Những ngày qua, những ý kiến trái chiều về chất phenol trong thực phẩm giữa đại diện của ngành y tế và nông nghiệp Quảng Trị sau khi đoàn liên ngành của tỉnh này niêm phong 25 tấn cá nục đông lạnh có nhiễm chất phenol tại cơ sở của bà Lê Thị Thuộc ở thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) vào ngày 10/6, đã gây xôn xao dư luận.
Số cá đông lạnh nhiễm phenol bị niêm phong ở Quảng Trị |
Bởi điều này tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân, nhất là trong bối cảnh thảm họa cá chết ở miền Trung đang chưa nguôi lo lắng trong nhân dân.
Đại diện của Sở NN&PTNN Quảng Trị cho rằng chất phenol không có trong quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành nông nghiệp. Còn đại diện của Sở Y tế tỉnh lại khẳng định trong y tế thì phenol là chất độc không được phép có trong thực phẩm, vì thế, với hàm lượng 0,037 mg/kg, cần cấm sử dụng lô cá này.
Trước những ý kiến trái chiều trên đây, ngày 13-6, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), cho biết: Phenol là chất rắn, màu trắng, có thể ở dạng dung dịch. Chất này được tổng hợp hoặc tạo thành trong tự nhiên, thường được sử dụng trong ngành công nghiệp. Ngay cả trong không khí, trong nước ngầm cũng có phenol. Con người có thể bị phơi nhiễm Phenol qua không khí (hít thởi), qua đất, nước…hoặc ngay trong môi trường làm việc ( như sản xuất nilon, nhựa,… ).
Đối với thực phẩm, phenol có thể tìm thấy trong xúc xích, thịt gà rán, chè đen lên men... Phenol có tự nhiên trong thực phẩm, đặc biệt trong một số trái cây như: cà chua, táo, lạc, chuối hàm lượng cao… thậm chí sữa cũng có thể có sẵn chất phenol.
Theo Viện nghiên cứu ung thư quốc tế, các nghiên cứu hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy chất phenol gây ung thư. Cơ quan quản lý môi trường Mỹ cũng không xếp Phenol vào nhóm hoá chất gây ung thư ở người.
Một số nghiên cứu cơ quan thực phẩm châu Âu về hàm lượng Phenol ăn vào hàng ngày chịu được của cơ thể là 180mg/1kg thể trọng và là mức an toàn. Với một người nặng từ 50-55kg, mỗi ngày ăn 2 lạng cá có chứa chất này thì không ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Như vậy, với mức phenol có trong cá nục mà Quảng Trị công bố là 0,037mg/kg thì một người khoảng trung bình 50-55 kg ngày nào cũng ăn 2 lạng cá sẽ không bị tác động tới sức khỏe.
Theo Viện nghiên cứu ung thư quốc tế và Cơ quan quản lý môi trường Mỹ, liều gây chết 50% sinh vật thử nghiệm (chuột) là 300- 600mg/1kg thể trọng.
Như vậy, cho đến nay, chưa có bằng chứng nào khẳng định chất phenol gây ung thư. Các tài liệu của Uỷ ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex, cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của châu Âu, Hoa Kỳ, đều chưa có quy định mức giới hạn Phenol trong hải sản.
Trước các quan điểm trái nhau, Sở Y tế và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị đã gửi mẫu cá nục bị niêm phong trên tới các viện chuyên môn ở Hà Nội để đánh giá lại một lần nữa.
Hàm lượng phenol trong các mẫu cá này sẽ được so sánh với số liệu từ cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu và Hoa Kỳ. Để có kết luận chính thức, cần phải chờ kết quả các mẫu kiểm nghiệm này. Được biết, trong tuần này sẽ có kết quả kiểm nghiệm.
Theo ông Nguyễn Hùng Long, nếu như kết quả đúng như tỉnh Quảng Trị công bố về hàm lượng chất phenol trong cá là 0,037 mg/kg thì số cá này vẫn an toàn và có thể đưa ra thị trường tiêu thụ./.