Gọi “cuối năm”, là theo cách nói của ông bà ta, tính theo lịch Âm, nếu theo lịch Dương, hòa cùng với nhân loại thì chúng ta cũng đã qua được một tháng của năm mới 2013 rồi. Bây giờ đã có thể ngoái lại nhìn năm cũ.
Tuy nhiên, thay cho việc “độc diễn” của ông chủ chuyên mục Blog, lần này là “song ca” của Trần Đăng Khoa với phóng viên VOV, cũng là để muốn tránh phần nào sự tẻ nhạt. Nói như ngôn ngữ tung tảy của nhà thơ thì đây là cuộc “hát đúm” đầu xuân, hay “đấu khẩu với Trần Đăng Khoa”. Nội dung cũng vẫn là những chuyện nổi cộm ở trong năm. Có thể gọi là “Chuyện trong năm bàn lúc cuối năm”…
Đồng ý với anh bạn trẻ. Tuy nhiên, những vấn đề nổi cộm, tôi cũng đã bàn rồi. Có vấn đề đã bàn kỹ qua cả mấy kỳ Blog. Giờ không nhắc lại. Ta chỉ trở lại những vấn đề còn dây dưa thôi…
-Nhất trí với lão!
Việc “dây dưa” mà tôi muốn bàn thêm, là chuyện đề xuất với Bộ Giáo dục về việc bỏ thi môn Văn vào các trường Văn hóa và Nghệ thuật. Điều đáng ngạc nhiên là Bộ cũng đã đồng ý. Tôi cho đó là một việc làm rất không bình thường, nếu không nói là vô cùng dại dột, bởi sẽ tất yếu dẫn đến những hệ lụy mà chúng ta không thể lường hết được hiểm họa.
Đừng nghĩ tôi là nhà văn, là người làm văn hóa mà cứ nhăm nhăm bênh vực môn văn. Cái tôi quan tâm là những vấn đề lớn hơn, là sự băng hoại văn hóa của xã hội, bắt đầu từ cội nguồn giáo dục, chứ không phải là một môn học cụ thể. Khi tôi lên tiếng, rất nhiều độc giả ủng hộ quan điểm của tôi. Cũng có một đôi người phản biện lại. Cách phản biện cũng rất văn hóa.
Một ông bạn còn điện trực tiếp: “Xin ông hãy hạ hỏa. Ông hiểu lầm chúng tôi rồi. Chúng tôi có bỏ thi văn đâu. Trong các trường nghệ thuật, còn phải học văn và nhiều môn văn hóa khác nữa. Bỏ thi văn, vì các cháu thi vào nhiều trường Đại học, Cao đẳng, những trường trước đó đã thi văn rồi thì lấy điểm văn đã thi ấy về, thi một lần thôi”.
Ôi, nếu được thế thì tốt quá. Hoan nghênh Bộ Giáo dục, vì có tư duy khoa học, lại biết thương thí sinh và phụ huynh, đã “cải cách đúng”, cũng như Bộ Giáo dục đã đúng, mà tôi đã ca tụng như việc quyết định cho phép những em học sinh đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Trung học Chuyên nghiệp, đoạt giải xuất sắc hoặc giải nhất, nhì, ba tại các hội thi, hội diễn, liên hoan, triển lãm trong lĩnh vực nghệ thuật ở cấp quốc gia, quốc tế hoặc tương đương, được tuyển thẳng vào các trường Đại học, Cao đẳng theo đúng ngành thí sinh đã đoạt giải, mà không phải qua bất kỳ một cuộc thi nào. Các em chưa tốt nghiệp Trung học Phổ thông mà đoạt giải cũng sẽ được bảo lưu để được tuyển thẳng vào Đại học Cao đẳng mà không cần phải thi.
