Tiền Giang là “Vương quốc” của rau màu và trái cây thương phẩm ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, một số ít hộ dân và thương lái vì lợi nhuận đã sử dụng chất cấm trong quá trình sản xuất và bảo quản sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của chính người sản xuất vì mất uy tín về chất lượng hàng nông sản trên thị trường.
Mỗi năm, tỉnh Tiền Giang duy trì sản xuất hơn 70.000 ha trái cây và gieo trồng luân canh gần 50.000 ha hoa màu các loại. Tuy năng suất, sản lượng luôn ở mức cao nhưng chất lượng của 2 loại nông sản này chưa ổn định.
Tại xã Tân Thanh, Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nhiều năm qua, đã xảy ra tình trạng nhà vườn sử dụng túi lạ để bọc xoài giúp trái cây này chóng to và có màu đẹp. Người trồng sử dụng vật liệu này nhưng luôn nghi ngờ về chất lượng trái xoài nên không dám ăn mà chỉ để bán, vì trái xoài này luôn bán được với giá cao so với xoài không không sử dụng túi bọc.
Ông Nguyễn Hoàng Phi, nhà vườn xã Tân Thanh, huyện Cái Bè nhìn nhận: “Cái bọc này xài năng suất nó cao, mình bán giá cao hơn trái không bọc. Hiện giờ trái xanh (không bọc) giá 28 ngàn đồng/kg còn trái có bọc thì 42.000 đồng/kg. Thứ nhất khi bọc trái mau lớn, thứ hai là năng suất cao, không có sâu bệnh”.
Thời gian qua, tại Tiền Giang, một số thương lái đã lén lút sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để tẩm trái cây như: Sầu Riêng, Thanh Long, Mít, Chuối, Mãng cầu, hồng Xiêm, Dứa… giúp trái có màu đẹp, chín đều và bảo quản lâu hơn trước khi đưa đi tiêu thụ. Tuy nhiên, theo các thương lái, chất mà họ pha trộn là gì, có ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe người tiêu dùng thì họ không biết. Trong khi đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành không thường xuyên kiểm tra để có hướng xử lý.
Ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, số lượng lớn rau màu đều được tiêu thụ nội địa, cung ứng cho các chợ nhỏ lẻ, chưa được kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng.
Hiện nay, rau sản xuất theo kiểu an toàn và không an toàn thì giá không chênh lệch nhiều. Do đó, khi tham gia vào sản xuất rau an toàn thì người dân rất ngại, tức là giữa giá sản xuất bình thường và khi đi vào Vietgap thì cũng không chênh lệch nhiều. Trong khi đó, chí phí đối với rau an toàn thì cao hơn.
Theo Thông tư 51 của Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, tất cả các hộ nông dân sản xuất nông, lâm thủy sản phải cam kết với chính quyền địa phương về việc sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học. Nhưng thực tế, chính quyền địa phương còn thờ ơ với công tác này, đùn đẩy trách nhiệm quản lý chất lượng hàng nông, thủy sản cho các ngành chức năng.
Đến nay, tỉnh Tiền Giang mới có hơn 500 hộ nông dân đăng ký sản xuất an toàn tại UBND các xã, thị trấn. Theo đó có 500 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn Gap; 39 hộ sản xuất rau màu, 20 hộ chăn nuôi gia cầm được cấp giấy chứng nhận an toàn theo chuỗi giá trị...
Trong khi đó, công tác kiểm tra chỉ làm theo phong trào, theo cao điểm; đồng thời, hình thức xử phạt các trường hợp vi phạm còn quá nhẹ.
Ông Nguyễn Văn Em, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang có ý kiến: Trước hết là Thanh tra Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật và thứ ba là Sở Công thương phải kiểm tra, để bảo vệ sản phẩm an toàn.
Có sự liên đới trách nhiệm với nhau, không có trách nhiệm thì rất khó. Kiểm tra thì phải có hình thức xử phạt đủ sức răn đe để người gian dối trong thương mại họ sợ, xử phạt quá nhẹ chỉ nhắc nhỡ hay phạt vài trăm ngàn, vài triệu bạc thì không đủ sức răn đe.
Ông Nguyễn Tấn Quốc, Chi Cục trưởng Chi Cục quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản tỉnh Tiền Giang lại nói: “Cũng tăng cường thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo VietGap- Global Gap. Định kỳ hàng tháng, Chi cục có đi lấy mẫu sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường, kể cả các vựa thu mua. Giám sát chất lượng hàng hóa nếu không đạt chất lượng mình sẽ cảnh báo đến các cơ quan nhà nước tăng cường hướng dẫn thêm cách sử dụng thuốc đúng” .
Đối với các mặt hàng nông sản ở Tiền Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung nếu chất lượng sản phẩm không được đảm bảo sẽ làm cả người nông dân và người kinh doanh nông sản “thua cuộc” ngay trên sân nhà, chứ chưa nói đến cơ hội xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” trên thế giới./.