Hà Nội đang chuyển mùa với chút gió se lạnh của một mùa đông muộn. Bây giờ đang là cuối tháng 11, như vài năm trước là đã đón mấy đợt rét lạnh thấu. Giờ cũng đang vào mùa cưới – “Mùa chim làm tổ” của những đôi uyên ương.
Bình thường thì có lẽ tôi cũng không để ý đến dịp cuối năm này với mùa xây tổ ấm, nếu như không được chứng kiến một khung cảnh khá lãng mạn trên con đường đi làm về qua Tràng Tiền Plaza, nơi ngã tư Hàng Bài – Tràng Tiền. Khi đường phố lên đèn thì cũng là lúc ở ngã tư sát bên Hồ Gươm này, những cặp cô dâu-chú rể rạng ngời hạnh phúc líu ríu làm dáng để chụp ảnh cưới. Dù thời tiết se lạnh, có lúc lất phất mưa, nhưng để có được những khuôn hình đẹp với khung cảnh khá Tây bên hành lang của Tràng Tiền Plaza, những cặp cô dâu-chú rể và ê-kíp chụp ảnh đã mất khá nhiều thời gian.
Một cặp cô dâu-chú rể chụp ảnh cưới bên hành lang của Tràng Tiền Plaza (ảnh: Internet) |
Cảnh tượng những cặp đôi trẻ trắng tinh trong bộ đồ cưới làm dáng chụp ảnh đã thu hút sự quan tâm của không ít khách đi đường và cả du khách nước ngoài. Khách nước ngoài khi đến đây đều dừng lại chỉ chỏ bình phẩm với một sự ngạc nhiên và thích thú. Họ giương máy ảnh chụp lại những khoảnh khắc này, thậm chí còn đứng lại khá lâu để xem. Người đi đường cũng có nhiều người vừa đi xe vừa ngoái cổ lại nhìn. Nhất là lúc đèn giao thông nơi ngã tư báo đèn đỏ, mọi người đều quay qua xem thưởng thức như một Show trình diễn. Có người còn mải xem đến quên cả lúc đèn giao thông đã chuyển sang tín hiệu xanh, làm khổ cho những người khác phía sau vội đi về phải bấm còi inh ỏi thúc giục. Một góc Hà Nội đẹp và sang trọng.
Các bạn trẻ ngày nay thật may mắn vì điều kiện kinh tế tốt hơn trước rất nhiều. Ảnh cưới bây giờ đòi hỏi phải đẹp, lạ, sang trọng, thậm chí được chụp rất cầu kỳ, kiểu cách với số tiền bỏ ra không nhỏ. Nhớ thời bao cấp khó khăn (những năm 70-80) mà hồi đó còn nhỏ, bọn trẻ chúng tôi khoái nhất hai trò trong đám cưới là nhặt hôi pháo còn sót lại và bất thình lình chạy vào đứng cạnh cô dâu-chú rể khi chụp ảnh để có mặt mình trong đó. Chuyện chụp ảnh hồi đó cũng là một việc “sang” mà không phải lúc nào cũng có điều kiện được chụp. Những bức ảnh đen-trắng thời xưa, nhất là ảnh cưới, ở không ít gia đình đến nay vẫn luôn được mọi người trân trọng và được treo ở những nơi trang trọng trong nhà như phòng khách, phòng ngủ.
Sau này, khi học ngành báo chí, tôi cũng cố gắng vay mượn để sắm cho mình một chiếc máy ảnh cũ hiệu Olympus, mua ở một cửa hàng trên phố Bạch Mai-Hà Nội. Ông chủ cửa hàng đó khi bán chiếc máy này rất “rắn” về giá cả, không bớt một đồng nào bởi đó là chiếc máy mà ông tự mua ở nước ngoài, đã dùng đến chục năm và rất bền. Đó là chiếc máy ảnh đầu đời mà mình có nên quý lắm, luôn nâng niu như báu vật. Tuy đã có máy nhưng không phải lúc nào thích là giơ lên chụp xoành xoạch như máy ảnh kỹ thuật số như bây giờ, vì tiền mua phim để chụp với sinh viên cũng là một vấn đề. Trước khi chụp bất cứ một kiểu ảnh nào đều phải suy nghĩ thật “chín chắn” mới dám “bóp cò”.
