Với học sinh lớp 1, cái ngày “khai giảng” thiêng liêng lắm! Nhưng cũng chính khối lớp này lại bị “tập khai giảng” tra tấn nhiều nhất. Bởi vì các em chân ướt chân ráo từ mầm non bước vào lớp 1 với bao bỡ ngỡ, vụng về, hồn nhiên nên các thầy các cô cần phải “tập”. Tập 1 buổi chưa thuộc cách đi cách đứng, tập tiếp bao giờ nhớ thì thôi. Thế là cái ngày khai giảng đáng nhớ kia, vô hình chung trở nên nhàm chán. Đến hôm khai giảng thật thì nhiều em đã chán. Vậy là trong ký ức trẻ thơ chỉ còn đọng lại những buổi tập cùng những lời hò hét vất vả và nhẫn nại của giáo viên.
Một buổi khai giảng hoành tráng, nề nếp, chính quy như quân đội với học sinh ngay lối thẳng hàng, ngàn cặp mắt hướng lên lễ đài lắng nghe tiếng thầy cô, tiếng trống… cũng tuyệt vời đấy, nhưng hãy để nó đến một cách tự nhiên. Còn nếu không được thì cũng không nên lấy đó làm việc hệ trọng.
Tôi đã được dự khá nhiều lễ khai giảng năm học mới với sự tham dự của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo tỉnh, thành phố hoặc cấp cao hơn, thì thấy rằng nhà trường chuẩn bị cho ngày ấy kỳ công lắm! Các thầy các cô mất ăn mất ngủ để tập rèn cho các em (tập đi, tập đứng, tập chào đến tập hát, tập nói…) để cho lãnh đạo vui mắt. Có thể những vị lãnh đạo cũng không cần thiết mọi việc phải toàn mỹ đến như vậy, nhưng hình như đã thành lệ, chỉ khổ học sinh.
Nếu được lựa chọn, tôi thèm chứng kiến sự vô tư, hồn nhiên, bỡ ngỡ của học sinh, cho dù có hơi bị “xô lệch”, chệch ra ngoài khuôn phép, hàng lối một tí, nhưng thật; còn hơn là dõi theo cái gọi là ngăn nắp, chỉnh tề đến cứng nhắc, máy móc, nặng nề… mọi sự cứ phải cương lên, gồng lên một cách gượng ép.
Rồi lãnh đạo sẽ có mấy lời với học sinh và giáo viên, học sinh cũng phát biểu suy nghĩ trước thềm năm học mới. Hầu hết đều đọc một bài chuẩn bị sẵn, phần nhiều là sáo, nghe rất kịch. Vị lãnh đạo nào tự viết hoặc nói thêm ngoài văn bản nghe còn chút hứng thú, còn không thì…
Các vị lãnh đạo nói những điều như thế với ai? Chỉ các thầy là hiểu nổi thôi chứ trò chắc chịu. Còn các em, có chắc là phát biểu những điều học sinh nghĩ không hay “nói hộ” suy nghĩ của các thầy?
Rồi báo chí cũng chăm chút hơn, cận cảnh hơn với các vị lãnh đạo, thu âm tiếng trống họ đánh, lời họ nói, bước chân họ đi... Hình ảnh của học sinh ngồi la liệt đầy sân trường như bị đẩy ra xa, bị xóa nhòa.
Tôi đã nhiều lần tự hỏi: Tại sao không phải chính các em đánh lên tiếng trống của trường mình? Tiếng trống ấy có thể yếu ớt nhưng nó là của các em, từ đôi tay của chính các em. Nó sẽ là niềm tự hào của triệu triệu phụ huynh và học sinh trên đất nước này.
Một ngày lễ trọng của học sinh mà đưa các em xuống hàng thứ yếu như thế thì chắc chẳng ai muốn đâu. Cứ long trọng kiểu này không khéo lại biến ngày khai giảng của trò thành ngày khai giảng của thầy và các chính khách.
Tôi chưa được dự lễ khai giảng năm học mới ở Mỹ nhưng nhiều người Việt chia sẻ rằng, ngày khai giảng đích thân hiệu trưởng, thậm chí cả thị trưởng, ra đón các em từ cổng trường. Ngày khai giảng cũng như ngày tốt nghiệp, học sinh được ngồi ở vị trí trang trọng chứ không phải cầm cờ đội nắng đội mưa đón phái đoàn hoặc ngồi chờ vỗ tay theo hiệu lệnh.
Vẫn biết ở Mỹ lớp 1 chỉ trên chục em, một trường tiểu học đông lắm cũng chỉ 600-700 học sinh, thế nhưng nếu đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu thì thiếu gì cách. Và một ngày không xa, khai giảng sẽ đầy ắp nụ cười thay cho những khuôn mặt và ánh nhìn âu lo của trò và của cả phụ huynh. Ngày đó, các loại khẩu hiệu “Vì học sinh thân yêu”, “Vì tương lai…”, “Học sinh là trung tâm”…, sẽ biến thành hành động cụ thể chứ không phải lời nói suông, treo đầy cổng đầy tường để lấy không khí nữa./.