Ai cũng biết con số điều tra ở Việt Nam độ tin cậy ở mức vừa phải, hay nói chính xác hơn là có sự chênh lệch với thực tế và với cách điều tra khác nhau. Thế nhưng người ta vẫn hoảng, chắc một phần vì bức xúc với giáo dục.
72.000 sinh viên thất nghiệp không có gì phải hoảng. Điều này đã được dự báo từ trước, khi mà chúng ta quyết định thành lập nhiều trường đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, để bằng chị bằng em, tỷ lệ sinh viên trên vạn dân cũng cao vòi vọi (mà gần đây đã điều chỉnh hạ thấp). Hơn nữa, một quốc gia được đánh giá đang trong thời kỳ dân số vàng, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao, số về hưu phải thay thế thấp, ai vào biên chế coi như đời đời ấm no…, thì 72.000 sinh viên ra trường thất nghiệp có gì lạ.
Bước vào kinh tế thị trường, cung cầu có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất thì cung tăng, cầu giảm cũng là một dấu hiệu tích cực để mỗi cá nhân, từng nhà trường phải tăng chất lượng hoặc tìm hướng đi, ngành học phù hợp. Đâu phải thời bao cấp mà đòi hỏi sản phẩm sản xuất theo kế hoạch và có địa chỉ bao tiêu, bất luận tốt xấu.
72.000 cử nhân thất nghiệp sẽ giúp thanh niên thận trọng, tỉnh táo và khôn ngoan hơn trong chọn ngành chọn nghề. Đồng thời rèn luyện khả năng dám chấp nhận, dám thay đổi bản thân. Trong một thế giới biến chuyển chóng mặt như hôm nay thì nên điều chỉnh nghề nghiệp cho phù hợp với xã hội chứ đừng ngồi chờ cuộc sống gọi tên mình.
Nhân đây cũng nói luôn chuyện chợ luận văn mà dư luận và cả một số nhà quản lý từng bức xúc, rên rỉ. Có vị đòi dẹp?! Thời đại Internet phủ ra cả ruộng rau mà dùng các biện pháp hành chính truyền thống thì sao cấm nổi? Cái gì ở trên mạng bây giờ chả có. Tại sao không đặt vấn đề ở khâu chấm luận văn, cách thi cử ở đại học? Luận văn tiến sỹ, thạc sỹ không có cái mới lấp lóe trong đó mà cũng chấm cho qua thì lỗi thuộc về ông thầy (hướng dẫn, hội đồng chấm) chứ đừng đổ hết cho cái chợ.
Tư duy giáo dục luẩn quẩn như như thế thì “đổi mới toàn diện và căn bản” e khó trăm bề. Dĩ nhiên đổi mới tư duy giáo dục không chỉ riêng ngành giáo dục mà quan chức từ hàng xã hàng huyện và bản thân phụ huynh cũng phải thay đổi thì mới được. Nhiều hạn chế, tiêu cực trong nhà trường hiện nay xuất phát từ quan chức địa phương. Không có tư duy mới về giáo dục thì mọi thay đổi đều là tiểu tiết, như dùng dầu gió chữa bệnh ung thư, tốn tiền dân mà hiệu quả chả biết thế nào.
Thời đại toàn cầu hóa, thời kỳ hội nhập, thế hệ 9x là công dân toàn cầu. Vậy hà cớ gì không tiếp thu những cái hay (phù hợp) trong lĩnh vực giáo dục mà các nước tiên tiến đã nghiên cứu và áp dụng? Nói như GS Hồ Ngọc Đại là bây giờ nếu nghiên cứu chế tạo thành công cái cày chìa vôi bằng vàng đi nữa thì nó vẫn là cái cày trâu kéo, không bao giờ là chiếc máy cày.
Luận điểm trên sẽ có nhiều người sử dụng “tính dân tộc”, “tính kế thừa”, “văn hóa”…để phản biện. Trước khi trao đổi việc này, chúng ta cùng nhau trả lời xem tại sao học sinh Việt Nam du học đều học được, học tốt và hầu hết đều “nên người”.
Hãy mạnh dạn tậu hẳn một chiếc máy cày để dùng, dĩ nhiên là phải chấp nhận phá tan bờ vùng bờ thửa để lấy chỗ máy chạy. Cuộc cách mạng nào chả tổn thất, cuộc giải phẫu nào không đau?
Chính khách và nhà cải cách có hai khuôn mặt. Nhà cải cách dốc sức lo cho sự thành bại của cuộc cách mạng, còn chính khách phải bận bịu với đám đông.
Hôm rồi xem chương trình “Dân hỏi bộ trưởng” trên vô tuyến, thấy Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời về giáo dục, nghe cuộc đổi mới sắp tới có vẻ yên ổn quá, yên tâm quá, thuận lợi quá…đâm ra lại lo lo./.