Thế rồi trên báo chí, cũng lại xuất hiện ý kiến của một đồng chí Vụ trưởng Bộ Giáo dục: “Đừng hiểu lầm bỏ thi môn văn vào các trường Văn hóa, Cao đẳng Nghệ thuật”. Tôi đã mừng, đã tính có bài xin lỗi hàng ngàn độc giả vì mình đã hấp tấp, đã nghi oan cho Bộ Giáo dục làm điều phản giáo dục. Nhưng khi tìm hiểu kỹ, điều buồn nhất là tôi lại không nhầm. Đó chỉ là cách lý giải khôn khéo của các nhà chức năng, nhằm “tháo van” dư luận. Thực chất, Bộ vẫn bỏ thi môn văn, thay cho việc thi là lấy điểm thi học kỳ, điểm thi cuối cấp và điểm trung bình của môn văn các năm học Phổ thông để xét…
-Nghĩa là xét kết quả điểm văn trong cả quá trình học, thay cho việc thi văn…
Đúng vậy. Thoáng nghe thì có vẻ có cơ sở, thậm chí cũng có lý, nếu nhìn ở một góc độ nhỏ hẹp nào đấy, nhưng đó là “cái lý ở trên mây”. Áp vào thực tiễn Việt Nam lại không ổn. Không những thế, rất nguy hiểm. Bởi chúng ta không có được một nền giáo dục trung thực và lành mạnh. Ở một số nước tiên tiến, có nơi họ còn bỏ thi Đại học, tuyển thẳng từ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, chỉ xem xét quá trình học. Nhưng họ học thật, thi thật. Đánh giá con người dựa trên những giá trị thật. Tất cả đều trung thực.
Nhưng ở ta, đâu có phải như thế. Bởi vậy, khi mới nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã phải phát động phong trào “Chống bệnh thành tích”. Đúng ra là “chống bệnh giả dối” chứ sao lại “chống bệnh thành tích”? Đối với ngành Giáo dục, thành tích rất quan trọng, là cái đích vươn tới. Tất nhiên, khi thành tích đã thành một căn bệnh thì thành tích không còn là thành tích nữa. Nó là sự giả dối rồi. Thành tích học tập của học sinh là kết quả giảng dạy của thày. Lấy học sinh để đánh giá thày. Thế thì làm sao không có chuyện các thày nâng điểm học sinh để lấy thành tích cho mình và cho lớp.
Chúng ta đã từng bàng hoàng sửng sốt khi báo chí đưa tin có những em học sinh đã lên đến lớp 7 mà vẫn không biết đọc biết viết. Đó là trường hợp một em học sinh 15 tuổi ở trường Trung học Cơ sở Đống Đa, Quy Nhơn. Em hoàn toàn “mù chữ”. Khi đoàn kiểm tra về khảo sát, mới tá hỏa khi em còn không còn biết cả đánh vần. Vậy mà vẫn có điểm tốt, vẫn lên lớp đều đều. Ở các trường khác, các địa phương khác, liệu có những trường hợp tương tự không? Làm sao lại có thể lấy những điểm tốt giả để thay thế cho các kỳ thi thật? Ở các trường phổ thông, các bài học chỉ là những kiến thức xóa mù ở mức sơ đẳng. Trường Đại học, Cao đằng là nơi đào tạo nghệ sĩ, trí thức. Không thể quấy quá, xuê xoa…
-Tôi đồng ý với ông. Khi thông tin loại bỏ thi môn văn vào một số trưởng Văn hóa, Nghệ thuật được một số báo đăng tải, cho đến bây giờ vẫn còn vô khối người hoài nghi và đặt câu hỏi: Liệu có phải đó có phải sự thật? Tôi "vác" chuyện đi hỏi hơn chục nhân sĩ, trí thức, ai cũng bảo rằng đó là một quyết định lạ đời.
Đúng là lạ đời thật. Ký giả trẻ Ngọc Quang rất có lý khi anh cho rằng, chẳng phải ngẫu nhiên mà "văn hóa - nghệ thuật" lại luôn gắn kết với nhau. Nghệ thuật muốn thăng hoa và phát triển bền vững, phải dựa trên một nền tảng văn hóa vững chắc. Nhưng một số nhà quản lý không thấu hiểu điều ấy, cho nên họ đã có một quyết định không thể nói là bình thường. Ấy là chưa kể còn có một loạt các thí điểm cũng rất không ổn.
Nói như GS Nguyễn Cảnh Toàn, cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục, cựu Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam thì 20 năm qua chúng ta đã mang học sinh ra làm “chuột bạch” để thí nghiệm các loại chương trình sách giáo khoa. Rồi chuyện phân ban, bỏ phân ban, lại khôi phục phân ban... rất luẩn quẩn, mà GS Hoàng Tụy đã nói rằng “Chọn hàng trăm nghìn học sinh làm vật thí nghiệm, dù là giáo dục với ý niệm tốt thì cũng là điều cần tránh”.
