốt đẹp hơn? Dĩ nhiên cần nhiều giải pháp tổng thể. Nhưng cơ bản nhất là giáo dục con người sống tốt, hướng thiện, mà văn hóa nghệ thuật có thể góp một phần quan trọng để làm nên điều ấy.
Lại nói về những người tâm huyết, như giám đốc Mai Phương, như nghệ sĩ Chí Trung, như những nghệ sĩ mang chiếu chèo, mang gánh hát xẩm ra diễn miễn phí ngoài đường phố… Họ đã và đang bỏ nhiều công sức và nỗ lực sáng tạo để làm tốt công việc của mình- mang lại một sân chơi cho người lớn, trẻ em không chỉ ở Hà Nội, làm cho đời sống văn hóa tinh thần của mọi người phong phú hơn.
Vậy công chúng cũng nên thay đổi cách nghĩ, mở lòng ra một chút, ủng hộ những người tâm huyết ấy. Sân chơi đã có, còn ngại gì mà không thử bước ra chơi ?./.