Mới đây, vào những ngày cuối tháng 1/2013 này, tại Trung tâm Triển lãm Nghệ thuật 45 Tràng Tiền Hà Nội, đã có cuộc triển lãm ảnh đặc biệt, không phải ảnh nghệ thuật, mà ảnh phóng sự báo chí, ảnh đời thường, nhưng lại có sức thu hút công chúng rất mãnh liệt.

Đó là triển lãm cảnh “ngủ gầm giường, ngủ hành lang bệnh viện” với hơn một trăm bức ảnh. Mỗi bức ảnh là một hoàn cảnh, một nỗi đời, một cảnh ngộ. Tác giả của những bức ảnh này, không chỉ là những phóng viên, những ký giả, cộng tác viên của Trung tâm Sức khỏe và Dân số, mà còn là những người bình thường. Họ là bệnh nhân hoặc người nhà đi theo chăm sóc bệnh nhân. Họ ghi lại những khoảnh khắc mình đã thấy hoặc đã trải qua, không phải có ý thức làm nghệ thuật, mà chỉ đơn giản giữ lại những kỷ niệm theo kiểu “thấy gì ghi nấy”. Chính vì thế mà nó rất chân thật và sinh động.

benh-nhan.jpg
Triển lãm cảnh “
ngủ gầm giường, ngủ hành lang bệnh viện”, có sức lay động lương tri những người tử tế 

Không phê phán ngành y tế, chỉ phơi ra một thực trạng mang tính sẻ chia. Chính thế lại đắng đót, lại có sức lay động lương tri những người tử tế. Chỉ những trái tim và tâm hồn lạnh giá mới có thể dửng dưng.

Cuộc triển lãm đặc biệt này cũng đã lên mạng nhiều trang baó điện tử chính thống. Tôi không biết các vị lãnh đạo, các nhà quản lý nghĩ gì khi nhìn những cảnh đời nơi “gầm giường chiếu đất” này? Còn tôi, bao trùm lên mọi cảm giác là nỗi đau xót đến se thắt cả gan ruột.

Lại nhớ đến buổi “vi hành” của bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến xuống các bệnh viện cơ sở. Bò từ gầm giường ra chào bà là các bệnh nhân nhí bị ung thư. Rồi những bệnh nhân hiểm nghèo chờ xạ trị ba người ghép một giường. Nhiều khi bệnh nhân phải nằm chen chúc dưới gầm giường, nằm tràn cả ra hành lang bệnh viện trong thời tiết mưa ẩm và giá lạnh. Sống lay lắt như thế, ngay cả một người khỏe mạnh cũng có thể gục đổ, chứ không còn nói đến những con người bất hạnh, lại mang trong mình trọng bệnh mà sự sống mong manh chỉ tính bằng những khoảnh khắc.

Ta hiểu nỗi khổ tâm của bà Bộ trưởng Bộ Y tế. Nhưng chẳng lẽ lại cứ để tình trạng quá tải ở các bệnh viện diễn ra mãi như thế này sao? Hiện nay, Hà Nội đã mở rộng đến hết cả tỉnh Hà Tây cũ, còn nới thêm một phần của tỉnh Hòa Bình, chẳng lẽ vẫn không có đất để xây bệnh viện sao? Đành rằng kinh tế suy thoái trong phạm vi toàn cầu, nợ công ở nước ta cũng lên đến ngưỡng đáng phải quan ngại, Tết năm nay, nhiều cơ quan không có tiền thưởng cho nhân viên, có doanh nghiệp còn nợ cả tiền lương, dẫn đến cảnh tao loạn: Công nhân vác ghế phang giám đốc rồi sẵn sàng vào tù, nhưng cũng không phải vì thế mà không xây được bệnh viện cho dân.

Không kể những vụ thất thoát khổng lồ đến hàng ngàn tỷ đồng như vụ Vinashin rồi tiếp đến là Vinalines, chúng ta vẫn còn chi hàng ngàn tỷ đồng để xây Trụ sở làm việc, Bảo tàng Quốc gia, rồi hàng trăm rạp hát, nhà văn hóa. Đành rằng xây trụ sở, xây bảo tàng hay rạp hát cũng rất quan trọng, rất cần thiết, nhưng đem những công trình ấy, so với những công trình cấp bách, cần phải làm ngay, như bệnh viện cứu chữa điều trị cho dân, hay những lớp học cho trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa thì cái gì cần ưu tiên trước nhất? Tất nhiên là bệnh viện và lớp học rồi.

