Câu chuyện bắt đầu từ cuộc tranh luận ở Nghị trường, có sự khác biệt về quan điểm giữa ông Dương Trung Quốc với ông Hoàng Hữu Phước. Sự khác nhau là bình thường. Thậm chí rất hay. Nhờ sự khác nhau, thậm chí trái ngược nhau mới có những cuộc tranh luận. Và rồi qua các cuộc cọ xát tranh luận ấy, chân lý sẽ dần sáng tỏ. Do đó, chúng ta mới có những quyết sách đúng đắn. Tránh được sự thiển cận và sai lầm.
Tranh luận ở Nghị trường, dù quyết liệt, gay gắt hay ôn hòa thì cũng đều rất tốt. Nếu thời gian ở nghị trường không đủ thì có thể tiếp tục trong các trang báo hay trên Blog cá nhân. Việc ông Phước viết bài về ông Quốc trên Blog của mình cũng không có gì sai, nếu ông chỉ tranh luận theo đúng nghĩa, để tìm ra chân lý vì lợi ích chung. Nhưng điều đáng bàn, và cũng chính là lý do khiến công chúng nổi giận, là ông không tranh luận mà lợi dụng tranh luận để bôi nhọ và hạ nhục một Đại biểu Quốc hội khác.
Tranh luận không phải là cãi vã. Tranh luận khác cãi vã ở chỗ, tranh luận có nghĩa là đối thoại, và đối thoại là cùng nghe nhau để cùng điều chỉnh mình, dẫn đến sự đồng thuận, nhằm tiếp cận chân lý vì mục đích chung. Còn cãi vã là tranh giành thắng thua, là chỉ nhăm nhăm tìm sơ hở của đối phương để ra đòn hạ gục, nhằm thỏa mãn mục đích cá nhân. Đối tượng chính mà ông Phước cần thuyết phục không phải ông Quốc, mà là các Đại biểu Quốc hội, và cao hơn nữa là đông đảo quần chúng nhân dân, để mọi người cùng ủng hộ, đứng về phía ông. Nhưng do cả giận mất khôn nên ông chẳng còn nhìn thấy ai, ngoài ông Quốc!.
Và rồi cuối cùng, nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cựu Đại biểu Quốc hội nhiều khóa, thì Đại biểu Phước đã hành xử không phù hợp với tiêu chuẩn văn hóa thông thường chứ chưa nói đến văn hóa nghị trường. Trong cuộc sống, mọi người đều có thể có những ý kiến khác nhau, thậm chí nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng chỉ những người kém văn hóa mới dùng những lời lẽ nặng nề phản cảm để phỉ báng nhau.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Thuyết, khi công kích Đại biểu Dương Trung Quốc về chuyện chất vấn tại kỳ họp vừa qua, ông Phước đã làm trái quy định tại điều 49 Luật Tổ chức Quốc hội. Bên cạnh đó, ông Phước còn quên rằng, điều 46 Luật Tổ chức QH đã quy định Đại biểu phải “gương mẫu” trong việc chấp hành hiến pháp và pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và “tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng”.
Cũng vì những việc làm động trời này, mà ta lại có dịp bình tĩnh ngắm kỹ gương mặt của hai Đại biểu Quốc hội, khi giới truyền thông liệt kê lại tất cả những ý kiến mà họ đã phát biểu.
Không phải ngẫu nhiên, giới truyền thông đã định vị bốn ông Nghị có những đóng góp tích cực trên Nghị trường: “Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”. Đó là Tướng Nguyễn Quốc Thước, ông Nguyễn Ngọc Trân, ông Nguyễn Lân Dũng và ông Dương Trung Quốc. Tất nhiên, những Đại biểu Quốc hội xuất sắc, gây được ấn tượng mạnh trong công chúng, không phải chỉ có bốn ông Nghị này, mà còn nhiều vị khác, như Đỗ Trọng Ngoạn, Nguyễn Minh Thuyết… Ông Dương Trung Quốc, nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, là “người sắc sảo và lịch duyệt”.
Tôi cũng đồng ý với ông Thuyết: “Không phải ý kiến nào của ông Dương Trung Quốc cũng được mọi người đồng tình nhưng những vấn đề ông Quốc nêu lên đều là những vấn đề cử tri rất quan tâm. Về phương pháp tư duy, ông Quốc thường có cách nhìn độc đáo, mới mẻ, đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ”. Còn với ông Phước, nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIII, khi phát biểu về xây dựng Luật Biểu tình, Đại biểu Phước có những nhận thức lệch lạc và lời lẽ xúc phạm cử tri. Bởi vậy, khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, ông Phước đã bị cử tri chất vấn. Lúc đó ông Phước đã phải nói với cử tri hãy coi mình là con cháu và bỏ qua cho những sai sót đó"
Chính người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong sớm có Luật biểu tình, mà ông Phước lại “bảo hoàng hơn Vua”, muốn loại Luật biểu tình ra khỏỉ bàn Nghị sự, không bàn đến trong cả khóa Quốc hội vì “dân trí thấp”.Ngay cả đến khi bàn về chuyện Mại dâm, một hiện trạng nhức nhối trong xã hội, ông Phước cũng lại mạt sát ông Quốc bằng những lời lẽ mà với sự trang nhã của blog này, tôi không tiện dẫn ra đây.
Xúc phạm một Đại biểu Quốc hội, xúc phạm đến cả dòng tộc người ta là một điều tối kỵ đối với người Việt. Thật có lý khi nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Khoa Điềm, Cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Cựu Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đã phải ngỡ ngàng trong một câu thơ viết về ông Hoàng Hữu Phước: “Tại sao người ta lại bầu ông vào Quốc Hội?”. /.