Khi biết bỏ thi văn khi tuyển chọn học viên vào các trường Văn hóa, Nghệ thuật, nhà văn Nguyên Ngọc nói thẳng thừng: "Nhiệm vụ của các trường nghệ thuật là đào tạo những nghệ sĩ. Một trong những điều kiện quan trọng nhất của người nghệ sĩ là phải có văn hóa nền vững chắc, đúng ra là còn phải phải cao, rộng, sâu, cơ bản hơn cả những người thường. Bởi vì, đến lượt họ, họ phải góp phần quan trọng nhất tạo văn hóa nền cho cả xã hội. Và Văn là môn học chủ yếu để tạo văn hóa nền.
Chủ trương bỏ thi Văn trong tuyển sinh vào các trường nghệ thuật là coi thường vai trò của văn hóa nền, cũng không quan tâm đến việc đánh giá khả năng cảm nhận nghệ thuật ở thí sinh, mà Văn là môn học chủ chốt để dạy khả năng cảm nhận nghệ thuật. Vậy thì chỉ có thể tuyển được những người sẽ làm thợ. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương đào tạo toàn những “thợ nghệ thuật” ở các trường nghệ thuật chăng? Ôi, thỉnh thoảng lại gặp ở đây những chủ trương khó hiểu đến kỳ quặc!
Lý giải của Bộ Giáo dục rằng không bỏ văn mà vẫn lấy kết quả học và thi ở phổ thông là một lối biện bạch quanh co và tránh trớ. Vậy tại sao trong tuyển sinh đại học ở tất cả các ngành khác lại không lấy kết quả học và thi các môn ở phổ thông mà đánh giá nếu cho rằng kết quả ấy là đã đáng tin cậy. Mà lại chỉ bỏ thi Văn ở tuyển sinh nghệ thuật, lại đúng là nơi cần qua môn Văn mà đánh giá văn hóa nền và khả năng cảm nhận nghệ thuật của thí sinh hơn cả? Rõ ràng là làm ngược! Và hơn thế, một việc làm liều lĩnh và dại dột”.
Và hệ quả của sự dại dột ấy là học sinh sẽ bỏ văn, như đã từng bỏ môn lịch sử. Bởi vậy, tôi mới phải nói: “Đuổi văn ra khỏi kỳ thi vào chính các trường thuộc khối Văn hóa-Nghệ thuật là cách tiêu diệt môn văn một cách hữu hiệu nhất. Không thi thì không học. Ở ta vẫn vậy. Đành rằng môn văn trong nhà trường chúng ta cũng còn nhiều điều phải bàn. Nhưng cái đáng bàn là phải đầu tư nâng cao chất lượng môn văn trong cả dạy và học, chứ không phải loại văn ra khỏi môn thi trong tuyển chọn đào tạo nghệ sĩ, trí thức.
Lại phải nghe Nguyên Ngọc, tác giả của nhiều áng văn bất hủ: Rừng xà nu, Đất nước đứng lên: “Xưa, các cụ ta đã có câu “Học Văn là học làm người”. Còn ở tận nước Nga Xô viết xa xôi, đại thi hào M.Gorki cũng nói Văn học là nhân học. Vì coi trọng điều ấy mà chúng ta có nền văn hiến rất đáng tự hào trong suốt bề dày lịch sử dân tộc.
Ấy thế mà nay người ta lại đang tìm cách đi ngược lại những điều đã trở thành chân lý từ hàng nghìn đời, lại gạt bỏ đi thử thách mà học trò phải rèn luyện để “làm người”, mà chỉ nhăm nhăm dạy chúng phải thực dụng. Có lẽ, sẽ chẳng có gì bất ngờ khi chúng ta lại được chứng kiến nhiều nghệ sĩ làm “trò lố”, vì phông văn hóa thấp kém. Điều ấy cũng như một cô gái rất muốn làm đẹp, nhưng lại dốt nát về mặt thẩm mỹ. Thật đáng sợ!”./.