Tôi hoàn toàn đồng ý với Vân Thiêng, ông bạn đồng nghiệp của tôi ở VOV: Xây thêm nhà hát, rạp chiếu phim cũng là cần thiết, bởi đấy là những thiết chế văn hóa đặc biệt gắn với trình độ và nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của nhân dân. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, nhiều nhà hát mà số buổi sáng đèn mỗi năm chỉ đếm được trên mấy đầu ngón tay, nhiều nhà hát, rạp chiếu phim đã làm "dịch vụ cho thuê đám cưới". Ngân sách là tiền thuế của dân. Vì vậy, đầu tư cái gì, đầu tư lúc nào là điều phải tính toán để đồng tiền ấy phát huy hiệu quả cao nhất. Việc xây dựng trụ sở cơ quan khang trang hiện đại và các công trình văn hóa là cần thiết trong quá trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, chưa thấy có chuyện vì thiếu rạp mà hai, ba người phải ngồi một ghế để xem biểu diễn nghệ thuật, cũng chưa có ai chui dưới gầm ghế người khác để xem phim. Trong khi, cảnh hai, ba bệnh nhân phải nằm chung một giường, thậm chí có bệnh nhân phải chịu cảnh “gầm giường chiếu đất” thì đã thấy nhỡn tiền và sẽ còn hiển hiện ở rất nhiều bệnh viện lớn khác nữa.

Có thể giải quyết dứt điểm nạn quá tải ở các bệnh viện ấy được không? Hoàn toàn có thể giải quyết được, nếu chúng ta thực sự vì dân, lo cho muôn dân. Chỉ cần tiết kiệm trong chi tiêu, loại bỏ những chi phí chạy theo bề nổi, hoàn toàn mang tính hình thức, rất tốn kém mà không có hiệu quả thiết thực, như các lễ hội rầm rĩ ở rất nhiều tỉnh thành, hay kiểm tra, giám sát chặt chẽ các công trình, tránh được những thất thoát để tiền dân trôi hết ra sông ra bể, như Vinashin hay Vinalines là có thể xây được hàng ngàn bệnh viện, trường học rồi.

Chỉ cần tiết kiệm, bớt hoang phí trong những khoản chi tiêu vô bổ, chúng ta đã cứu được bao nhiêu kiếp người bất hạnh. Điều này là hoàn toàn có thể làm được. Bởi đã có địa phương làm được rồi. Một ví dụ điển hình là Đà Nẵng. Vâng, tôi vẫn lại phải nhắc đến Đà Nẵng. So với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hay các địa phương khác, Đà Nẵng không thuận lợi ở vị trí địa lý, cũng không tiện về giao thông, lại bị chiến tranh tàn phá khốc liệt nhất, số người hy sinh cũng lớn nhất, đã thế khí hậu lại khắc nghiệt, bão gió, lũ lụt liên miên. Một tỉnh rất nghèo. Vậy mà nay đã thành một đô thị hiện đại, một thành phố nề nếp, sạch sẽ (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) và quy củ nhất nước. Trước khi rời Đà Nẵng, ngay mới đây thôi, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh còn kịp khánh thành một bệnh viện.

Đó là bệnh viện ung bướu có quy mô 500 giường với 27 khoa và  phòng, trước mắt đã đưa vào sử dụng 200 giường bệnh với đội ngũ hơn 70 bác sĩ, cùng các chuyên gia, y tá, điều dưỡng có trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị y tế bệnh viện được đầu tư hiện đại, chất lượng, với các hệ thống máy xạ trị, y học hạt nhân, gia tốc tuyến tính.

Đặc biệt, đây là bệnh viện dành cho những người nghèo có hộ khẩu Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung. Sau khi trừ phần Bảo hiểm y tế thanh toán, các bệnh nhân nghèo sẽ được miễn phí toàn bộ tiền chi trả. Người nhà đi theo chăm sóc bệnh nhân cũng sẽ được hưởng chính sách ăn, ở miễn phí tại bệnh viện với bếp ăn từ thiện. Điều trị miễn phí hoàn toàn cho bệnh nhân nghèo là chính sách nhân văn đặc biệt mới chỉ có ở Đà Nẵng.

Bây giờ thì ta hiểu được vì sao người dân Đà Nẵng lại yêu mến Nguyễn Bá Thanh đến như thế. Và không phải chỉ có dân Đà Nẵng, nhân dân ở rất nhiều địa phương khác cũng rất quý yêu ông. Chúng ta rất tin rằng, trong công cuộc đổi mới của Đảng, của Đất nước, vì miếng cơm manh áo của dân, ông sẽ không bị đứt gánh giữa đường. Viết đến đây, tôi lại chợt giật mình nhớ đến câu ca dao:

Thương dân, dân lập đền thờ

Hại dân, dân đái sập mồ lụn xương

Làm điều ác, đặc biệt là ác với dân, đâu phải cứ hạ cánh được an toàn là đã an toàn. Bây giờ, làm một cán bộ mà được dân tin, dân yêu  đâu  phải dễ.../.