Sau đó, tôi cũng được bạn bè tín nhiệm “bắt” chụp ảnh đám cưới của họ, từ ăn hỏi, dạm ngõ đến ngày tổ chức hôn lễ. Ông bạn nào trước khi chụp cũng chỉ dúi vào tay tôi mỗi một cuộn phim rồi yêu cầu “phải có ảnh đầy đủ đấy nhá!”. Khổ nỗi, bạn mình có biết đâu rằng mỗi cuộn phim chỉ chụp được khoảng 36-39 kiểu. Nên để “phải có đầy đủ” như yêu cầu của bạn, thường thì tôi cũng phải tự mua thêm 1-2 cuộn nữa mới tự tin khi tác nghiệp. Đến giờ, khi đến nhà bạn chơi, xem lại những ảnh mình chụp đám cưới mà vẫn thấy ngồ ngộ: Ảnh không đẹp lắm về kỹ thuật, nhưng được cái “sạch nước cản” và “đầy đủ” các công đoạn của một lễ cưới. Âu đó cũng là những trải nghiệm thú vị khi “tác nghiệp trái tay”.
Mùa cưới, nghĩ về hạnh phúc gia đình, những tổ ấm lứa đôi sau sự khởi đầu của mỗi cuộc hôn nhân trong cuộc sống hiện đại, đa chiều ngày nay mà sao thấy băn khoăn. Cuộc sống và hạnh phúc gia đình giờ đây dường như bị chi phối theo nhiều tiêu chuẩn của mỗi người, mỗi tổ ấm. Hạnh phúc về vật chất, về tinh thần, về thụ hưởng và cả ước vọng trước thực tiễn cuộc sống “nhanh-chậm”, hèn-sang.
Một người đồng nghiệp lớn tuổi mà tôi rất kính trọng, trong một lần đàm đạo về cuộc sống, hôn nhân, gia đình từng nói: “Hồi đất nước còn khó khăn thì hạnh phúc mỗi nhà ai cũng gần như nhau cả. Vợ chồng khi lấy nhau cũng không có tài sản gì đáng giá, nhưng đều cùng nhau vượt qua khó khăn xây dựng gia đình, cố gắng lo cho con cái được tốt nhất. Có lẽ trong ý niệm của những cặp vợ chồng như thế hệ tớ, chẳng mấy ai có khái niệm lập gia đình rồi, đến khi gặp khó khăn, mâu thuẫn, lời qua tiếng lại là đưa ngay nhau ra tòa ly hôn. Tuy vất vả nhưng khi có khúc mắc cũng đều cố gắng để “cơm lành, canh ngọt”. Điều đó cũng do nhiều yếu tố của “thời đại” mà thành. Nhưng giới trẻ bây giờ, sau hôn lễ long lanh sắc màu thì chuyện giữ được hạnh phúc gia đình cũng gian nan đấy. Bất đồng trong cuộc sống là có thể đưa nhau ra tòa ly dị, rồi thời gian sau lại lập một tổ ấm mới nhanh chóng. Vậy giá trị của hạnh phúc trước đây và ngày nay có khác nhau không? Điều này cũng khó lý giải. Có lẽ mỗi cặp vợ chồng ngày nay cần ít nhất là 5 năm sống với nhau, cùng trải qua mọi khó khăn của cuộc sống thì mới hiểu được giá trị của hạnh phúc, để mà cùng gìn giữ tổ ấm của mình”.
Người ta vẫn thường nói “Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội”. Mỗi một gia đình có ấm êm, hạnh phúc thì xã hội, cộng đồng sẽ thêm ổn định, thái bình. Mỗi một cuộc hôn nhân đều là sự khởi đầu và chỉ có sự trải nghiệm, cảm thông trong cuộc sống mới tạo nên hạnh phúc.
Hà Nội trời vẫn se lạnh của một mùa đông muộn và đang vào “mùa chim làm tổ” của những cặp uyên ương./.